Tỷ lệ xử lý chưa cao
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong thời gian từ năm 2011 đến 2015, Bộ đã kiểm tra theo thẩm quyền 2.679 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của các bộ, cơ quan ngang bộ (Thông tư, Thông tư liên tịch và văn bản có chứa QPPL), 9.427 văn bản của địa phương; phát hiện 299 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền ban hành, trong đó có 70 văn bản là văn bản của các bộ, ngành (chiếm 2,61% tổng số văn bản đã kiểm tra). Đến nay, các bộ, ngành mới xử lý được 43/70 văn bản, đạt 61,43% tổng số văn bản sai về thẩm quyền và nội dung đã phát hiện.
Xử lý văn bản trái pháp luật cần tính nghiêm túc, sự thẩm định khoa học
Công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật cần được tiến hành thường xuyên và đồng bộ có sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều ngành, nhiều cấp, trong đó có vai trò của cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc loại bỏ một hay nhiều văn bản quy phạm pháp luật hoặc trái pháp luật hoặc cản trở sự phát triển của đời sống xã hội là một việc làm cần thiết, song hiệu quả đến đâu, đúng sai thế nào lại rất cần đến tính nghiêm túc, sự thẩm định khoa học có căn cứ cụ thể khách quan của các cơ quan tiến hành xử lý. Đây chính là điểm mấu chốt quan trọng giúp cho công tác nói trên đi vào nề nếp, góp phần tạo động lực cho bộ máy quản lý nhà nước vận hành theo đúng cơ chế quản lý bằng luật pháp, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức nhà nước trong tình hình mới hiện nay.
Cần bàn đến xử lý người tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật
“Về vấn đề xử lý người tham mưu, ban hành văn bản trái luật thì đây cũng là một vấn đề cần phải bàn. Hiện nay, các quy định để xử lý cũng đã có, vấn đề là chưa làm đến nơi đến chốn. Ví dụ, có thể xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hoặc cắt thi đua, khen thưởng, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội cố ý làm trái, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay tội tham nhũng…
Theo tôi biết, cắt thi đua người ta đã làm nhiều rồi còn cách chức, buộc thôi việc thì chỉ có một số ít trường hợp. Về xử lý hình sự thì thực tế chưa thấy xử ai cả. Mà có xử thì cũng chỉ luận tội cùng với một loạt tội khác và phần này thường bị yếu, bị chìm đi. Tôi thấy chưa có phiên tòa nào xử riêng đối với tội phạm này, loại sai phạm này. Tôi luôn mơ đến cơ chế tài phán mà nhiều nước đã sử dụng từ lâu như cơ chế bảo hiến, cơ chế tuyên hủy của tòa đối với văn bản trái pháp luật…”
Đối với những văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật, việc kiến nghị xử lý văn bản chủ yếu được thực hiện thông qua các cuộc họp, hội nghị tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ với hình thức đề nghị các bộ, ngành chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Trong tổng số văn bản đã được kiểm tra trong giai đoạn này, có 115 văn bản là Thông tư, Thông tư liên tịch quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Kết quả kiểm tra đã phát hiện 04 văn bản sai về nội dung. Đến nay 02 văn bản đã được xử lý, 01 văn bản đã có hướng xử lý, còn 01 văn bản chưa có thông tin về kết quả xử lý. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp còn phát hiện và kiến nghị xử lý một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quy định không phù hợp với quy định của pháp luật.
Riêng trong năm 2015, trên cơ sở các văn bản QPPL do các cơ quan cấp bộ và địa phương ban hành gửi đến Bộ Tư pháp để kiểm tra theo thẩm quyền và từ các nguồn thông tin do công dân, cơ quan, tổ chức, báo chí phản ánh, Bộ đã tiến hành kiểm tra 2.391 văn bản, phát hiện 48 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, hiệu lực, hình thức văn bản; 459 văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật.
Đến nay, có 14 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, hiệu lực, hình thức văn bản đã được xử lý, 34 văn bản còn lại đang được Bộ tích cực theo dõi, đôn đốc cơ quan ban hành tự xử lý theo quy định của pháp luật.
Tính từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Tư pháp cũng kiểm tra theo thẩm quyền 1.185 văn bản, bước đầu phát hiện 43 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Qua đó, tiến hành xem xét và thông báo kiểm tra đối với 40 văn bản do các bộ, ngành và địa phương ban hành có dấu hiệu trái pháp luật. Hiện mới có 6 văn bản đã được xử lý, 9 văn bản đã có hướng xử lý, 28 văn bản đang xử lý.
Như vậy, có thể thấy một trong những hạn chế của công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL chính là một số văn bản có nội dung trái pháp luật đã phát hiện nhưng chưa được xử lý đúng hình thức và thời hạn xử lý theo quy định.
Không những thế, việc khắc phục hậu quả của văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ; chưa có quy định cụ thể để thực hiện được các hình thức trách nhiệm nghiêm khắc hơn.
Ngoài ra, hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản với các hoạt động khác có liên quan trong chu trình xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành pháp luật chưa gắn kết chặt chẽ, hiệu quả.
Kiến nghị xử lý 20 văn bản về lĩnh vực kinh doanh có điều kiện
Đối với việc kiểm tra văn bản theo địa bàn và chuyên đề, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra văn bản theo các chuyên đề như văn bản QPPL quy định về đấu giá tài sản và bán đấu giá quyền sử dụng đất do các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành; văn bản QPPL quy định về kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh; văn bản QPPL quy định về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; văn bản QPPL quy định về thuế, hải quan…
Việc kiểm tra văn bản theo chuyên đề đã từng bước bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống văn bản QPPL quy định các lĩnh vực về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện thể chế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Còn trong năm 2015, Bộ Tư pháp đã triển khai thực hiện kiểm tra văn bản theo chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với 212 văn bản (gồm 22 văn bản của bộ, ngành và 190 văn bản của địa phương) và thực hiện kiểm tra tại 03 địa phương là TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và TP. Hải Phòng. Qua kiểm tra, Bộ đã phát hiện có 04 văn bản có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, thông báo kiến nghị xử lý đối với 03 văn bản do bộ, ngành ban hành; 01 văn bản của địa phương.
Không những thế, Bộ Tư pháp còn phát hiện 09 văn bản của địa phương có thể thức là quyết định cá biệt nhưng nội dung chứa QPPL; 02 văn bản của bộ, ngành quy định về hiệu lực thi hành không phù hợp với Luật Ban hành văn bản QPPL và một số văn bản khác sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày. Trên cơ sở kiểm tra, Bộ Tư pháp đã kiến nghị 77 văn bản cần được rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với chuyên đề về lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh đang rất “nóng” hiện nay, trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 20 văn bản liên quan đến lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh được ban hành không đúng thẩm quyền, có nội dung không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp; đồng thời kiến nghị rà soát, xử lý đối với 34 văn bản khác vì văn bản làm căn cứ ban hành đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, thay thế dẫn đến nội dung văn bản không còn phù hợp.
Qua theo dõi việc tự kiểm tra, xử lý của các bộ, địa phương, Bộ Tư pháp thấy rằng: Về cơ bản, các bộ và địa phương đã tiếp thu ý kiến kiến nghị của Bộ Tư pháp và thực hiện việc tự kiểm tra, rà soát văn bản. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản của bộ, địa phương chưa thực hiện việc xử lý. Trước thực tế này, Bộ Tư pháp vẫn đang tích cực theo dõi, đôn đốc và phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành xử lý các văn bản không phù hợp với quy định của pháp luật đã được phát hiện nêu trên.