Tiếp theo, là những hình thức kỷ luật hành chính sẽ được áp dụng và Quốc hội, Chính phủ đang bàn thảo về vấn đề này, khó khăn là “chưa từng có tiền lệ” nhưng Đảng đã tạo tiền lệ rồi thì cứ nên tiếp tục và sau đó là việc của các cơ quan thi hành pháp luật.
Bọn tham nhũng sắp bị phát hiện ở nước ta cũng đã tạo một tiền lệ: Cảm thấy mối nguy hiểm cận kề thì trốn ra nước ngoài. Đó là trường hợp của những Giang Kim Đạt, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh và mới đây là Vũ Đình Duy. Chủ tịch nước đã chỉ đạo ngành Công an thực thi thật tốt nhiệm vụ của mình chặn đứng cái tiền lệ này lại, không để tình trạng nước ngoài là chốn dung thân của bọn ăn cắp tài sản quốc gia rồi sống phè phỡn ở nơi pháp luật Việt Nam không thể với tới. Đó là chặn gần, chặn tức thì, còn chặn xa lại cần áp dụng một cách quản lý khác như việc có hai quốc tịch hoặc quản lý hộ chiếu, xuất cảnh, tài sản ở nước ngoài,... đối với các trường hợp nghi vấn. Đây không phải chuyện “đánh động” mà là ngăn ngừa từ xa, không để xảy ra tình trạng chưa kịp động thủ, kẻ gian đã chạy mất.
Cũng chưa từng có tiền lệ khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội tuyên bố có thể buộc thôi việc đối với một cán bộ Sở Ngoại vụ hành hung một ông già. Phải tạo một tiền lệ như vậy để cảnh báo những người tính khí hung hăng và coi việc giữ gìn đạo đức công chức không phải của mình. Tương tự như vậy, có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị cần có những quy định xử lý các trường hợp bổ nhiệm người nhà, “cả họ làm quan”. Chưa xử lý được những trường hợp này vì họ viện lẽ “đúng quy trình” và quả là chưa có tiền lệ nào. Giờ thì đã đến lúc phải tạo tiền lệ!
Các cơ quan chức năng đều nhận định là tham nhũng ngày càng xuất hiện những thủ đoạn tinh vi. Vì thế, đối phó với chúng cần đến những phương cách tinh vi hơn, “cao thủ” hơn thì mới ngăn chặn được sự lộng hành. Những phương cách đó và với việc xử lý mạnh tay sẽ tạo ra tiền lệ tốt, áp dụng vào các trường hợp tương tự, phát huy hiệu quả và tạo ra hiệu ứng xã hội, mang lại kết quả cao trong lĩnh vực thực thi pháp luật, phòng chống tội phạm.