Xử lý mạnh tay cơ sở y tế chứng nhận sức khỏe lái xe giả

(PLO) - Đại diện Bộ Y tế khẳng định như vậy khi thông báo chính thức về một số vấn đề liên quan đến Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe, về cơ sở y tế khám sức khỏe người lái xe tại buổi họp báo sáng qua 30/12. 

Xử lý mạnh tay cơ sở y tế  chứng nhận sức khỏe lái xe giả
Vẫn phổ biến “giấy chứng nhận sức khỏe lái xe giả”
Hiện Bộ Y tế đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe người lái xe. 
Theo đó, Dự thảo gồm 05 chương với 21 điều, trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của nhân viên y tế thực hiện khám sức khỏe người lái xe; trách nhiệm của người lái xe; chủ sử dụng lao động lái xe; cơ sở khám sức khỏe người lái xe; Sở Y tế và cơ quan quản lý nhà nước về y tế của Bộ, ngành, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế…
Về Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, Ban soạn thảo quy định cụ thể từng loại bệnh cho từng nhóm hạng bằng lái xe. Dựa trên bảng phân nhóm này, có 8 tiêu chí liên quan đến sức khỏe (tâm thần, thần kinh, mắt, tai - mũi - họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp và nội tiết) và 01 tiêu chí về thuốc và các chất hướng thần khác. 
Từ kết quả cuộc kiểm tra và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp có lái xe do Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tiến hành, phát hiện một tỷ lệ không nhỏ lái xe có sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện, nên trong nhóm tiêu chí về thuốc và các chất hướng thần khác, Dự thảo Thông tư đã đề xuất tuyệt đối cấm lái xe không được sử dụng các chất ma túy, chất có nồng độ cồn vượt quá giới hạn quy định đối với tất cả các hạng bằng lái xe (A1, B1, A2, A3, A4, B2, C, D, E, EB2…).
Trước thắc mắc của báo giới về vấn đề tổng kiểm tra toàn diện đối với công tác khám sức khỏe cho các tài xế, TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, thực tế vẫn chưa có một cuộc thanh, kiểm tra nào có quy mô lớn và toàn diện như vậy, nhưng Bộ Y tế vẫn thường xuyên tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra với quy mô nhỏ tại một số cơ sở y tế nhằm phát hiện, ngăn chặn và giải quyết tình trạng này; đồng thời khuyến cáo về tình trạng bán giấy chứng nhận sức khỏe lái xe giả vẫn còn phổ biến, ông Lương Ngọc Khuê đề nghị cơ quan hữu quan vào cuộc, hỗ trợ Bộ Y tế xử lý và giải quyết tình trạng trên. “Bộ Y tế sẽ nghiêm khắc xử lý các cơ sở y tế có hành vi gian dối, không làm tốt chức năng của mình” – ông Khuê khẳng định. 
Không giảm tỷ lệ thanh toán thuốc điều trị ung thư 
Theo Thông tư 40/2014/TT-BYT ban hành Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thì trong số 25 thuốc qui định tỷ lệ thanh toán, có 09 loại thuốc (trong đó có 04 loại thuốc điều trị ung thư) trong danh mục quỹ đang thanh toán 100% nay giảm tỷ lệ thanh toán còn 50%. 
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Hiện tỷ lệ mắc mới ung thư ở nước ta đang có xu hướng tăng lên hàng năm, nếu giữ nguyên tỷ lệ thanh toán là 100% thì chi phí điều trị quá lớn, ảnh hưởng đến việc điều trị cho các bệnh khác nên phải điều chỉnh lại để đảm bảo cân đối quỹ BHYT và dành chi phí khám chữa các bệnh khác (HIV/AIDS và các bệnh xã hội khác)”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, tỷ lệ thanh toán theo Thông tư 40/2014 đối với 04 loại thuốc ung thư sẽ không áp dụng đối với đối tượng người có công và trẻ em dưới 6 tuổi. Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT vào viện trước ngày Thông tư 40/2014 có hiệu lực nhưng còn đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì thực hiện theo quy định tại Thông tư cũ.
Riêng đối với bệnh nhân bị ung thư đang sử dụng 04 loại thuốc điều trị ung thư tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước thời điểm Thông tư 40 có hiệu lực thì tiếp tục được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí cho đến hết liệu trình điều trị…, đồng thời khuyến khích và vận động các nhà tài trợ hỗ trợ thuốc hoặc một phần chi phí thuốc điều trị cho bệnh nhân./.