“Dắt chó đi dạo” và những tranh cãi pháp lý

(PLO) - Từ một bức ảnh trên mạng xã hội, vấn đề được phép hay không được phép “thả rông” chó ngoài đường đã được thổi bùng lên thành một tranh luận nhiều chiều. Bởi nuôi, thả, dắt chó trong khu đô thị  đông đúc là hoạt động thường xuyên, nhưng ẩn chứa khá nhiều rủi ro, thậm chí nguy hiểm bất ngờ.
Bức ảnh gây tranh cãi có nên dắt chó lớn đi dạo ngoài đường mà không rọ mõm?
Bức ảnh gây tranh cãi có nên dắt chó lớn đi dạo ngoài đường mà không rọ mõm?

Rắc rối phân biệt chó dữ – chó lành?

Ngày 16/10, một facebooker nổi tiếng đã đăng bức ảnh về một người phụ nữ dắt một con chó lớn đi dạo ở khu vực đi bộ. Bên cạnh bức ảnh là bài thơ của facebooker này, chủ yếu phê phán việc chủ chó đem chó to đến chỗ đông đúc mà không rọ mõm chó, khiến nhiều trẻ em hoảng sợ, chó đi đến đâu trẻ nhỏ và người già dạt ra đến đó.

Ngay sau đó, nhân vật trong bức ảnh đã yêu cầu người đăng hạ bức ảnh xuống vì cho rằng tác giả bài viết đã tự ý sử dụng ảnh của mình, đồng thời có những lời lẽ thiếu tôn trọng mình trong bài viết.

Viện dẫn của nhân vật “dắt chó” trong ảnh, thì việc người này dắt chó ra đường như trên là hoàn toàn hợp pháp, theo quy định tại Điều 4 c quy định về quản lý cho nuôi, Thông tư  số 48/2009/TT-BNNPTNT.

Theo đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi chó ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng. Theo phân tích của người dắt chó, do giống chó được dắt ra ngoài không thuộc giống chó dữ và đã có dây xích, nên hành vi của chị là hợp lý, hợp pháp, không đáng bị lên án.

Từ sự việc này, nhiều tranh luận khác nhau đã bùng lên. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có chó lớn, chó dữ mới cần phải rọ mõm, còn các giống chó hiền, chó nhỏ thì không có gì đáng sợ. Việc dắt chó đi dạo là quyền lợi của người nuôi chó. Tuy nhiên, ở một chiều ngược lại, đa phần cho rằng, việc dắt chó đến chốn đông người mà không rọ mõm là một hành động nguy hiểm, bất kể là chó lớn hay chó nhỏ. Bởi, khái niệm “chó dữ” thực ra rất mơ hồ. Có những giống chó lớn, trông đáng sợ nhưng thực ra lại rất lành tính, không có bản năng tấn công, ngược lại, nhiều giống chó nhỏ nhìn vô hại nhưng hung hăng, có thể gây nguy hiểm khi đến gần. Đồng thời, căn bản người dân cũng không mấy ai có kiến thức về chó để biết được đâu là chó dữ mà tránh.

Cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đã là chó, dù giống dữ hay hiền thì vẫn có bản năng tấn công tiềm ẩn khi bất ngờ gặp kích động hoặc nếu chó đang ủ những mầm bệnh mà con người nhìn mắt thường không biết được. 

Người “bất lực”dù có chế tài?

Hiện nay, việc nuôi chó tại các khu dân cư rất phổ biến, và việc dắt chó đi dạo ở những nơi công cộng cũng là “thú vui” của nhiều người nuôi chó. Tại TP.HCM, ngoài các công viên, thì phố đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên 30/4 là khu vực thường xuyên xuất hiện những người dắt chó đi dạo nhất, trong đó có đa dạng các giống chó, từ chó ta cho đến giống chó săn hung dữ của châu Âu.

Chị Huỳnh Thị Thủy, giáo viên sống ở gần công viên 30/4 cho biết, đa phần người nuôi chó khi dắt chó đi dạo đều không có rọ mõm, thậm chí có người còn thả rông cho chó đi loanh quanh khu vực mình ngồi. Con gái chị năm nay 4 tuổi, vì đến gần một con chó thuộc giống Boxer và suýt bị cắn khiến cháu hoảng sợ, nên suốt mấy tháng nay chị chỉ dám cho cháu ra công viên chơi ở thời điểm vắng, không có nhiều chó. 

Hiện, Thông tư 48/2009 của Bộ NN-PTNT hết hiệu lực từ ngày 15/7/2016, nội dung Thông tư trên đã được thay thế bằng Thông tư 07/2016 của Bộ NN-PTNT. Tại Điều 2 Phụ lục 15 có quy định đối với chủ vật nuôi: Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt... Thông tư đã rõ, nhưng trên thực tế, có mấy chủ nuôi đến ủy ban xã đăng kí cho việc nuôi chó. Chế tài cũng có, nhưng hầu như không có lực lượng để thực thi việc vi phạm này. 

Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội... quy định hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã, nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng nếu thả rông động vật nuôi trong thành phố, nơi công cộng, phạt từ 500.000 – 1 triệu đồng nếu để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có trường hợp nào cơ quan chức năng chủ động xử phạt, thường chỉ khi xảy ra hậu quả như chó cắn người thì mới truy lại để xử phạt nhưng dường như cũng rất hiếm.

Mới đây, UBND TP Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các lực lượng thực hiện quyết liệt quy định về việc cấm thả rông chó mèo hoặc dắt chó không rọ mõm ở nơi công cộng, các địa điểm đông người, trong đó có cả không gian đi bộ Hồ Gươm. Ở góc độ pháp luật dân sự, thú dữ là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu chó dữ phải tuân theo quy định liên quan về chăn nuôi, trông giữ chó dữ. Hiện chưa có văn bản có giá trị pháp lý để phân biệt đâu là “thú dữ”. Tuy nhiên, người chiếm hữu hợp pháp chó khi để xảy ra thiệt hại như để chó cắn người khác gây thương tích, hoặc gây chết người đều phải bồi thường theo quy định. 

Đọc thêm