Phó Thủ tướng biểu dương các doanh nghiệp đã đồng hành cùng Chính phủ, cùng người dân đã giảm giá bán lợn thịt thời gian qua; đặc biệt, biểu dương tất cả các doanh nghiệp đã cam kết giảm giá lợn hơi tại cửa chuồng, trang trại xuống 70.000 đ/kg kể từ ngày 01/4/2020.
Việc giảm giá thịt lợn, không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế, mà còn thể hiện trách nhiệm chính trị, văn hóa của doanh nghiệp và người sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các thành phần liên quan đến chuỗi sản xuất thịt lợn thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát và giảm giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống 70.000 đ/kg kể từ ngày 01/4/2020; tiến tới giảm dưới 65.000 đ/kg đến 60.000 đ/kg lợn hơi và thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá thịt lợn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 29/3/2020.
Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan liên ngành, Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo, tổ chức kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép; phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trong quản lý và đề xuất chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu bổ sung phần thịt lợn thiếu hụt trên thị trường, không để thiếu nguồn thực phẩm quan trọng này trong mọi trường hợp, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Đồng thời, đẩy mạnh vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xây dựng các chuỗi đảm bảo cung ứng thịt lợn trong mùa dịch và ổn định thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu và tổ chức nhập khẩu thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phối hợp các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch xây dựng ngành chăn nuôi theo hướng: Tăng mạnh đàn lợn trong thời gian tới nhưng đảm bảo cân bằng cung cầu, đảm bảo giá lợn ở mức hợp lý nhưng không tạo ra dư thừa, thiệt hại cho người chăn nuôi.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo, thực hiện tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống kênh phân phối, cung ứng, đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng nuôi của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến thương nhân, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng nhằm giảm chi phí trung gian đến mức thấp nhất cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá lên cao.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, sớm đề xuất chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; khẩn trương rà soát, công bố hết dịch theo quy định; hướng dẫn, đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi, nhất là mặt bằng đất đai để người dân, doanh nghiệp đầu tư tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và cung cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.
* Trong một diễn biến liên quan, bất chấp nỗ lực kiềm giá của Chính phủ, giá thịt lợn hơi xuất chuồng ngày 16/4 tại miền Bắc đã lên mức 90.000 đồng/kg, mặc dù sức mua không có biến động.
Cụ thể, tại một số địa phương phía Bắc như Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh… giá thịt lợn hơi dao động ở mức 86.000-90.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá lợn hơi ngày 16/4 tại miền Trung cũng tăng. Cụ thể, giá heo hơi tại Thanh Hóa, Nghệ An đạt đỉnh 83.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi ngày 16/4 tại các tỉnh thành phía Nam đang dao động quanh mức 77.000 - 83.000 đồng/kg.
Trong khi người tiêu dùng cả nước sốt xình xịch vì giá thịt lợn chưa biết khi nào giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì Covid-19 thì “ông lớn” chăn nuôi – Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã báo lãi khủng trong 3 tháng đầu năm 2020.
Tập đoàn chăn nuôi Dabaco báo lãi khủng quý I/2020. |
Theo báo cáo của Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC), kết thúc quý I/2020, Tập đoàn đạt doanh thu 3.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỷ đồng. Con số này cao gấp 17 lần quý I/2019 và vượt cả lợi nhuận sau thuế đạt được cả năm 2019.
Trong bối cảnh dịch bệnh, kết quả kinh doanh của Dabaco vẫn tăng vọt. Theo lý giải của Ban lãnh đạo Tập đoàn, sở dĩ doanh thu, lợi nhuận cao trong quý I/2020 là do Tập đoàn sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như thực phẩm (trứng gà, dầu ăn, thịt lợn, thịt gà, sản phẩm chế biến từ thịt…) và các hoạt động tạo nguồn cung thực phẩm như cung cấp thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc gia cầm con giống và con thịt…
Hơn nữa, thời gian qua, các đơn vị trong Tập đoàn tăng cường sản xuất các sản phẩm là nhu yếu phẩm thiết yếu như trứng gà tươi, trứng gà chế biến, thực phẩm chế biến từ thịt và tổ chức hệ thống phân phối, vận chuyển an toàn đến tận tay người tiêu dùng…
Tuy vậy, một nguyên nhân khiến lợi nhuận của Dabaco tăng vọt một phần là do giá thịt lợn tăng kỷ lục thời gian qua. Trước đó, báo cáo tài chính quý 4/2019 của Dabaco cũng cho thấy lợi nhuận tăng vọt, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ quý 4/2018, chủ yếu do giá thịt lợn tăng.
Theo báo cáo thường niên năm 2019 vừa được công bố, kết thúc năm 2019, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Dabaco vẫn tiêu thụ ra thị trường sản lượng thịt lợn 45.720 tấn. Ngoài ra, Tập đoàn còn cung ứng lượng lớn gà thịt, trứng gà, các sản phẩm thịt chế biến như xúc xích, dăm bông, giò, ruốc…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao, nguyên nhân do nguồn cung thấp hơn cầu và các yếu tố chủ quan khác tạo ra. Giá thịt lợn cao ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Mặt khác, có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Do vậy, việc triển khai chủ trương kiểm soát giá thịt lợn đã được nhiều doanh nghiệp rất đồng tình, giảm giá bán lợn thịt. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp, người chăn nuôi, kinh doanh lợn thịt, thịt lợn chưa triển khai tích cực, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán và người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.