Loay hoay…
Theo ông Trần Văn Hiển, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban quản lý Vịnh Hạ Long, trong số 505 tàu du lịch đăng ký hoạt động trên Vịnh Hạ Long (gồm tàu đi trong ngày và tàu nghỉ đêm) hiện có 476 tàu hoạt động thường xuyên, số còn lại lên đà sửa chữa, một số ngừng hoạt động.
Đội tàu dịch vụ khách trên Vịnh Hạ Long đem tới những trải nghiệm du lịch thú vị trên Vịnh, trở thành một phần không thể thiếu trong các dịch vụ và hoạt động du lịch trên Vịnh nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với môi trường Vịnh Hạ Long. Nếu như rác thải rắn từ tàu có thể được thu gom và mang lên bờ xử lý thì một lượng lớn nước thải từ các tàu thuyền du lịch dường như không thể thu gom và xử lý tập trung, nhất là dầu thải từ quá trình chạy máy.
Để đảm bảo môi trường nước Vịnh Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định 4088/2015/QĐ-UBND quản lý hoạt động tàu du lịch Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Quyết định này yêu cầu tất cả tàu phải trang bị thiết bị phân ly dầu nước hoặc tương đương sử dụng cho buồng máy; Tàu lưu trú lắp động cơ diesel không phân biệt là động cơ chính hay phụ có tổng công suất lớn hơn 220 kw phải được trang bị thiết bị phân ly dầu nước; các tàu lưu trú còn lại phải được trang bị thiết bị phân ly dầu nước hoặc tương đương sử dụng cho buồng máy.
Đến cuối năm 2017, theo báo cáo của UBND TP Hạ Long, tất cả các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long đã đáp ứng các yêu cầu trên. Tuy nhiên, theo PGS.TS.Phạm Trương Hoàng, ĐH Kinh tế Quốc dân, còn quá sớm để có thể khẳng định việc xử lý nước thải từ tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã được giải quyết một cách triệt để và lâu dài.
Tại Cuộc họp cấp lãnh đạo lần thứ năm sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long – Cát Bà tổ chức hôm 13/3 vừa qua, một trong những vấn đề nổi cộm được bàn thảo là nước thải của tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Ông Nguyễn Duy Phú, Chủ tịch HĐQT Du thuyền Pelican, DN có 5 du thuyền tiêu chuẩn 5 sao đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà, đưa ra con số chỉ có 10% tàu là những tàu đóng mới được lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước, số còn lại đều là tàu cũ, không có chỗ để lắp thiết bị này.
“Chủ tàu không thể phá tàu để lắp thiết bị này vào được, cho nên đề xuất là lắp máy phân ly loại nhỏ, nhưng cũng không đơn giản. Các tàu cũ chủ yếu vẫn xử lý theo cách thủ công, tức lắp thiết bị chứa để đưa lên bờ xử lý…” - DN này cho hay.
Xác nhận với PLVN, đại diện Ban quản lý Vịnh Hà Long khẳng định tất cả các tàu cũ tuy không lắp được thiết bị phân ly dầu nước thì cũng lắp đặt bộ phận để chứa nước thải (nước từ quá trình chạy máy và thải nước sinh hoạt) để đưa lên bờ xử lý, tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp không chấp hành, mặc dù các hình thức xử lý vi phạm là rất nặng, kể cả phạt nguội.
Khuyến khích đầu tư tư nhân
Dưới sự tài trợ của JICA, Công ty HTM đang triển khai dán nhãn “Bông sen xanh” cho các tàu du lịch đạt tiêu chuẩn về xử lý nước thải trên Vịnh Hạ Long. Theo ông Kai Marcus Schroter, Giám đốc HTM, đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện, do vậy cần thiết phải có những quy định mang tính bắt buộc với chế tài xử lý thật nặng đối với những hành vi vi phạm.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long chia sẻ, 37 tiêu chí của “Bông sen xanh” tương đương với 10 nhóm tiêu chí mà thành phố đang áp dụng và khẳng định các tàu trên Vịnh Hạ Long cơ bản đáp ứng trên 20 tiêu chí của “Bông sen xanh”. “Chúng tôi đang rà soát, xây dựng các tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn tàu và tới đây sẽ bắt buộc.!”- ông Huy khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cũng nhắc đến dự án xử lý nước thải 154 triệu USD thành phố đang triển khai với vốn đối ứng 29 triệu USD. Không dừng ở con số đó, bà Nguyễn Thị Bích Hiền (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế- IUCN) cho biết, tổ chức này đang đề xuất một dự án xử nước thải cho tàu du lịch trên Vịnh Hà Long với tổng đầu tư ban đầu 3,1 triệu USD.
Theo tính toán của IUCN, tổng lượng nước thải từ các tàu du lịch là khoảng 502m3/ngày và chi phí đầu tư ban đầu khoảng 3,1 triệu USD bao gồm đầu tư cho 12 tàu thu gom trên biển là 1,2 triệu USD, trang thiết bị lắp tại cảng là 600 nghìn USD, các trạm xử lý nước thải tại cảng là 800 nghìn USD và đầu tư trang thiết bị cho các tàu du lịch là 500 USD.
Ngoài ra, chi phí vận hành hệ thống này vào khoảng 251 USD/ngày (theo ước tính chi phí các khu xử lý nước thải vận hành tương tự tại Phillippines). Theo tính toán phương án thu phí và hoàn vốn trong 5 năm... Tuy nhiên, đề xuất này đã gặp sự phản biện của DN, ông Nguyễn Duy Phú – Chủ tịch HĐQT Du thuyền Pelican cho biết, tính sơ sơ mỗi tàu thu gom trên biển tối đa cũng chỉ có thể thu gom cho 10 du thuyền, như vậy đội tàu thu gom sẽ phải gấp 5 lần con số mà IUCN đưa ra. Và để đầu tư xử lý nước thải du thuyền cho khu vực Hạ Long – Cát Bà thì cần tới hàng chục triệu USD chứ không chỉ là 3,1 USD.
Cũng theo DN, cách xử lý cho vấn đề này vẫn là sự chủ động của DN và phải… đợi số tàu cũ hết niên hạn sử dụng, DN đầu tư tàu mới có lắp bộ phận xử lý nước thải.
Được biết, Quảng Ninh hiện đang áp dụng niên hạn 15 năm đối với tàu du lịch vỏ gỗ và 25 năm đối với tàu vỏ thép, trong khi quy định của Bộ GTVT là 20 năm đối với tàu vỏ gỗ và 30- 35 năm đối với tài vỏ thép. Tuy nhiên, môi trường Vịnh Hạ Long không đợi được, nhất là khi Viện Nam đang đệ trình UNESCO lần thứ 3 công nhận Vịnh Hạ LongCát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.
“Bên cạnh những quy định bắt buộc, Việt Nam cần có phương thức thúc đẩy đầu tư tư nhân vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho hơn 500 tàu du lịch đang hoạt động tại Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà...”, đại diện IUCN khuyến cáo.