Và trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng cuộc chiến chống lại nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã. Trước thềm Hội nghị IWT lần thứ tư sắp diễn ra tại Luân Đôn tháng 10/2018, hôm qua (25/9), Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã tổ chức tọa đàm nhằm đánh ghi nhận những thành tựu đã đạt được cũng như đánh giá những thách thức mà Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt để bảo vệ các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm.
Án treo vẫn là chủ yếu
Mới đây, ngày 19/9, TAND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã xét xử và tuyên phạt đối tượng Cao Xuân Nai 10 năm tù giam vì tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc Trung tâm ENV, mức án 10 năm tù dành cho đối tượng Cao Xuân Nai là “mức án hiếm”, vì đánh giá kết quả của 10 vụ án đã được đưa ra xét xử về hành vi vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép kể từ đầu năm tới nay cho thấy vẫn chưa có nhiều thay đổi về số lượng đối tượng phải chịu mức án tù giam so với những đối tượng được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ. Chỉ 2 trong tổng số 11 đối tượng được đưa ra xét xử bị áp dụng mức án tù giam, các đối tượng còn lại chỉ bị phạt tiền hoặc được hưởng án treo.
Dù rằng có thể nói, dưới góc độ pháp luật, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng cuộc chiến chống lại nạn săn bắt và buôn bán trái phép ĐVHD với việc Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2018 đã xóa bỏ được nhiều lỗ hổng pháp lý trước đây, tăng mức phạt áp dụng đối với những vi phạm nghiêm trọng và là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng địa phương xử lý nghiêm các tội phạm về ĐVHD.
“Buôn bán ĐVHD vẫn được cho là cách làm giàu phi pháp an toàn vì rủi ro thấp nhưng lợi nhuận khổng lồ. Chính vì vậy, chỉ khi nào pháp luật được áp dụng hiệu quả thì mới có tác dụng ngăn ngừa và giảm thiểu các hành vi vi phạm. Rất mong các cơ quan tố tụng của Việt Nam thực hiện chính sách 3 không (không thương cảm, không khoan nhượng, không tư lợi) trong quá trình xử lý các tội phạm về ĐVHD” - bà Bùi Thị Hà nhấn mạnh.
Mạnh tay với gây nuôi thương mại và bảo tồn trá hình
Ngày 14/9/2018, Báo PLVN đã đăng tải bài viết “11 cá thể hổ nuôi trái phép tại trang trại của “trùm” buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia mới bị kết án: Không thể hay không muốn tịch thu?” nêu việc liên quan đến vụ việc gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (tại Cồn Tàu Voi, thôn 27, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) hiện đang nuôi nhốt 11 cá thể hổ.
Đã có những căn cứ pháp lý xác đáng (Cục Bảo tồn đa dạng sinh học và Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa không cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học cho cơ sở của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến để tiếp tục “nuôi bảo tồn hổ” bởi không có bất kỳ đóng góp nào cho công tác bảo tồn loài ĐVHD nguy cấp; bản thân Nguyễn Mậu Chiến và vợ là Lê Thị Hồng đã bị kết tội về hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng cấm trong đó có 2 cá thể hổ đông lạnh...) cho thấy không thể có chuyện cơ quan chức năng cho rằng vì lý do nào đó mà tiếp tục cho phép cơ sở tồn tại và không tịch thu các cá thể hổ chuyển về trung tâm bảo tồn.
Thực trạng mà bài báo nêu cũng là thực trạng hiện nay của Việt Nam, khi những năm gần đây, các cơ sở nuôi hổ tư nhân đang nhanh chóng phát triển. Kể từ năm 2010, số lượng hổ bị nuôi nhốt ở Việt Nam đã tăng lên khoảng 197% với 241 cá thể hổ hiện đang bị nuôi nhốt tại 17 vườn thú và cơ sở tư nhân hiện nay. Một số cơ sở tư nhân có dấu hiệu sử dụng vỏ bọc hợp pháp để buôn bán hổ bất hợp pháp.
Không những vậy, nhiều cơ sở còn chủ ý cho hổ sinh sản nhằm gia tăng số lượng hổ nuôi nhốt. Có thể nói đây sẽ là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý và nếu không có biện pháp ngăn chặn và kiểm soát tình trạng gây nuôi hổ hiện nay một cách có hiệu quả thì sẽ xảy ra những sai lầm như đã xảy ra đối với tình trạng nuôi nhốt gấu tràn lan trong nhiều năm qua. Việt Nam đã mất 13 năm mà vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm và đến nay mới chỉ có 22/63 tỉnh thành không còn nuôi nhốt gấu.
Bên cạnh đó, các cơ sở gây nuôi thương mại cũng đang có vấn đề nhìn từ góc độ bảo tồn ĐVHD. Tình trạng săn bắt trái phép ĐVHD từ tự nhiên rồi bán cho các cơ sở gây nuôi thương mại hợp pháp đang là một mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học của Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Nhiều bằng chứng cho thấy phần lớn các cơ sở đăng ký gây nuôi thương mại ĐVHD thường bổ sung nguồn giống bị săn bắt trái phép từ tự nhiên hoặc thậm chí là sử dụng cơ sở gây nuôi như một vỏ bọc hợp pháp để buôn bán ĐVHD bị khai thác trái phép ngoài tự nhiên.