Một nguyên nhân không nhỏ là do luật pháp vẫn còn “khoảng trống” trong vấn đề này nên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đề nghị cần sớm bổ sung, điều chỉnh ngay trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Đặt chốt để kiểm tra là quá muộn
Khi vụ việc một chiếc xe container tông 21 xe máy đang chờ đèn đỏ tại huyện Bến Lức, Long An khiến nhiều người tử vong còn chưa lắng xuống thì ngày 21/1 vừa qua, tại km76+400 trên quốc lộ 5, đoạn qua xã Kim Lương (Kim Thành - Hải Dương) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa một chiếc xe tải và đoàn người đi bộ ven đường.
Vụ tai nạn đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề: 8 người tử vong và nhiều người khác bị thương. Điều đáng nói, cả hai tài xế gây ra hai vụ tai nạn này đều dương tính với ma túy khi đang cầm lái.
“Mất bò mới lo làm chuồng”, sau những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do tài xế sử dụng ma túy thì Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch tổng kiểm tra bắt đầu từ ngày 21/1 đến ngày 20/2/2019.
Đối tượng thuộc diện kiểm soát là ôtô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách; ôtô vận tải hàng hóa, xe kéo rơ-moóc, container có khối lượng chuyên chở từ 5 tấn trở lên; xe chở xăng dầu, hóa chất, hàng nguy hiểm.
Theo Cục CSGT, nếu phát hiện trường hợp vi phạm nghiêm trọng như: nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm… phải đình chỉ lưu hành hoặc tạm giữ phương tiện theo quy định của pháp luật.
Ngay trong ngày ban hành kế hoạch (21/1), CSGT Công an tỉnh Lai Châu qua kiểm tra 275 xe khách và xe ô tô tải, đã phát hiện 12 lái xe dương tính với ma túy, trong đó có 10 lái xe khách và 2 lái xe tải. Hôm qua (23/1), sau hơn 2 tiếng kiểm tra chất kích thích đối với các tài xế lái xe container, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP HCM) cũng phát hiện 2 trường hợp dương tính với chất ma túy.
Trước đó, ngày 17/1, trong khi tuần tra kiểm soát trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), tổ công tác Đội CSGT phía Nam thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an thị xã Kỳ Anh đã phát hiện tài xế đang điều khiển xe khách mang biển số 90B - 001.38, lưu thông theo hướng Bắc – Nam dương tính với chất ma túy. Trên xe lúc này có khoảng 30 hành khách.
Tại Nghệ An, trong tháng 11/2018, Sở GTVT Nghệ An phối hợp với các hiệp hội vận tải ô tô trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các DN vận tải tiến hành triển khai khám sức khỏe định kỳ tập trung cho các lái xe. Kết quả khám của gần 900 người thì có 10 trường hợp lái xe tải, xe khách, xe taxi dương tính với chất ma túy.
Trước vấn đề này, trả lời báo chí, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, nếu tất cả các lái xe được kiểm tra về việc sử dụng ma túy sớm và kỹ càng hơn, câu chuyện có thể đã thay đổi. Đến bây giờ chúng ta mới đặt những chốt để kiểm tra đã là quá muộn!
Chưa luật nào điều chỉnh
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, trước đây cũng đã xảy ra tình trạng này, khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ thì cơ quan chức năng mới vào cuộc và có những đánh giá, thống kê. “Nhưng việc làm thường xuyên để phát hiện lái xe sử dụng ma túy gần như không có. Đâu lại vào đó”, ông Phong cho hay.
Ông Phong cho rằng, Luật Giao thông đường bộ của nước ta hiện nay chỉ cấm người sử dụng quá nồng độ cồn trong khi lái xe, còn người nghiện, người sử dụng ma túy lái xe thì chưa điều chỉnh. Trong khi đó, Luật Phòng chống ma túy cũng chưa sửa, chưa điều chỉnh vấn đề này.
“Hậu quả đau thương đã diễn ra rồi, trong khi pháp luật cần có để đáp ứng nhu cầu xã hội, để ngăn chặn những vấn nạn này thì chúng ta chậm điều chỉnh. Tôi cho rằng, vai trò điều hành, đặc biệt là vai trò tham mưu của các bộ, ngành đến vấn đề này rất là chậm”, ông Phong nêu quan điểm.
Về vấn đề DN vận tải sử dụng người lao động nghiện ma túy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng: “Những DN vận tải cần đặt an toàn lao động lên trên hết. Đặc biệt nghề lái xe đòi hỏi cao hơn ngành nghề khác vì hậu quả - nếu có - sẽ gây ra cho rất nhiều người. Pháp luật chỉ quy định cấm lái xe lái không quá bao nhiêu giờ, lái trong bao lâu, nhưng chưa có quy định điều chỉnh vấn đề này”.
Ngoài ra, việc chủ DN muốn quay vòng nhanh, hám lợi, ép lái xe sao chạy cho nhanh để tăng lợi nhuận đã gây ra sức ép đối với nghề tài xế. “Tuy nhiên, tôi chưa thấy pháp luật xử lý chủ xe nào ép lái xe gây tai nạn (gián tiếp) mà chủ yếu quy trách nhiệm tài xế là người trực tiếp. Pháp luật cũng không quy định việc liên đới chịu trách nhiệm hình sự trong vấn đề này”, ông Phong phân tích.
Nói rõ hơn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa nêu quan điểm: đối với DN vận tải cần chịu trách nhiệm liên đới khi lái xe của mình sử dụng ma túy gây tai nạn giao thông. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiêm túc tính toán vấn đề này; có thể điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ hay Bộ luật Hình sự.
Theo ông, trước mắt, Chính phủ cần ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, như nghị định hay nghị quyết để có thể xử lý ngay vấn đề trên. Còn lâu dài, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sửa đổi bổ sung những luật liên quan để trình và đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
“Người dân trước mắt cần tự bảo vệ mình là điều tất nhiên, nhưng có những bất ngờ không thể tự bảo vệ được, như người nghiện ma túy cứ phóng xe “hơn cả khủng bố” thì người đi đường không thể tự bảo vệ được. Do đó, cơ quan chức năng cần xử lý ngay những chuyện cấp bách này.
Trong điều hành chỉ đạo của Chính phủ, đối với người nghiện ma túy mà lái xe phải cấm điều khiển phương tiện giao thông, nếu có bằng lái phải thu hồi. Giờ không còn cai nghiện bắt buộc, nếu những người lái xe bị nghiện thì cả cộng đồng, cơ quan, đoàn thể cần vận động đi cai nghiện”, ông Phong kiến nghị.