Xót lòng cảnh bệnh nhi tự mưu sinh chờ định kỳ chạy thận

(PLO) - Đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, người ta thường gặp hình ảnh rất nhiều em nhỏ đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng… nằm vạ vật trên các mảnh chiếu trải dọc hành lang chờ chạy thận.

Những bệnh nhi chờ đợi ở hành lang bệnh viện chờ chạy thận
Những bệnh nhi chờ đợi ở hành lang bệnh viện chờ chạy thận

Cô đơn trong đau đớn

Buổi chiều, khu hành lang tầng 2 Khoa thận Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng mưa táp vào lạnh buốt.  Trong hàng trăm con người điều trị chạy thận ngoại trú, có hàng chục em nhỏ đang ngồi co ro dọc hành lang.  

Huỳnh Văn Thịnh (15 tuổi, quê xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) gia đình quá nghèo, con đông, cha mẹ phải đi làm thuê tối ngày nên em phải tự thân vận động, một mình sống ở hành lang bệnh viện. Thịnh bị suy thận mãn tính đến nay tròn 5 năm nay, cũng từng ấy thời gian một mình em chống đỡ bệnh tật. Những lúc mệt mỏi sau khi lọc máu, em chỉ biết tìm quên bằng việc vùi đầu vào tờ báo cũ, hay cuốn truyện tranh được ai đó
Ở một góc khác là em Võ Thị Thuỳ (14 tuổi, quê Quế Sơn, Quảng Nam) bị suy thận nặng, hai quả thận đã đều teo, bác sĩ phải cắt đi một quả bên trái. Hiện hai khớp xương đầu gối không co được, Thùy lết từng bước khó nhọc.
Thùy tâm sự, mẹ không chịu nổi cảnh con bệnh, nghèo đói; nên chăm sóc em một thời gian, mẹ để em tự lo lấy thân rồi đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Tương tự, nhiều em như Lê Văn Minh (tỉnh Quảng Trị), Nguyễn Thành (tỉnh Quảng Nam), Lê Thị Thương (đều mới 13 tuổi)… cũng có chung hoàn cảnh ốm đau, nhưng gia đình lại không thể chịu nổi chí phí nhiều năm liền cho căn bệnh mãn thận, đành bỏ mặc các con tự cứu mình.
Theo bác sĩ Trần Minh Tuấn (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng), mang căn bệnh này, trừ khi thay thận, các em gần như chạy thận suốt đời. Do quá tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian, trong khi phần lớn gia đình đều thuộc diện nghèo khó nên người thân, dù thương con đứt ruột cũng đành chấp nhận phó thác các em cho bệnh viện, cho xã hội.
Em Thùy đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng
  Em Thùy đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng
Em Mai Hữu Hùng (14 tuổi, quê Tiên Phước, Quảng Nam) là cậu bé được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng nhắc nhiều nhất. Cả 3 anh em Hùng đều mang căn bệnh suy thận mãn tính, đứa em gái kế Hùng đã qua đời 2 năm trước. Còn lại 2 anh em nương tựa vào nhau. Mới đây em trai Hùng cũng qua đời. Còn lại Hùng, một tuần, trừ 2 lần chạy thận hay những lúc quá đau nhức em mới không đi theo đám trẻ đánh giày kiếm sống.
Le lói những hy vọng sống
Tháng 11 vừa qua, Sở Y tế Đà Nẵng đã đầu tư ba máy chạy thận nhân tạo cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, “chia lửa” cho Bệnh viện Đa khoa TP.
Theo Bác sỹ Võ Hữu Hội (Khoa Nhi hồi sức, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), thông thường, mỗi bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo ít nhất 2 lần/tuần, chi phí khoảng 2 triệu đồng/tuần. Nếu nằm trong trường hợp được miễn giảm, một năm các em cũng phải trả từ 5 - 10 triệu.
 Số tiền này chưa tính vào lần chạy thận đầu tiên trong 48 tiếng (tương đương hơn 20 triệu đồng), bắt buộc bệnh nhân trả, chưa kể các khoản chi phí ăn uống, sinh hoạt khác. Ngoài ra, màng lọc cho bệnh nhân nhi rất hiếm, mỗi lần chạy thận phải thay toàn bộ màng lọc khiến chi phí phụ đẩy lên cao.
Cũng chính vì muốn tạo thêm cơ hội sống cho trẻ em nghèo mắc bệnh hiểm nghèo, từ khi thành lập và đưa vào sử dụng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng luôn trăn trở việc áp dụng công nghệ chạy thận nhân tạo đối với bệnh nhi. Qua từng bước trang bị đội ngũ kỷ thuật, kinh phí đầu tư trang thiết bị, 3 máy ba máy chạy thận nhân tạo dành cho trẻ được đưa vào sử dụng vào ngày 17/11, đặt tại Khoa Hồi sức nhi.
Cháu bé Trần Thị Hoa (12 tuổi, ngụ xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam) trở thành bệnh nhi đầu tiên tìm lại sự sống của mình tại Đà Nẵng thay vì chấp nhận cái chết do không có tiền đi chữa trị ở 2 thành phố lớn.
Bệnh nhi Hoa bị suy thận giai đoạn cuối. Ngày 17/11, em được đưa vào Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, suy tim… được cấp cứu cho thở máy. Kết quả chẩn đoán, bệnh nhân bị suy thận nặng, suy đa cơ quan, rối loạn thân nhiệt, phải lọc máu liên tục trong vòng 48 tiếng để vượt qua tình trạng nguy kịch.
Ngay sau khi sức khỏe của em được cải thiện, “cai” được máy thở, bệnh viện tiếp tục cho chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần. Ngày 25/11 vừa qua, Hoa được Bệnh viện lọc máu lần đầu theo định kỳ, kéo dài 3 tiếng/lần.
Bé Hoa và mẹ tại Khoa nhi Hồi sức, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng
 Bé Hoa và mẹ tại Khoa nhi Hồi sức, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng
Ngồi bên chăm sóc con, chị Alăng Thị Mê (SN 1979, mẹ cháu Hoa) bộc bạch, khoảng 1 năm trước, con gái chị đã nhập viện và được chẩn đoán viêm cầu thận cấp, thể tiến triển nhanh. Gia đình khi đó đã đưa cháu ra Huế điều trị 2 tháng nhưng rồi mang về vì hết sạch tiền. Đến ngày 17/11, thấy con có dấu hiệu trở bệnh quá nặng, chị lại chạy vay mượn khắp làng, “lận lưng” 1 triệu mang con đi cấp cứu.
Vợ chồng chị Mê thuộc diện hộ nghèo, có tới 4 con, nhỏ nhất mới 3 tuổi, đàn con đều không học quá lớp 2. “Con đau, tôi đưa vào Trung tâm y tế huyện, cứ nghĩ nó không qua khỏi. Trung tâm làm thủ tục chuyển tuyến xuống Đà Nẵng, tôi đi theo với hi vọng, bệnh viện thương tình cứu giúp, chứ giờ tôi bán sạch thóc lúa rồi, lấy tiền mô mà chữa”, chị Mê kể lại.
Vậy những lần chạy thận tiếp theo thì sao? Thấy mẹ ấp úng khi khách đặt câu hỏi, dù mệt nhưng Hoa cũng đáp thay lời: “Con sẽ ở đây một mình để mẹ về đi làm rẫy nuôi em. Khi mô khỏe, con đi bán vé số lấy tiền lo ăn uống cho mình. Con muốn được sống, con sẽ cố gắng tự lo cho bản thân”.
Nghe cô bé 12 tuổi thốt ra điều ước bình dị, nhiều người chứng kiến không khỏi xót xa. Bác sỹ Hội cho biết, trước mắt, bệnh viện đứng ra kêu gọi các các nhân, đơn vị, các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ để trả phần chi phí ban đầu điều cho cháu bé. Thời gian tiếp theo, không phải chỉ mỗi bệnh nhi Hoa, mà rất nhiều trẻ em nghèo đang chạy thận rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Bác sĩ Hội mong muốn, thông qua bài báo trên Xa lộ Pháp luật, bạn đọc và các nhà hảo tâm sẽ chung tay giúp đỡ, mang lại cho các em cơ hội duy trì sự sống.

Đọc thêm