Xuân ấm áp, sẻ chia ngọt bùi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày đầu năm 2024, khi sắc xuân vẫn tràn về trên mọi nẻo đường, nhiều chương trình thiện nguyện đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, san sẻ khó khăn với những mảnh đời kém may mắn hay xây dựng các dự án trường học vùng cao cho trẻ em được cắp sách tới trường, tiếp tục nối dài hành trình thiện nguyện.
Hành động thiện nguyện đầu năm giúp mọi hy vọng sẽ có một năm mới hạnh phúc, vị tha, nhân ái hơn. (Nguồn: dangcongsan.vn)
Hành động thiện nguyện đầu năm giúp mọi hy vọng sẽ có một năm mới hạnh phúc, vị tha, nhân ái hơn. (Nguồn: dangcongsan.vn)

Kết nối yêu thương

Cổ nhân xưa có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, nhằm nhấn mạnh mỗi con người khi sinh ra đều có lòng trắc ẩn, yêu thương. Tết đến, xuân về, bắt đầu một năm mới, mọi người có thời gian thư thả, sống chậm lại và cảm nhận giá trị cuộc sống sâu sắc hơn. Vì vậy, không ít người đã lựa chọn thời điểm năm mới để làm thiện nguyện, hiến máu, san sẻ, kết nối yêu thương với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Đầu năm, chuỗi Ngày hội hiến máu tình nguyện Chủ nhật đỏ lần thứ 16 năm 2024 thu hút sự tham gia của rất nhiều người ở mọi lứa tuổi khác nhau. Được biết, đây là sự kiện thường niên sẽ kéo dài từ tháng 11/2023 đến hết tháng 3/2024 tại 45 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, với lực lượng nòng cốt là sinh viên của những trường đại học, các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan...

Ra đời từ năm 2009, tính đến nay chương trình Chủ nhật đỏ đã có 16 lần tổ chức, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Năm 2024, chương trình hướng đến đạt được 2 mục tiêu lớn: huy động số lượng máu lớn cần thiết để cứu chữa bệnh nhân và góp phần xây dựng phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lớn mạnh trong cả nước.

Mỗi năm, chương trình Chủ nhật đỏ đã đóng góp rất nhiều đơn vị máu hỗ trợ các bệnh viện. Đặc biệt, trong và sau dịp Tết Nguyên Đán, đây là thời gian các bệnh viện thiếu máu để điều trị cho bệnh nhân. Số lượng máu thu được từ những người hiến tặng trong chương trình Chủ nhật đỏ đã trở thành “nguồn sống” hồi sinh cho những người bệnh. Năm 2024, dự kiến sẽ tiếp nhận 45.000 - 50.000 đơn vị máu phục vụ điều trị bệnh nhân.

Mùa xuân còn là mùa tham gia chiến dịch tình nguyện của sinh viên các trường đại học. Trong đó, nổi bật nhất là Xuân tình nguyện 2024, diễn ra ở tất cả mọi nơi trên cả nước. Được biết, đây là chiến dich thường niên mỗi năm một lần vào mùa xuân, được nhiều trường đại học, các tổ chức tích cực hưởng ứng như: Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam,... Chiến dịch Xuân tình nguyện có nhiều chuỗi hoạt động ý nghĩa, giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn thu hút hàng trăm nghìn thanh niên Việt Nam tham gia.

Tại Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh, chiến dịch Xuân tình nguyện lần thứ 16, năm 2024 thu hút khoảng 50.000 đoàn viên, thanh niên tham gia. Chiến dịch tập trung tại các bệnh viện, viện dưỡng lão, mái ấm, nhà mở, các trường chuyên biệt, các cơ sở xã hội; các ký túc xá sinh viên, khu lưu trú, khu trọ công nhân, sinh viên; các nhà ga, bến xe, chợ, khu vực tập trung đông dân cư; các cơ sở cai nghiện ma túy; các địa phương có biên giới, biển, đảo; các trạm, chốt biên phòng trên sông trực thuộc Bộ đội Biên phòng thành phố. Chương trình đồng hành cùng thanh niên trao những phần quà, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, cụ già neo đơn, em nhỏ vùng cao. Đây là khoảng thời gian ý nghĩa đối với những người tham gia.

Xuân ấm áp, sẻ chia yêu thường bằng những hành động thiện nguyện. (Ảnh minh họa, nguồn: Chiến dịch Xuân tình nguyện)

Xuân ấm áp, sẻ chia yêu thường bằng những hành động thiện nguyện. (Ảnh minh họa, nguồn: Chiến dịch Xuân tình nguyện)

Không chỉ ở các thành phố lớn, nhiều tỉnh, thành đã thực hiện các chương trình Xuân tình nguyện năm 2024 rất thiết thực. Như tại thị trấn Pơng Drang (huyện Krông Búk), Tỉnh đoàn Đắk Lắk, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Krông Búk tổ chức chương trình “Xuân tình nguyện - Tết nhân ái” năm 2024. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động thiết thực như: khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người dân; trao tặng các suất quà cho hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng; trao tặng xe đạp và nhiều suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; trao một nguồn vốn khởi nghiệp trị giá 50 triệu đồng cho thanh niên phát triển kinh tế; hỗ trợ công trình “Thắp sáng đường quê”; khởi công xây dựng nhà nhân ái cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở… Tổng kinh phí các hoạt động trên của chương trình lên đến 700 triệu đồng.

Ngoài ra, đầu xuân năm mới, có những nhóm, tổ chức cũng đã ch cực làm thiện nguyện, hỗ trợ người dân vô gia cư, người già neo đơn, trẻ nhỏ, người có hoàn cảnh khó khăn. Như nhóm “Thiện từ tâm” tại TP HCM, với những cuộn cơm kimbap hỗ trợ những người vô gia cư hai lần một tuần, nấu bữa cơm yêu thương hỗ trợ các cụ già thu hút hàng nghìn người trẻ tham gia. Nhóm từ thiện mang tên “Ấm” tại Hà Nội, luôn có chương trình hỗ trợ người nghèo bằng các suất quà thiết thực. Trong nhiều năm, ngay sau dịp Tết Nguyên Đán, nhóm “Ấm” đã lập tức mở chương trình thiện nguyện giúp đỡ những mảnh đời khó khăn khắp các phố phường Hà Nội.

Cảm nhận những giá trị cuộc sống

Có một câu rất đúng: “Cho là còn có mất đâu”, mỗi chiến dịch thiện nguyện qua đi, để lại trong lòng những người tham gia ngổn ngang biết bao cảm xúc. Đó là niềm vui khi giúp đỡ được các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đó là sự “thức tỉnh” nhận ra mình còn rất may mắn trong cuộc đời này khi được ăn no, mặc ấm, có gia đình, bạn bè yêu thương. Niềm hạnh phúc thật ra rất đỗi đơn giản, chỉ cần con người cùng nhau san sẻ, “lá lành đùm lá rách”, bao bọc yêu thương là đủ.

Nguyễn Thúy Hà (30 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, vài năm trở lại đây, cô thường xuyên tham gia các chương trình hiến máu đầu năm, từ chiến dịch Chủ nhật đỏ đến Xuân hồng,...Thúy Hà cho biết: “Khoảng sáu năm trở lại đây, cứ đầu năm tôi sẽ tham gia hiến máu tình nguyện. Tôi đã từng chăm sóc người bệnh, thấy sắc hồng, sự sống “hồi sinh” trên khuôn mặt người bị tai nạn cần truyền máu gấp. Điều này thúc đẩy tôi tham gia hiến máu hai lần mỗi năm. Được theo dõi “hành trình” di chuyển số lượng máu mình đã hiến đến các bệnh viện, bệnh nhân, tôi thấy rất vui. Tôi hy vọng rằng, trong tương lai các bệnh viên không bao giờ thiếu nguồn máu dự trữ, những người bệnh cần truyền máu sẽ không cần chờ đợi nữa”. Thúy Hà không chỉ tham gia hiến máu một mình, hiện nay, cô thường xuyên rủ thêm bạn bè, anh chị em trong gia đình hiến máu thiện nguyện. Hà cho rằng, mỗi người góp một chút việc làm tốt, cùng nhau lan tỏa các hành động đẹp chính là một điều đơn giản nhưng thiết thực mà thanh niên có thể đóng góp cho xã hội.

Thực tế, trong xã hội năng động, sống gấp, sống vội như ngày nay. Rất nhiều người rơi vào trạng thái cô đơn, trầm cảm mất kết nối với những người xung quanh. Tết đến là thời gian để mọi người sống chậm lại, suy nghĩ về giá trị tinh thần, tìm định hướng cho tương lai sắp tới. Việc làm thiện nguyện đầu năm không chỉ là một hành động đẹp, ý nghĩa, mà còn giúp những người tham gia, đặc biệt là người trẻ có cơ hội giao tiếp, mở rộng quan hệ. Hơn nữa, nhờ hoạt động thiện lành này, không ít người trẻ tìm được định hướng trong tương lai và ý nghĩa cuộc sống.

Cho là còn có mất đâu... (Nguồn: Facebook nhóm thiện nguyện “Ấm”)

Cho là còn có mất đâu... (Nguồn: Facebook nhóm thiện nguyện “Ấm”)

Nguyễn Hải Anh (22 tuổi) hiện đang là sinh viên Đại học Thăng Long, Hà Nội chia sẻ, cô đã tham gia hai lần chiến dịch Xuân tình nguyện tại trường, được khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện, là niềm tự hào nhất trong cuộc đời học sinh, sinh viên của cô: “Từ khi bắt đầu học đại học, tôi luôn muốn được cống hiến sức trẻ của mình, mang lại những giá trị tốt đẹp cho mọi người”. Trong chiến dịch Xuân tình nguyện, Hải Anh được cùng chuẩn bị những món quà nho nhỏ mang tặng những em nhỏ vùng cao, trẻ em khuyết tật, người già neo đơn. Mỗi lần tham gia chương trình thiện nguyện, Hải Anh lại cảm thấy cuộc sống này còn nhiều mảnh đời bất hạnh, cần sự hỗ trợ của tất cả mọi người trong xã hội, đặc biệt là thanh, thiếu niên: “Sau khi tham gia các chiến dịch tình nguyện mùa xuân, tôi mong muốn sau này mình có thể làm việc ở các tổ chức bảo trợ xã hội, đem đến hạnh phúc cho tất cả mọi người”. Đối với Hải Anh, cô hy vọng, trong tương lai, sẽ có nhiều người tham gia các Đội sinh viên tình nguyện ở trường đại học, lan tỏa hình ảnh đẹp về thanh, thiếu niên Việt Nam.

Việc làm thiện nguyện giờ đây không chỉ là “tiếng gọi trái tim” của một cá nhân nào, mà là sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đã và đang đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi người, cũng như góp phần phát triển, nâng cao văn minh xã hội. Với truyền thống giàu lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam, chúng ta luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.

Do đó, mỗi tập thể, cá nhân cần hăng hái hưởng ứng phong trào để giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Bởi cho đi tức là nhận lại. Làm từ thiện giúp người nhưng đồng thời giúp mình trở nên hoàn thiện hơn, vị tha nhân ái hơn và “người” hơn giữa dòng đời xô bồ, vội vã này.

Đọc thêm