Xử lý tin giả ở Việt Nam, chỉ áp dụng công nghệ và thay đổi nhận thức là chưa đủ

(PLVN) -  Trong vài năm qua, nhiều phương pháp khác nhau đã được các quốc gia áp dụng để giải quyết nạn tin giả, trong đó có giải pháp dùng công nghệ, kỹ thuật để chặn các nguồn có thể phát tán tin giả, tăng cường giáo dục, nâng cao hiểu biết cho người dân để tăng “sức đề kháng” trước tin giả.
Thông tin sai sự thật để “câu view”, một phụ nữ bị phạt 5 triệu đồng.
Thông tin sai sự thật để “câu view”, một phụ nữ bị phạt 5 triệu đồng.

* Hoàn thiện khung khổ pháp luật về phòng, chống tin giả trong kỷ nguyên số - Kỳ 3

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, hoàn thiện khung khổ pháp lý để phòng, chống tin giả hiệu quả mới là giải pháp căn cơ. Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Đỗ Thị Phượng, Trường Đại học Luật Hà Nội về vấn đề này.

Đề nghị tăng mức phạt tiền, bổ sung điều luật

Thưa PGS.TS. Đỗ Thị Phượng, để phòng, chống tin giả, theo bà, các quy định cần đảm bảo những yếu tố gì?

“Bộ luật Hình sự cần có những điều khoản cụ thể và quy định riêng về hành vi phạm tội của người cung cấp, chia sẻ các tin giả trên không gian mạng và mức hình phạt nên quy định cao hơn hiện nay”.

- Các số liệu thống kê cho thấy hành vi cung cấp, chia sẻ tin giả trên mạng là rất lớn, trong khi mức xử phạt của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, không đủ để răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Do đó, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để tăng mức xử phạt cao hơn nữa so với quy định hiện tại bởi hậu quả nó để lại là rất nặng nề, cần phải xử lý thật nghiêm minh mới đủ tính răn đe đối với các hành vi vi phạm này. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, tổ chức thiết lập mạng xã hội. Bởi vì mức xử lý đối với các vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội như hiện nay từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng là còn quá thấp so với những lợi nhuận có được từ việc số lượng người truy cập mà doanh nghiệp, tổ chức đó thu về.

Song song với việc bổ sung quy định của pháp luật tăng mức phạt tiền, pháp luật Việt Nam cần có những quy định cụ thể hơn về yêu cầu gỡ bỏ nội dung đăng tải bất hợp pháp trong thời gian 24 giờ sau khi nhận được khiếu nại từ người dùng. Nếu nội dung đăng tải có dấu hiệu không rõ ràng, bên cung cấp mạng xã hội có 7 ngày để điều tra và xóa bỏ các tin giả. Trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đó cố ý vi phạm không thực hiện theo yêu cầu có thể tăng mức xử phạt cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự cần có những điều khoản cụ thể và quy định riêng về hành vi phạm tội của người cung cấp, chia sẻ các tin giả trên không gian mạng và mức hình phạt nên quy định cao hơn hiện nay. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng cần có những sửa đổi bổ sung theo hướng cho phép Cơ quan điều tra được sử dụng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt như sử dụng kỹ thuật để phục hồi lại các dữ liệu bị xóa để thu thập các dữ liệu điện tử... Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật về ngăn chặn xử lý tin giả trên không gian mạng nói riêng và các vụ việc khác trên không gian mạng nói chung cần được tiến hành đồng thời, đồng bộ và khẩn trương để đảm bảo tính hiệu quả trong khi thi hành.

PGS.TS. Đỗ Thị Phượng.

PGS.TS. Đỗ Thị Phượng.

Doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm

Ngoài yếu tố quy định của pháp luật, theo PGS, để có thể phòng, chống tin giả một cách hiệu quả, cần phải làm những gì?

- Theo tôi, ngoài yếu tố hoàn thiện các quy định của pháp luật, có rất nhiều biện pháp cần được các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân thực hiện quyết liệt, đồng thời nhằm phòng, chống tin giả một cách có hiệu quả. Ở đây, tôi chỉ đưa ra một số biện pháp như:

Thứ nhất, cần nâng cao ý thức của người sử dụng Internet, mạng xã hội. Hiện nay, người sử dụng các trang mạng xã hội, Internet ở Việt Nam là vô cùng lớn, do đó, khi tham gia không gian mạng, mọi người cần có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền cần có trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật và các yêu cầu, kinh nghiệm cho người tham gia các trang mạng xã hội. Khi người dân nâng cao được ý thức sử dụng mạng xã hội, tôn trọng các quy định của pháp luật thì sẽ hạn chế được việc chia sẻ, cung cấp, phát tán tin giả.

Thứ hai, cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ cần nắm vững các quy định của pháp luật Việt Nam, không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung vi phạm quy định các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 Luật An ninh mạng, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, cần phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm khi có yêu cầu. Đồng thời, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung làm nhục, vu khống, thông tin bịa đặt, sai sự thật trong các 58 lĩnh vực (quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 Luật An ninh mạng) trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do tổ chức đó quản lý, theo yêu cầu của Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian chậm nhất 24 giờ.

Thứ ba, đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn và xử lý tin giả trên không gian mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường phối hợp với các công ty mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Facebook, Youtube, Tiktok... để phát hiện kịp thời các tin sai lệch, xuyên tạc, yêu cầu các doanh nghiệp này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, yêu cầu gỡ bỏ nhanh chóng các thông tin giả khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, các loại tội phạm mạng nói chung cũng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, vì vậy Bộ Công an cần phối hợp có hiệu quả với các nước trong khu vực để thực hiện các cam kết quốc tế trong phòng, chống các loại tội phạm mạng. Bộ Công an cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các tổ chức ASEANAPOL, INTERPOL trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng để ngăn chặn, xử lý các tin giả...

Trân trọng cảm ơn PGS. TS!

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn BKAV:

“Để chống lại tin giả, dứt khoát phải bằng trí tuệ nhân tạo”

Không ít người kiếm tiền bằng cách “câu view” từ tin giả

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn BKAV nhận định, có 3 nhóm động cơ phát tán tin giả. Thứ nhất là động cơ về kinh tế, hiện nay, trên các mạng xã hội, có một số người kiếm tiền bằng cách “câu view” nên họ tạo ra các tin giả để ngày nào cũng có tin tức, giật tít, “câu view”. Những nội dung giả thu hút được nhiều người đọc hơn, nên họ kiếm được tiền. Đó là nhóm tin giả nhiều nhất hiện nay. Thứ hai là với động cơ xã hội. Trên mạng cũng như một xã hội ngoài đời. Ngoài đời có hiện tượng nói xấu nhau thì trên mạng xã hội cũng có tình trạng như vậy. Nhóm này chỉ trong một diện hẹp. Thứ ba là động cơ về chính trị, tung các tin xấu độc để gây mất trật tự an ninh xã hội, an ninh, quốc phòng.

Cũng theo ông Nguyễn Tử Quảng, hiện nay, tin giả phát sinh ra với khối lượng lớn và công nghệ được sử dụng để tự động sinh ra tin giả. Ví dụ, ứng dụng ChatGPT mới xuất hiện gần đây cũng được dự báo sẽ được sử dụng để sinh ra nhiều tin giả vì nó có thể viết ra những sản phẩm không khác gì một phóng viên, đồng thời lại có thể tự động phát tán. Những tin giả như vậy dự kiến sẽ bùng nổ.

“Để chống lại tin giả dứt khoát phải bằng trí tuệ nhân tạo, bằng công nghệ. Thực tế, các hãng cung cấp các nền tảng như Youtube, facebook cũng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm các việc đó. Tuy nhiên, họ làm phổ quát trên toàn thế giới còn các nhu cầu rất đặc biệt, rất riêng có của các nước thì họ không thể làm tốt được. Do đó, cần có sự phối hợp của các công ty công nghệ trong nước, các tổ chức ở trong nước để làm bộ lọc tốt hơn. Các công ty thuộc nhóm Big Tech sẽ phải phối hợp với các tổ chức trong nước để lọc được các tin giả như vậy” - ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định.

Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều nhìn nhận tính nghiêm trọng của tin giả trên không gian mạng và đều đưa ra những quy định cụ thể cho việc xử lý tin giả. Mỹ là một trong các quốc gia phải đối mặt với vấn đề thông tin giả tràn lan trên các trang mạng xã hội đã ban hành một Sắc lệnh hành chính nhằm tăng cường khả năng của chính phủ trong việc kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội (online platform) vào tháng 5/2020. Tại Pháp, Quốc hội đã thông qua "Luật về siết chặt kiểm soát thông tin trên mạng xã hội" vào tháng 12/2018. Tại Nga, ngày 18/3/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành đạo luật mới có tên gọi "Luật về tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên Internet". Tại Úc, ngày 4/4/2019, Quốc hội Úc đã thông qua Luật "Chia sẻ tài liệu bạo lực ghê tởm". Tại Đức, Quốc hội đã ban hành “Luật Cải tiến chấp pháp tại các mạng xã hội", viết tắt là NetzDG, được áp dụng từ ngày 01/01/2018. Bộ luật được đưa ra nhằm ngăn chặn sự phát tán những dịch bệnh kinh hoàng từ mạng xã hội, trong đó trầm trọng nhất là tin giả và phát ngôn gây thù hận (hate speech).

Tại châu Á, kể từ ngày 1/10/2019, Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến, hay còn gọi là Luật Chống tin giả của Singapore chính thức có hiệu lực. Luật áp dụng đối với các nền tảng trực tuyến nhưng mục tiêu quan trọng là các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter và luật chỉ xử lý thông tin sai sự thật. Luật của Singapore đưa ra nhiều mức phạt khác nhau tùy vào mức độ hành vi vi phạm. Mức thấp nhất áp dụng là phạt hành chính và cao nhất là hình sự hóa đối với các cá nhân tung tin giả mạo có chủ đích với mức phạt lên đến 100.000 đô la Singapore hoặc tối đa 10 năm tù hoặc áp dụng cả hai. Đối với nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, nếu không tuân thủ các quy định, các công ty mạng xã hội có thể bị phạt lên đến 11 triệu đô la Singapore.

Đọc thêm