Xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp: Vì sao còn nhiều bất cập?

(PLO) - Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc liên quan đến các cụm công nghiệp (CCN) đóng trên địa bàn Hà Nội xả thải trực tiếp ra môi trường khiến dư luận xôn xao, bức xúc. Các vụ việc cho thấy, hoạt động thu gom và xử lý nước thải tại các CCN đang tồn tại nhiều bất cập, cần sớm khắc phục.
Một lối “xả” từ các nhà máy thuộc CCN Bình Phú A ra kênh mương tưới tiêu, gây ô nhiễm môi trường

“Đua nhau” xả nước thải ra môi trường

Từ nhiều năm nay, người dân thôn Phú Ổ, xã Bình Phú (huyện Thạch Thất) phải sống trong cảnh ô nhiễm kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống của người dân. Theo phản ánh của người dân, hiện tượng ô nhiễm bắt đầu từ những năm 2000, khi các công ty thuê đất ở đây để sản xuất. Từ đó cho đến nay, nước thải từ tất cả các nhà máy trong CCN đều chưa được xử lý mà đã xả thải trực tiếp ra hệ thống mương liền kề cánh đồng lúa trong thôn. 

Tại thời điểm PV khảo sát, nước dưới hệ thống mương liền kề này đang bốc mùi hôi, tanh nồng nặc. Quan sát bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy nước ở dòng mương này đã nhuốm màu đen, đục bẩn, cá tôm không thể sinh sống. Bên cạnh đó, một số khu ruộng trũng bị nước tràn vào, đọng lại còn bốc lên mùi nồng nặc hơn khiến ai vô tình hít phải cũng có cảm giác đầu óc choáng váng.

Trao đổi với PV, một số người dân có ruộng ở khu vực này bức xúc cho biết, cả chục năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đặc biệt là từ nước thải của CCN đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Nhiều thửa ruộng phải bỏ hoang vì nước ô nhiễm khiến cây lúa không thể sinh trưởng bình thường, hạt bị lép, cây lúa gãy đổ.

Cũng theo người dân địa phương, đầu năm 2016, UBND huyện Thạch Thất và cơ quan quản lý đã cho xây dựng trên địa bàn một trạm xử lý nước thải. Trạm này nằm ngay sát đường vào thôn Phú Ổ, ở cạnh phía Tây của CCN Bình Phú A, có diện tích khoảng 200m² với đầy đủ các hạng mục như: Nhà điều hành; đường ống; bể xử lý; hệ thống máy móc... Song dù máy móc đã cơ bản được lắp đặt nhưng không thấy có hệ thống dẫn nước thải từ cụm công nghiệp vào để xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại trạm vẫn trong tình trạng nằm “đắp chiếu”.

Tương tự, nhiều năm nay, người dân xã Nguyên Khê (huyện Ðông Anh) cũng phải sống chung với tình trạng ô nhiễm, do nguồn nước thải từ CCN Nguyên Khê chưa được xử lý xả ra môi trường. Theo đánh giá của UBND huyện Ðông Anh, từ khi thành lập các CCN gồm: CCN Ðông Anh, Nguyên Khê, Liên Hà, với tổng diện tích gần 100ha, việc thu gom và xử lý nước thải chưa thực hiện đúng theo yêu cầu. Minh chứng dễ thấy nhất là 6 tháng đầu năm 2017, UBND huyện Ðông Anh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 4 trường hợp xả thải trực tiếp ra môi trường không qua hệ thống xử lý. Riêng tại CCN Nguyên Khê, với quy mô gần 78ha, trạm xử lý nước thải có công suất hơn 1.000m3/ngày đêm đã đưa vào khai thác từ tháng 10/2016, nhưng các doanh nghiệp chưa đấu nối đường thoát nước thải vào trạm xử lý, dẫn đến hiệu quả xử lý nước thải chưa cao.

Tình trạng có tồn tại trạm xử lý nước thải nhưng CCN vẫn “xả” trực tiếp ra môi trường còn xuất hiện ở CCN Tân Triều (huyện Thanh Trì). Theo tìm hiểu, mặc dù trạm xử lý nước thải tập trung được đầu tư xây dựng từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Các trang thiết bị của trạm hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại đây chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tái chế nhựa phế liệu, nhuộm vải…, phát sinh lượng nước thải, chất thải, hóa chất lớn xả ra môi trường.

Vận hành trạm xử lý nước thải không thuộc trách nhiệm địa phương

Liên quan đến vấn đề trạm xử lý nước thải “có cũng như không”, nhiều địa phương nơi trực tiếp “hứng” ô nhiễm lại tỏ ra khá thờ ơ. Khi làm việc về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hải – Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, UBND xã đã nhiều lần nhận được kiến nghị của người dân về việc nước thải từ CCN Bình Phú A gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, về trạm xử lý nước thải cạnh CCN đang để không, theo ông Hải, trạm này là do UBND huyện làm chủ đầu tư; ở đây chủ yếu là công ty làm đồ gỗ và cơ khí nên tình trạng ô nhiễm không đến mức nghiêm trọng như người dân phản ánh.

Đại diện UBND xã Bình Phú cũng cho biết, sở dĩ đến nay nhà máy chưa được đưa vào sử dụng dù đã xây xong là do chưa được nghiệm thu. Về hệ thống đường dẫn còn thiếu, UBND xã cũng đã làm việc với Phòng Kinh tế của UBND huyện và các doanh nghiệp đóng ở CCN Bình Phú A thống nhất sẽ xây kênh dẫn riêng trong thời gian sớm nhất.

Đại diện UBND xã Tân Triều (Thanh Trì) thì cho rằng xã chỉ đóng vai trò quản lý hành chính còn vấn đề vận hành trạm xử lý nước thải thì không thuộc trách nhiệm địa phương. “Về trạm xử lý nước thải chưa đi vào hoạt động trên địa bàn bây giờ thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý cụm sản xuất công nghiệp tập trung. Bên UBND xã chỉ quản lý về mặt hành chính, còn vấn đề về sử dụng các thiết bị ở trạm xử lý nước thải là do những người được thành phố hiện giao. Người ta có trách nhiệm vận hành và thu dịch vụ từ đấy chứ UBND xã không quản lý trực tiếp” – ông Nguyễn Hữu Vỵ - Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết.

Khách quan nhìn nhận, việc để hệ thống xử lý nước thải CCN đã được đầu tư nhưng chưa hoạt động hoặc hoạt động chưa hết công suất đang và đã làm giảm hiệu quả vận hành trang thiết bị, lãng phí vốn đầu tư. Thực tế này cho thấy, các cấp ngành liên quan cần có thái độ chủ động, vào cuộc tích cực hơn. Ngoài ra, việc sớm vận hành các trạm xử lý nước thải tại các khu, CCN cũng sẽ trực tiếp góp phần giảm ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa tình trạng “xả thải” tràn lan ra sông, ngòi như hiện nay.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong số 43 CCN đang hoạt động trên địa bàn thành phố, có 19 CCN chưa được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, 24 CCN đã và đang được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, với tổng công suất xử lý hơn 21.300m3/ngày đêm. Trong số này có 12 trạm hoạt động, nhưng vận hành không liên tục. 5 trạm đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt máy móc, nhưng chưa hoạt động. 4 trạm khác hoạt động không bảo đảm công suất, chất lượng xử lý nước thải không đạt yêu cầu. Một trạm mới hoàn thành phần xây dựng, chưa lắp đặt thiết bị.

Đọc thêm