Xử lý tin giả ở Việt Nam: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

(PLVN) -  Pháp luật Việt Nam hiện hành đã quy định xử phạt người có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… Tuy nhiên, so với những thiệt hại mà tin giả trên không gian mạng gây ra thì dường như những chế tài hiện hành vẫn chưa đủ sức răn đe.
Cuối năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho ra mắt “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật.
Cuối năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho ra mắt “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật.

* Hoàn thiện khung khổ pháp luật về phòng, chống tin giả trong kỷ nguyên số - Kỳ 2

Quy định phân tán ở nhiều văn bản luật khác nhau

Năm 2018, Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, trong đó khoản d, Điều 8 quy định một số hành vi bị cấm, bao gồm “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…

Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Mức phạt nhẹ, xử phạt còn như “muối bỏ bể”

Với khung khổ pháp lý trên, nhiều cá nhân ở Việt Nam đã bị các cơ quan chức năng xử lý về hành vi tung tin giả trên mạng xã hội. Chẳng hạn, ngày 14/4/2022, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, đối với Đ.N.Q (ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) do đã có hành vi đăng tải các thông tin không đúng sự thật trên mạng xã Facebook có hàm ý một số cá nhân là đại diện của các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị bắt, xử lý hình sự, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư. Trước đó, tháng 10/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thiên Nghĩa về hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Nhiều trường hợp khác đã bị xử lý hành chính với mức tiền không lớn so với những thiệt hại mà các chủ thể bị tung tin giả phải gánh chịu. Trong tháng 1/2022, Công an tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với bà L.T.M.D (ngụ huyện Đam Rông, Lâm Đồng), về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội khi phát hiện Fanpage “Đ.L.V” đăng tải thông tin giả cho rằng “chính sách của Công an tỉnh Lâm Đồng không chào đón người nước ngoài đầu tư vào Đam Rông”!. Đối tượng tung tin giả ông Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh bị phạt 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin trên trang cá nhân.

Trong phần lớn các trường hợp còn lại, chủ thể bị tung tin là các tổ chức chọn giải pháp lên tiếng bác bỏ thông tin sai trái, còn lại nhiều cá nhân chọn giải pháp im lặng vì không xác định được đối tượng tung tin giả và không muốn đôi co trên mạng xã hội.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

“Giải pháp căn cơ nhất là nâng cao “sức đề kháng” trong mỗi cá nhân”

Thưa ông, là một Đại biểu Quốc hội và từng giữ cương vị Tổng Biên tập một tờ báo, ông đánh giá như thế nào về thực trạng tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng hiện nay?

- Xét về mặt công nghệ và xã hội hiện nay đều thuận lợi cho không gian mạng phát triển. Trên mạng có thông tin tốt, thông tin bổ ích, nhưng cũng có rất nhiều thông tin xấu độc, không chuẩn xác ở mức độ khác nhau. Đặc biệt là những thông tin xấu độc liên quan đến tin tức thời sự, mỗi khi có dịp lại xuất hiện rất nhiều và được dư luận quan tâm. Sự nguy hiểm của loại thông tin này là thật giả pha trộn với nhau, khiến người tiếp cận rất khó phân biệt. Thậm chí, nhiều người còn chủ động lan truyền thông tin qua nhiều dạng khác nhau để cộng đồng mạng cùng bàn luận, suy diễn. Cho nên tác hại của thông tin xấu độc không dừng lại trên mạng xã hội, mà nó còn ảnh hưởng đến nhận thức của mỗi cá nhân. Điều đó khiến cho thông tin đã xấu càng xấu hơn, đã độc càng độc hơn và đã lan xa thì lại càng xa hơn.

Trên diễn đàn Quốc hội, ông từng chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về cách ngăn chặn tin giả, tin xấu. Ông đồng tình với những giải pháp nào và chưa nhất trí với những giải pháp nào mà Bộ trưởng đã nêu ra?

- Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội đã đề nghị Chính phủ đưa mức xử phạt lên mức răn đe, ít nhất ngang mức trung bình các nước trong khu vực. Bởi hiện nay, dù chúng ta đã tăng mức xử phạt lên 3 lần, nhưng so với các nước khu vực thì mức phạt chỉ bằng 1/10. Rõ ràng nâng chế tài xử phạt người đăng thông tin xấu độc trên môi trường mạng là cần thiết. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh việc xử phạt răn đe đó đừng có trở thành kênh PR cho một số đối tượng vi phạm. Chúng ta có thể nâng mức xử phạt lên đến 50 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng cho hành vi vi phạm, nhưng nhiều người muốn nổi tiếng thì mức phạt cao hơn cũng không là gì. Có những “anh hùng mạng” sẵn sàng làm mọi việc để được nổi tiếng và nguồn lợi thu được vì “có tiếng” trên mạng là không nhỏ.

Do vậy, tốt nhất cứ xử thật nghiêm nhưng đăng thông tin xử phạt những trường hợp ấy thì tuyệt đối không nhắc đến tên, tuổi, địa chỉ của họ, trừ trường hợp xử lý hình sự để làm gương.

“Phải xử lý thông tin xấu độc theo phương châm từ sớm, từ xa”

Từ thực trạng trên và qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, cá nhân ông sẽ đề xuất, kiến nghị thêm những giải pháp nào để có thể ngăn chặn, giảm thiểu vấn nạn này?

- Trước hết, việc gỡ, xóa tài khoản, trang thông tin xấu độc là rất cần thiết. Chúng ta đã rất nỗ lực và làm được nhiều việc theo hướng này. Nhưng nếu như chỉ tập trung vào giải pháp xóa, gỡ thông tin xấu độc là chưa đủ. Bởi vì để gỡ bài hoặc khóa tài khoản trên mạng xã hội thì mất rất nhiều công sức, còn để chứng minh họ đưa thông tin sai, vi phạm đủ cơ sở xử lý còn vất vả hơn. Thời gian để kéo dài như vậy thì thông tin xấu độc đã lan rất xa, ngấm vào đầu rất nhiều người.

Đã đến lúc, phải xử lý thông tin xấu độc theo phương châm từ sớm, từ xa, làm trên thế mạnh, thế chủ động. Chẳng hạn, cần phải đề cập thẳng vào những thông tin công chúng có nhu cầu tìm hiểu, đừng ngại thông tin “nhạy cảm”. Khi công chúng đọc những thông tin trái chiều trên mạng thì báo chí cũng phải kịp thời đăng những thông tin chính thống để họ có kênh kiểm chứng.

Vì vậy, điều quan trọng ở đây là chúng ta phải làm báo chí mạnh lên, khuyến khích báo chí đi thẳng những vấn đề nóng, tiếp cận được bạn đọc để qua đó định hướng dư luận.

Còn về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất chính là nâng cao “sức đề kháng” trong mỗi cá nhân, để họ tự miễn dịch với thông tin xấu độc. Để làm được điều đó, phải dựa vào văn hóa, lấy văn hóa làm điểm tựa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”… Chúng ta phải tận dụng sức mạnh văn hóa, xây dựng nền tảng văn hóa, ứng xử văn hóa, thích ứng văn hóa, hướng tới sự tích cực, lành mạnh là giải pháp căn cơ, bền vững ngăn chặn thông tin xấu độc. Mỗi cá nhân cần tỉnh táo hơn, chọn lọc thông tin phù hợp khi tham gia vào không gian mạng. Tiếp nhận thông tin phải có bản lĩnh, trách nhiệm. Có như vậy, thông tin xấu độc mới không còn đất sống trên không gian mạng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Thư (thực hiện)

Đọc thêm