Xử phạt trong lĩnh vực điện lực, trừ lương hoặc ngừng cấp điện

Bộ Công thương vừa ra Thông tư quy định  về trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực, kể từ ngày 3/9 tới đây, những tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm mà không tự nguyện chấp hành Quyết định xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành bằng các hình thức: Khấu trừ từ tiền lương, kê biên tài sản bán đấu giá hoặc ngừng cung cấp điện.

Theo Thông tư số 27/2011/TT-BCT của Bộ Công thương quy định  về trình tự, thủ tục điều tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực, kể từ ngày 3/9 tới đây, những tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm mà không tự nguyện chấp hành Quyết định xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành bằng các hình thức: Khấu trừ từ tiền lương, kê biên tài sản bán đấu giá hoặc ngừng cung cấp điện.

Từ chối cung cấp thông tin sẽ bị xử lý

Theo quy định, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc điều tra, xử phạt vi phạm có trách nhiệm hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết, liên quan đến vụ việc vi phạm theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử phạt. Trường hợp không cung cấp được thông tin, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nếu từ chối cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

dhnf
Ảnh minh họa

Khi tiếp nhận thông tin về vụ việc vi phạm từ các nguồn quy định, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm vào Sổ tiếp nhận vụ việc vi phạm để quản lý, theo dõi.

Đối với trường hợp tiếp nhận vụ việc theo nguồn trình báo mà người trình báo trình bày trực tiếp thì cán bộ tiếp nhận phải hướng dẫn viết trình báo theo các nội dung quy định. Nếu người trình báo không biết chữ thì cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm mời một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ chứng kiến, ghi lại nội dung trình báo, sau đó đọc lại cho người trình báo nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản trình báo.

Phải thực hiện quyết định xử phạt trong vòng 10 ngày

Thời hạn điều tra vụ việc vi phạm tối đa là 30 ngày làm việc, kể từ ngày ký Quyết định điều tra. Đối với những vụ việc xét thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền gia hạn điều tra, thời gian gia hạn không được quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn điều tra.

Cũng theo Thông tư, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm ký ban hành kết luận điều tra vụ việc vi phạm trong thời hạn ba 3 ngày làm việc, kể từ ngày cán bộ thụ lý, điều tra vụ việc trình dự thảo kết luận điều tra. Kết luận điều tra vụ việc vi phạm được gửi cho tổ chức, cá nhân bị điều tra trong thời hạn ba 3 ngày làm việc, kể từ ngày ký.

Sau khi có Quyết định xử phạt, tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm phải chấp hành Quyết định này trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên mà tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm không tự nguyện chấp hành Quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành.

Thủ tục cưỡng chế ngừng cung cấp điện

Thông tư quy định, cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm được thực hiện qua các hình thức: Thứ nhất là cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng. Tiếp nữa là kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá và thủ tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế khác để tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép…. Ngoài ra, sẽ cưỡng chế ngừng cung cấp điện đối với tổ chức, cá nhân sử dụng điện. 

Đối với thủ tục cưỡng chế ngừng cung cấp điện đối với tổ chức, cá nhân sử dụng điện được thực hiện như sau: Quyết định cưỡng chế được gửi cho tổ chức, cá nhân bị ngừng cung cấp điện, đơn vị được giao thực hiện ngừng cung cấp điện chậm nhất là 3 ngày làm việc trước khi tiến hành ngừng cung cấp điện. Đơn vị được giao thực hiện ngừng cung cấp điện có trách nhiệm ngừng cung cấp điện cho tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế theo đúng thời gian ghi trong Quyết định cưỡng chế đồng thời thông báo bằng văn bản cho người ra Quyết định cưỡng chế.

Đặc biệt, đơn vị được giao thực hiện ngừng cung cấp điện  không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra. 

Trường hợp trước khi tiến hành cưỡng chế ngừng cung cấp điện, tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế tự nguyện thi hành Quyết định xử phạt, người ra Quyết định cưỡng chế có trách nhiệm lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành và ra quyết định dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế, đồng thời thông báo cho đơn vị được giao thực hiện ngừng cung cấp điện để dừng việc thực hiện ngừng cung cấp điện.

Sau khi tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế đã thi hành xong Quyết định xử phạt hoặc hết thời gian cưỡng chế, người ra Quyết định cưỡng chế có trách nhiệm yêu cầu bằng văn bản đơn vị được giao thực hiện ngừng cung cấp điện cung cấp điện trở lại cho tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 3/9/2011.

Vân Thanh

Đọc thêm