Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt
Sáng 14/12, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên xét xử phúc thẩm BS Lê Thanh Liêm (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thành phần tham dự phiên tòa chỉ có BS Liêm, đại diện VKSND Cấp cao và 4 luật sư bào chữa. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có đơn xin xét xử vắng mặt. BS Liêm yêu cầu hoãn phiên tòa, triệu tập giám định viên nhằm đối chất, tranh luận với các bên liên quan mới có thể làm rõ nhiều vấn đề. Sau khi nghe đề nghị của BS Liêm, HĐXX đã tạm nghỉ hội ý và không chấp nhận yêu cầu của BS Liêm.
Các luật sư bào chữa không đồng ý việc phiên tòa tiếp tục và đề nghị HĐXX triệu tập đại diện nguyên đơn dân sự là UBND tỉnh Long An và một số người liên quan khác thuộc Sở Y tế tỉnh Long An, Kho bạc Nhà nước tỉnh Long An, Công ty thẩm định giá... Luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, ông Trần Nguyên Vũ (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đông Nam Á) được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đề nghị HĐXX phải triệu tập ông Vũ.
Đại diện VKSND Cấp cao đồng tình với ý kiến của BS Liêm và các luật sư, đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, triệu tập tất cả người liên quan trong vụ án.
Tuy nhiên, HĐXX vẫn bác toàn bộ đề nghị hoãn để triệu tập thêm người liên quan nhưng cho rằng đây là lần mở phiên xử đầu tiên, BS Liêm có yêu cầu hoãn nên HĐXX chấp nhận. Phiên phúc thẩm sẽ mở lại vào ngày 11/1/2022.
Giám định có đảm bảo khách quan?
Đầu năm 2014, Sở Y tế thực hiện gói thầu lắp đặt hệ thống camera an ninh tại tòa nhà 4 cơ quan. Đơn vị trúng thầu là Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Nam Á trụ sở tại Tân An. Giá trị gói thầu 1,92 tỷ, hình thức hợp đồng trọn gói. Trong gói thầu có 15 camera, 2 đầu ghi kỹ thuật số nhãn hiệu Sony, hợp đồng ghi “xuất xứ Nhật Bản”.
Khi nhà thầu mang thiết bị đến thì nhân viên giám sát công trình phát hiện xuất xứ trên một số thiết bị không trùng khớp hợp đồng đã ký, “vênh” xuất xứ từ Nhật Bản sang Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia... Sau khi được báo cáo, BS Liêm chỉ đạo cho dừng thi công. Sau khi kiểm tra lại thông tin từ Sony, yêu cầu nhà thầu cung cấp hồ sơ để chứng minh sự thay đổi về xuất xứ, BS Liêm ký phụ lục cho nhà thầu tiếp tục thực hiện và sau đó thanh toán cho nhà thầu.
Cho rằng việc thay đổi xuất xứ và thanh toán cho nhà thầu (chưa quyết toán) là làm thất thoát tài sản nhà nước, Công an (CA) Long An tiến hành kiểm tra, xác minh. Quá trình kiểm tra, điều tra, cơ quan điều tra đã yêu cầu Sở Tài chính giám định tư pháp đến nhiều lần để xác định số tiền thất thoát.
Thứ nhất: Theo Thông tư 04/2014/TT-BXD, Sở Xây dựng mới có quyền “GĐTP chi phí đầu tư xây dựng, giá trị, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, quyết toán vốn đầu tư xây dựng...”.
Đây là gói thầu thuộc lĩnh vực xây dựng, theo luật, thẩm quyền giám định phải thuộc Sở Xây dựng. Thế nhưng, CQĐT lại trưng cầu giám định ở... Sở Tài chính.
Thứ hai, 5 lần giám định đều có vi phạm, cho kết quả thất thoát khác nhau là 744 triệu, 735 triệu, 911 triệu. Lần thứ nhất, ngày 21/3/2017, Sở Tài chính ra Kết luận giám định (KLGĐ) 803/KLGĐ-STC. Phó Giám đốc (PGĐ) Sở Tài chính Huỳnh Văn Sơn không phải là giám định viên (GĐV), cũng không phải người đứng đầu Sở, nhưng vẫn ký ban hành. KLGĐ 803 còn cẩu thả đến mức ghi sai ngày hoàn thành giám định, lẽ ra phải ghi 21/3/2017 thì lại ghi là... 2016. Lần thứ hai, ngày 14/8/2017, Sở Tài chính ra KLGĐ bổ sung 2062/KLGĐ-STC. Hình thức giám định tập thể nhưng chỉ có một chữ ký ở phần GĐV ghi Nguyễn Hữu Linh Giang. Ông Sơn vẫn tiếp tục ký ban hành KLGĐ. Cơ quan điều tra công an tỉnh vẫn căn cứ vào “cơ sở” này để khởi tố bị cáo sau khi BS Liêm nghỉ hưu 10 ngày.
Lần thứ 3, khi CA tỉnh chuyển hồ sơ xuống CA TP Tân An điều tra, CA Tân An tiếp tục trưng cầu. Ngày 5/7/2019, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Tân An ra KLGĐ 154/KL-HĐĐG, chỉ xác định về giá của 7 loại thiết bị trong gói thầu. Hội đồng từ chối kết luận thiệt hại hay thất thoát trong gói thầu, vì không đúng thẩm quyền. Lần thứ 4, vụ án có bản KLGĐ mới. Khi vụ án đã chuyển về CA tỉnh, ngày 4/10/2019, vẫn là ông Sơn - PGĐ STC ra KLGĐ bổ sung số 22/KLGD-STC, gửi CA Tân An, cho rằng gói thầu gây thất thoát 911 triệu.
Theo Điều 34 Luật GĐTP, đã 3 lần ra KLGĐ sai phạm, có dấu hiệu Sở Tài chính không khách quan, không vô tư khi thực hiện giám định nên Sở Tài chính không có quyền giám định tiếp sự việc. Nhưng ngày 10/9/2019, CA tỉnh tiếp tục trưng cầu đơn vị này. Lần thứ 4 Sở Tài chính “giám định” sự việc bị cho là không thuộc thẩm quyền.
Lần thứ 5, ngày 25/9/2020, PGĐ STC Trịnh Quang Hiền ký KLGĐ 4213/KLGĐ-STC, chỉ xác định về giá thiết bị, nghĩa là chỉ mới giám định một phần gói thầu. Trong khi gói thầu này là cung cấp, lắp đặt gồm nhiều chi phí từ giá thiết bị, công lắp đặt, phí bảo hành, lợi nhuận nhà thầu. Dùng KLGĐ một phần gói thầu để buộc tội là không toàn diện, vô căn cứ. BS Liêm cũng đã có nhiều đơn tố cáo đến các cơ quan thẩm quyền và yêu cầu giám định lại tại một cơ quan trung ương nhưng không được chấp nhận.