Xu thế 'outbound' nhiều hơn 'inbound': Có gì đáng suy ngẫm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khác biệt văn hoá, dịch vụ tốt, thủ tục thị thực đơn giản, lại còn nhiều ưu đãi, giá rẻ… là những động lực khiến du lịch ra nước ngoài của Việt Nam (outbound) phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn sau dịch. Trong khi đó, khách nước ngoài đến Việt Nam (inbound) vẫn còn vắng vẻ, đìu hiu sau hơn một năm mở cửa hoàn toàn. Bên cạnh những mặt tích cực, thực tế này đặt ra nhiều vấn đề đáng cân nhắc.
Điểm đến ưa chuộng của đông đảo du khách Việt Nam là Hàn Quốc. (Ảnh: Hanoi Tourism JSC)
Điểm đến ưa chuộng của đông đảo du khách Việt Nam là Hàn Quốc. (Ảnh: Hanoi Tourism JSC)

“Cán cân” outbound – inbound bị… khập khiễng

Dữ liệu từ Báo cáo tóm tắt về “Xu hướng du lịch nước ngoài của du khách Việt Nam 2022” do Công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du lịch và khách sạn Outbox công bố vào tháng 11/2022, đã cho thấy du lịch outbound tại Việt Nam phục hồi nhanh chóng, vượt cả tốc độ dự báo. Dù bị gián đoạn bởi đại dịch, nhu cầu kết nối lại của du khách Việt với thị trường du lịch nước ngoài không hề giảm đi mà còn tăng mạnh hơn trong giai đoạn hậu COVID-19.

Cụ thể, có 69,25% khách outbound Việt được khảo sát coi việc du lịch nước ngoài là sở thích và hoạt động thường xuyên; 57% khách outbound Việt cho biết họ phải đi du lịch sau thời gian bị kìm hãm vì giãn cách quá lâu. Những điểm đến hàng đầu của du khách Việt là các nước Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan do có nhiều điều kiện thuận lợi như thủ tục thị thực đơn giản hơn, giá cả phải chăng hơn và giao thông thuận tiện.

Đây là nhu cầu có thực của người Việt, và xu hướng này cũng góp phần không nhỏ vào sự phục hồi của toàn ngành du lịch. Đáng nói, đến nay, khi tất cả các quốc gia nới lỏng thị thực và mở cửa hoàn toàn, các tour trọn gói du lịch nước ngoài liên tục được tìm đến và đăng kí kín chỗ. Điểm đến không còn chỉ giới hạn trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á mà còn mở rộng ra các điểm du lịch xa hơn như các quốc gia Châu Âu, Ấn Độ, Mỹ, Úc, Trung Đông, Nam Phi… Du lịch nội khối ASEAN vẫn được ưa chuộng nhưng bởi nhiều du khách có thể dễ dàng tổ chức chuyến đi nên họ không cần thông qua các công ty du lịch.

Nhận xét về xu hướng du lịch trong năm qua, một số công ty lữ hành cho biết du khách Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động kinh tế, khiến khả năng tiêu dùng có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên, số ít còn lại vẫn sử dụng dịch vụ cao cấp. Nhu cầu du lịch nước ngoài đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Xu hướng du lịch trọn gói theo nhóm gia đình phát triển song song với sự phát triển du lịch tự túc và mua combo dịch vụ.

Ở chiều ngược lại, việc thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam (inbound) lại là mối trăn trở lớn nhất của ngành du lịch nước ta sau hơn một năm mở cửa du lịch. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông & Marketing công ty lữ hành TST Tourist, từng nêu nhận định, xuyên suốt 2022-2023, các hoạt động của ngành lữ hành rất sôi động, trong đó sự hồi phục của thị trường nội địa, outbound ngày càng tăng nhưng số lượng khách quốc tế tới Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Ông dẫn chứng số liệu: “Lượng khách quý I năm nay so với cùng kỳ năm 2019 bước đầu hồi phục. Trong đó, lượng khách nội địa đạt bằng 50%, outbound đạt bằng 60%, inbound chỉ đạt bằng 20%”.

Số lượng khách quốc tế chưa đạt như kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những hạn chế lớn nhất là chính sách thị thực nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, thời gian du khách nước ngoài có thể lưu trú lại Việt Nam vẫn còn quá ngắn ngày. Trong khi thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài 30 – 45 ngày, thậm chí là 90 ngày, còn Việt Nam chỉ 15 ngày. Nhiều ý kiến đánh giá, thị trường khách quốc tế năm nay vẫn ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan như khủng hoảng tài chính, thiếu hụt lao động...

Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam vẫn là trăn trở lớn của ngành du lịch. (Ảnh minh họa)

Thu hút khách quốc tế đến Việt Nam vẫn là trăn trở lớn của ngành du lịch. (Ảnh minh họa)

Chất lượng phục vụ của ngành du lịch là yếu tố thu hút và “níu chân” du khách. (Ảnh minh họa)

Chất lượng phục vụ của ngành du lịch là yếu tố thu hút và “níu chân” du khách.

(Ảnh minh họa)

Ngẫm lại về chất lượng ngành du lịch Việt

Thực tế trên đã đặt ra hai câu hỏi lớn đối với ngành du lịch Việt Nam, đó là “làm gì để khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn?” và “làm gì để người Việt đi du lịch Việt nhiều hơn?”.

Kể cả trước đại dịch, du khách Việt, đặc biệt dòng khách có khả năng chi trả cao, vẫn ưa chuộng đi ra nước ngoài hơn so với trong nước. Các yếu tố như khác biệt văn hoá, địa điểm tham quan phong phú, dịch vụ chuyên nghiệp, ít xảy ra tình trạng “chặt chém”, xả rác bừa bãi, nhất là trong mùa cao điểm, chính sách visa thuận tiện, giá tour phù hợp,… là những động lực lớn nhất. Ngay sau khi mở cửa, nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… cũng ngay lập tức quảng bá, xúc tiến du lịch đến thị trường Việt Nam với nhiều ưu đãi để kích thích nhu cầu xuất ngoại của du khách.

Đơn cử, tour du lịch miền Bắc 5 ngày có giá khoảng 7 triệu đồng là mức ngang với một tour đi Thái Lan. Trong khi đó, nhiều điểm đến du lịch trong nước có giá đắt đỏ, ít ưu đãi, thậm chí tăng giá liên tục nhưng không đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đã kéo theo giá tour tăng, khiến tính cạnh tranh của du lịch trong nước giảm so với du lịch nước ngoài.

Ngẫm đi cũng phải ngẫm lại, những điểm đến nước ngoài thu hút người Việt như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… cũng chính là những ngành du lịch cạnh tranh trực tiếp với du lịch Việt Nam. Trong khi đất nước ta có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều điểm đến hấp dẫn, nền văn hoá ẩm thực đa dạng, nhưng khả năng phục vụ chính du khách nội địa còn hạn chế, chứ chưa nói đến du khách quốc tế, đặc biệt những dòng khách khó tính, chi trả cao. Mặt khác, các chính sách phát triển và chiến lược quảng bá, truyền thông du lịch của nhiều quốc gia cũng được thúc đẩy mạnh mẽ để thu hút khách nước ngoài đến trải nghiệm nước bạn, khiến du lịch Việt Nam phần nào bị “lép vế” ngay trên “sân nhà”.

Một vấn đề đáng suy ngẫm khác là du lịch Việt Nam thường xuyên được vinh danh trong tốp những điểm đến đáng trải nghiệm nhất thế giới, nhận về nhiều giải thưởng, thế nhưng tỷ lệ khách đến và không trở lại khá cao. Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính từng đưa ra con số: Tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam chỉ là 25-30%, nhưng với Thái Lan là hơn 70%.

Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước khi khẳng định lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn của điểm đến. Theo nhiều chuyên gia, chất lượng và sự bền vững là hai yếu tố ngành du lịch phải cân nhắc và cải thiện. Cả du khách Việt Nam và quốc tế đều phải cảm thấy họ được chào đón ở các điểm đến để có động lực trải nghiệm, chi tiêu và quay lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp thu hút du lịch là một sự phối hợp đồng bộ và toàn diện giữa nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành và đơn vị cung cấp dịch vụ, trong đó các bên liên quan như cơ quan chức năng, doanh nghiệp, cộng đồng cùng đóng góp nhiều ý kiến, xây dựng những chương trình kích cầu có trọng điểm, nâng cao năng lực phục vụ tại các điểm đến. Đơn cử, các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn cũng như các điểm tham quan có thể hỗ trợ các công ty du lịch tổ chức tour nhiều hơn, cung cấp mức giá tốt hơn nhằm giảm giá thành tour.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đưa ra những định hướng, chính sách, chiến lược, ưu đãi phù hợp, khuyến khích sự đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch đồng thời gia tăng các trải nghiệm, nhằm tạo điều kiện cho các hành trình trong nước trở nên hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao hơn. Đáng nói, cũng cần xây dựng và củng cố quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch cho cả những người làm du lịch và du khách, hạn chế những hành vi “xấu xí” như “chặt chém”, chèo kéo,…

Hiện tượng người Việt du lịch outbound “nở rộ” hơn hẳn so với du lịch trong nước và du lịch inbound cho thấy một thực tế đáng suy ngẫm về ngành du lịch Việt Nam. Thu hút khách đã khó, bao gồm cả khách trong nước và ngoài nước, nhưng tìm cách lấy được cảm tình, ấn tượng của du khách, khiến họ yêu thích tìm đến trải nghiệm và mong muốn quay trở lại nhiều lần còn khó hơn.

Đọc thêm