Hành vi bị xử phạt chưa phù hợp
Điểm a khoản 2 Điều 36 sửa đổi của Dự thảo quy định xử phạt đối với cá nhân có hành vi “không tuân thủ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp”. Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) — đơn vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp, thì quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là chưa phù hợp bởi về mặt pháp lý thì mối quan hệ giữa cá nhân và doanh nghiệp là quan hệ hợp đồng (được xác lập trên cơ sở hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp giữa hai bên) và vì vậy vi phạm hợp đồng, nếu xảy ra, phải được xử lý theo các biện pháp quy định tại pháp luật về hợp đồng và hệ thống pháp luật tư.
Trong mối quan hệ với Nhà nước, hành vi không tuân thủ hợp đồng của cá nhân không tác động đến lợi ích công cộng nào, do đó xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là chưa phù hợp với bản chất của hoạt động xử lý vi phạm hành chính. Vì thế, VCCI cho rằng, để đảm bảo tính hợp lý và thống nhất trong hệ thống pháp luật, cần bỏ quy định này tại điểm a khoản 2 Điều 36 Dự thảo.
Các hành vi chồng lấn về phạm vi
Khoản 3 Điều 36 (sửa đổi) xử phạt hành vi “cung cấp thông tin không đầy đủ, trung thực khi giới thiệu về doanh nghiệp bán hàng đa cấp, hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, kế hoạch trả thưởng và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp” với khung từ “25 triệu đồng đến 40 triệu đồng”.
Khoản 4 Điều 36 (sửa đổi) xử phạt hành vi “cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp” với khung từ “40 triệu đồng đến 50 triệu đồng”.
Cả hai hành vi trên đều có chung tính chất là cung cấp thông tin không trung thực khi giới thiệu về hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, vì vậy sẽ xảy ra hiện tượng cùng hành vi nhưng bị xử lý theo hai khung xử phạt hoàn toàn khác nhau.
Xác định chủ thể xử phạt chưa phù hợp
Điểm e khoản 4 Điều 36 (sửa đổi) quy định xử phạt đối với cá nhân có hành vi “kinh doanh theo phương thức đa cấp, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Dự thảo quy định xử phạt đối với cá nhân có hành vi trên là chưa hợp lý, bởi vì theo quy định tại Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định về bán hàng đa cấp) thì Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được cấp cho “doanh nghiệp”. Hành vi trên là do doanh nghiệp thực hiện mà không phải là cá nhân, do đó xác định chủ thể thực hiện hành vi là “cá nhân” là chưa phù hợp.
Hành vi không tương ứng với các hành vi khác trong cùng khung xử phạt
Trong quy định tại khoản 5 Điều 36 (sửa đổi) có nhiều hành vi “không thực hiện”, “thực hiện không đúng, không đầy đủ” một nghĩa vụ nào đó của doanh nghiệp được xếp chung vào một khung xử phạt và được xem là một hành vi có mức độ nguy hiểm tương đương nhau.
Điều này dường như chưa hợp lý, bởi vì hành vi “không thực hiện” có mức độ nguy hiểm hơn hẳn hành vi “thực hiện không đầy đủ”.
Ví dụ, đối với hành vi “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm trong việc cập nhật danh sách Đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công Thương trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi có thay đổi trong danh sách Đào tạo viên” thì hành vi “không thực hiện” được hiểu là doanh nghiệp hoàn toàn không “cập nhật danh sách Đào tạo viên trên trang thông tin điện tử”, “không thông báo tới Bộ Công Thương kể từ khi có thay đổi trong danh sách Đào tạo viên”, trong khi hành vi thực hiện “không đầy đủ” có nghĩa doanh nghiệp có thực hiện các nghĩa vụ/trách nhiệm trên nhưng có thể chậm trễ, hoặc thiếu thông tin. Xét về yếu tố ý thức, thì vi phạm ở hai hành vi này là khác biệt. Xét về hậu quả thì mức độ tác động của không thực hiện hành vi sẽ lớn hơn hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ.
“Tóm lại, mức độ tác động của hai hành vi “không thực hiện” và “thực hiện không đúng, không đầy đủ” là khác nhau, do đó xếp chung vào một nhóm hành vi và cùng chung khung xử phạt là chưa hợp lý” — văn bản của VCCI gửi Bộ Công Thương nêu rõ — “Đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ khoản 5 Điều 36 (sửa đổi) phân tách hành vi “không thực hiện” và “thực hiện không đúng, không đầy đủ” thành hai nhóm hành vi khác nhau và ở hai khung xử phạt khác nhau (điểm a, b, c, g, h, i, m)”.
Hành vi không tương xứng với khung xử phạt
Theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 36 (sửa đổi) thì hành vi “không thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong trường hợp pháp luật quy định” bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định về bán hàng đa cấp thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận khi bị mất, bị rách, bị tiêu hủy. Trong các trường hợp này, giấy chứng nhận sẽ được cấp lại với nội dung trước khi bị mất, bị rách hay bị tiêu hủy, doanh nghiệp vẫn hoạt động trong phạm vi giấy chứng nhận đã được cấp. Như vậy, dù doanh nghiệp có xin cấp lại hay không thì nội dung hoạt động của doanh nghiệp vẫn không đổi và vẫn là đối tượng đã được cấp giấy chứng nhận.
Việc không xin cấp lại chỉ mang tính vi phạm hành chính về mặt thủ tục, còn mức độ tác động/ảnh hưởng/rủi ro đến các quan hệ hành chính khác hoặc các đối tượng có liên quan là không đáng kể, hoặc không thể bằng các hành vi trong cùng khung này và bị phạt ở mức 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng là quá nặng.
Để đảm bảo tính hợp lý, VCCI cho rằng, cần đưa hành vi này ra khỏi khung phạt tiền quy định tại khoản 5.
Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả chưa minh bạch
Khoản 9 Điều 36 (sửa đổi) quy định chung về việc áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm từ khoản 1 — 8 Điều 36 (sửa đổi).
Việc Dự thảo quy định chung các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả mà không gắn với các hành vi vi phạm cụ thể khiến cho quy định trở nên thiếu minh bạch và có thể gây khó khăn, lạm dụng trong quá trình áp dụng. Lý do là không phải hành vi vi phạm nào quy định từ khoản 1 — 8 cũng có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung/khắc phục hậu quả quy định tại khoản 9. Ví dụ: các hành vi vi phạm nghĩa vụ liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp quy định tại điểm a, b, c khoản 5 áp dụng biện pháp “buộc cải chính công khai” là chưa phù hợp.
Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, cần sửa đổi quy định tại khoản 9 Điều 36 (sửa đổi) theo hướng quy định cụ thể hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nào gắn với hành vi vi phạm nào.