Xử phạt không đeo rõ mõm cho chó: Những phản hồi không… vô lý!

(PLO) - Tháng Chín này, một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google đó là xử phạt chó không đeo rọ mõm và bắt giữ, tiêu hủy chó thả rông theo tinh thần của Nghị định 90. Nhiều luồng ý kiến tranh luận đã nổ ra xung quanh việc thực thi Nghị định. Một quy định tốt cho xã hội tại sao lại có quá nhiều phản hồi như vậy, phải chăng luật hở hay hoạt động thực thi pháp luật chưa đúng quy trình?

Có những thực tế mà pháp luật chưa lường tới?

Từ ngày 15/9, Nghị định 90/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y đã chính thức có hiệu lực. Theo quy định tại Nghị định, chó thả rông ngoài đường sẽ bị bắt giữ và đưa về trại tập trung. Sau 72 giờ kể từ khi bị bắt nhốt, nếu không có chủ tới nhận, những chú chó này sẽ bị đem đi tiêu hủy.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mỗi năm, Việt Nam có hơn 90 người chết vì bệnh dại và có hơn 400.000 người bị chó cắn. Thiệt hại kinh tế trực tiếp đối với những người phải đến các cơ sở y tế dự phòng do bị chó cắn lên tới 800 tỷ đồng/năm. Trên 97% các ca bệnh dại ở Việt Nam là do bị chó cắn. Đây cũng chính là lý do mà các nhà làm luật đã đưa ra những quy định trên để phòng chống bệnh dại, giảm thiểu tình trạng chó cắn người.

Thực hiện Nghị định 90, từ ngày 15/9 nhiều thành phố, trong đó có TP HCM đã làm mạnh việc bắt chó thả rông. Nhưng chỉ trong hơn chục ngày thực hiện Nghị định đã có rất nhiều ý kiến phản hồi của người dân xung quanh những vấn đề như: định nghĩa thế nào là chó thả rông, tiêu hủy chó bằng cách đốt có phải là hành động vi phạm quyền phúc lợi động vật (là mối quan tâm của con người đối với quyền động vật hoặc về đạo đức đối xử với động vật và các quyền động vật, được đo bằng thái độ đối với việc sử dụng động vật)…

Về định nghĩa thế nào là chó thả rông, Nghị định 90 không có định nghĩa còn với Đội bắt chó thả rông thì hễ cứ con chó nào xuất hiện ở nơi công cộng như đường phố, ngõ, xóm… không cùng chủ là chó thả rông. Chính vì thế nên đã có những con chó bị bắt ngay trước cổng nhà của mình, trên cổ vẫn còn đeo vòng cổ ghi rõ tên chó và tên chủ. Tại Việt Nam, ở các vùng ngoại thành, các gia đình thường ít nhốt chó trong chuồng mà nuôi trong sân, vườn nên việc chó không may bị sổng ra ngoài đường là không tránh khỏi. Thế nên, nhiều người lo lắng trường hợp cán bộ ngành thú y “đi tuần” đúng lúc chó vừa sổng ra ngoài, rồi chủ nhà cũng không biết để đi tìm thì chú chó sẽ bị mất oan. Không ít ý kiến cho rằng quy định này là “hợp lý nhưng không hợp tình”, “chủ trương đúng nhưng cách làm chưa phù hợp”.

Về quy định tiêu hủy chó sau 72 giờ không có người đến nhận, hiện nay thực hiện Nghị định 90 việc tiêu hủy đã được tiến hành (trong đó có cả tiêu hủy bằng cách đốt) và nhận được sự phản ứng dữ dội của người dân kể cả những người yêu thích chó và không yêu thích chó vì cho rằng thế là quá tàn nhẫn (ở góc độ bảo vệ động vật) và lãng phí (ở góc độ giá trị sử dụng). Nói về vấn đề này ông Nguyễn Ngọc Tiến – Trưởng phòng Dịch tễ thú y, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng cá nhân ông thấy việc tiêu hủy những chú chó khỏe mạnh sẽ tồn tại nhiều vấn đề. “Chúng ta có thể áp dụng những biện pháp khác mang tính chất nhân đạo hơn. Có thể kiểm tra, xét nghiệm nếu không có bệnh thì đem cho, tặng hoặc bán cho những người có nhu cầu mua để nuôi”, ông Tiến chia sẻ.

Theo Nghị định 90, cơ quan chức năng có thể xử phạt lên đến 800.000 đồng đối với chủ không đeo rọ mõm cho chó, không có xích chó hoặc không có người dắt khi dẫn ra nơi công cộng. Sau khi Nghị định có hiệu lực nhiều người dân đã chấp hành rọ mõm chó nhưng kèm theo đó lại là nhiều chuyện bi hài vì chó thì có rất nhiều loại, to nhỏ, lớn bé, mõm ngắn, mõm dài nên rọ mõm cũng vì thế mà muôn hình muôn vẻ. Ai cũng biết rọ mõm chó là để chó không có khả năng cắn người nhưng với việc thiếu quy chuẩn về rọ mõm chó thì đã có những con chó được chủ đeo cho “món đồ trang sức rọ mõm”, chỉ để qua mắt lực lượng chức năng, còn vô tác dụng với việc tước bỏ khả năng cắn, gặm…

Cần đẩy mạnh tuyên truyền  

Theo Chi cục Thú y TP HCM, để hạn chế tình trạng phản ứng tiêu cực đối với người thực thi nhiệm vụ bắt chó thả rông, Chi cục Thú y đã thực hiện những biện pháp: Tăng cường tuyên truyền, tập huấn trong cộng đồng, phát tờ rơi tuyên truyền về mối nguy hiểm của bệnh dại, biện pháp phòng chống bệnh dại; khi nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến chung quanh; nuôi nhốt cho trong nhà, khi đưa chó ra nơi công cộng phải rọ mõm, có dây dẫn và có người dẫn; chó thả rông nơi công cộng sẽ bị bắt và xử lý theo quy định; có văn bản gửi đến UBND quận, huyện phối hợp trong công tác bắt chó thả rông, theo đó UBND quận, huyện chỉ đạo UBND phường xã xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với Chi cục Thú y để thực hiện bắt chó thả rông trên địa bàn, đồng thời cử lực lượng giữ an ninh, trật tự trong quá trình thực hiện; kết hợp với chính quyền, cơ quan chức năng xử lý các trường hợp chống người đang thi hành nhiệm vụ.

Như vậy, rõ ràng là người dân và cơ quan chức năng đã “gặp nhau” ở quan điểm cần đẩy mạnh tuyên truyền. Vậy thì tại sao lại không làm mạnh để khỏi xảy ra tình trạng bức xúc những thời gian vừa qua, dẫn tới cơ quan chức năng khó khăn trong thi hành pháp luật còn người dân thì bức xúc, đối phó. 

Đọc thêm