Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc chuyện trò với ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN), Bộ Ngoại giao về công tác NVNƠNN thời gian qua cũng như ý nghĩa của Chương trình Xuân Quê hương.
Nguồn lực không thể thiếu trong kỷ nguyên mới của đất nước
Đảng và Nhà nước ta xác định kiều bào là vốn quý, là nguồn lực quan trọng của đất nước. Xin ông cho biết một số đặc điểm về nguồn lực này?
- Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước luôn xác định kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng Việt Nam và là một nguồn lực của dân tộc Việt Nam. Nguồn lực của kiều bào rất đa dạng, phong phú nhưng tựu trung lại có thể sắp xếp theo một số khía cạnh.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNƠNN Nguyễn Mạnh Đông. (Ảnh: PV) |
Thứ nhất là nguồn lực về mặt kinh tế. Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua, nguồn lực, đặc biệt là nguồn kiều hối, của kiều bào đã góp phần rất quan trọng cho sự xây dựng và phát triển đất nước cũng như giải quyết an sinh xã hội. Từ năm 1993 đến năm nay, tổng lượng kiều hối gửi về trong nước tới trên 200 tỷ USD, tương đương nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đã được giải ngân. Trong những lúc khó khăn, lượng kiều hối có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Cũng trong lĩnh vực kinh tế, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta có hơn 400 dự án đầu tư của kiều bào, với số vốn khoảng 1,73 tỷ USD tại rất nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có những địa phương có số lượng dự án đầu tư nhiều như Hà Nội, Long An và một số địa bàn khác. Kiều bào cũng chính là những người đã hỗ trợ tích cực trong việc đưa các sản phẩm hàng hóa ra nước ngoài thông qua những cơ sở sản xuất, kinh doanh của họ ở nước ngoài cũng như thông qua mạng lưới bán buôn, phân phối hàng hóa.
Trong lĩnh vực kinh tế, nguồn lực của kiều bào còn thể hiện ở việc kiều bào là những người đã hỗ trợ các địa phương rất nhiều trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư, xuất khẩu sản phẩm hàng hoá ra bên ngoài.
Thứ hai, đây là nguồn lực hết sức quan trọng về tri thức. Chúng ta có hơn 6 triệu NVNƠNN, trong đó có tới 80% sinh sống ở những quốc gia phát triển. Khoảng 10% là những kiều bào đang có trình độ rất cao và đã hoạt động trong nhiều những lĩnh vực then chốt của thế giới như công nghiệp lượng tử, chuyển đổi số, sinh học và nhiều các lĩnh vực khác. Trong suốt tiến trình lịch sử, tri thức kiều bào đã có những đóng góp lớn, kể từ những trí thức kiều bào nghe theo tiếng gọi của Bác Hồ về nước kháng chiến như Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Giáo sư Đặng Văn Ngữ và rất nhiều kiều bào khác.
Nguồn lực thứ ba là nguồn lực về sự kết nối văn hóa. Hơn 6 triệu NVNƠNN cũng chính là những sứ giả văn hóa, những cầu nối, nền tảng nhân dân trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và nước ngoài. Gần đây, cộng đồng NVNƠNN đã có rất nhiều người trưởng thành, có nhiều người đã tham gia chính trị ở nước sở tại với những vị trí tương đối cao.
Tất cả những điều đó là tổng hợp nguồn lực của cộng đồng NVNƠNN. Trong bối cảnh đất nước chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng tôi cho rằng nguồn lực của kiều bào là không thể thiếu trong việc hiện thực hóa kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một tiết mục trong chương trình giao lưu nghệ thuật Xuân Quê hương 2025 với chủ đề “Việt Nam - Vươn lên trong kỷ nguyên mới". (Ảnh: DNCC) |
Sự gắn kết chặt chẽ
Ông có thể khái quát những kết quả nổi bật trong công tác NVNƠNN trong năm qua?
- Có thể khái quát công tác NVNƠNN trong năm qua bằng cụm từ “gắn kết hơn”. Trước hết, giữa cộng đồng NVNƠNN với nhau trong từng địa bàn cũng như trên toàn thế giới đã có sự gắn kết hơn, thể hiện ở chỗ khi cộng đồng NVNƠNN gặp khó khăn thì chính cộng đồng trong quốc gia đó đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ, “tương thân, tương ái” lẫn nhau.
Ví dụ, khi cộng đồng người Việt Nam ở Warsaw, Ba Lan gặp cảnh cháy chợ thì không chỉ cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan mà cộng đồng người Việt Nam ở khu vực châu Âu, châu Á đã có rất nhiều hành động hỗ trợ bà con mình ở Ba Lan. Hay như khi xảy ra lũ lụt ở Séc, Ba Lan; động đất ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) thì cộng đồng người Việt Nam ở các khu vực đó cũng đã có sự hỗ trợ lẫn nhau. Đó là sự gắn kết giữa các cộng đồng.
Thứ hai là sự gắn kết giữa các cộng đồng với nhau, thể hiện ở chỗ rất nhiều hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở từng khu vực đã có sự tham dự tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở các khu vực khác và mạng lưới kết nối của người Việt Nam ở các khu vực ngày càng rộng. Cộng đồng chúng ta ngày càng gắn kết, biết đến nhau, biết ai ở đâu, ai làm gì, ai có thế mạnh gì để cùng hỗ trợ lẫn nhau phát triển.
Thứ ba là gắn kết với trong nước, thể hiện ở chỗ cộng đồng NVNƠNN đã tiếp tục có những sự hỗ trợ trong nước. Khi cơn bão Yagi xảy ra, dù cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan, ở Lào, ở Séc, ở Ba Lan, Tây Ban Nha cũng gặp lũ lụt, cũng gặp những thảm họa thiên tai tương tự nhưng bà con vẫn bằng tấm lòng của mình hỗ trợ bà con trong nước.
Cùng với đó là sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng NVNƠNN. Chúng ta thấy là các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước trong mỗi chuyến đi công tác nước ngoài đều đến thăm cộng đồng, có tiếp xúc với cộng đồng. Trong trao đổi với các đối tác nước ngoài, kể cả ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đều đề nghị các quốc gia có liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ để cộng đồng NVNƠNN ngày càng ổn định, phát triển kinh tế, đóng góp vào sở tại, đồng thời hướng về quê hương, đất nước. Đây là thông điệp rất mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ hơn của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng cũng như nguồn lực của chúng ta.
Trong năm 2024, Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN, Bộ Ngoại giao đã triển khai được nhiều hoạt động. Trước hết là các hoạt động thường niên như Giỗ Tổ Hùng Vương, các chuyến đi cho bà con đến thăm quân dân ở huyện đảo Trường Sa, tổ chức Trại hè cho thanh, thiếu nhi và Xuân Quê hương… Đặc biệt, trong năm 2024, chúng ta đã tổ chức được Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ tư sau hơn 3 năm gián đoạn vì dịch bệnh. Hội nghị đã để lại một tiếng vang, thu hút được khoảng 500 đại biểu kiều bào ở các nơi trên thế giới và các kiều bào đã có những ý kiến, những đóng góp rất tâm huyết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới lần thứ tư (tháng 8/2024). (Ảnh: BNG) |
Năm 2024 đánh dấu 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Công tác tiếp tục được quan tâm, triển khai đồng bộ, thể hiện rõ nét chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh các hoạt động thường niên như Xuân Quê hương; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại các nước; thăm quân và dân quần đảo Trường Sa; trại hè cho thanh, thiếu niên kiều bào; các lớp tập huấn giảng dạy tiếng việt... Ủy ban NVNƠNN đã tổ chức thành công một số sự kiện đặc biệt, như Hội nghị NVNƠNN toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.
Lãnh đạo Ủy ban nhấn mạnh, Chương trình Xuân Quê hương được tổ chức hằng năm, đã trở thành một sự kiện văn hóa - chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trên toàn thế giới. Chương trình khẳng định vững chắc mối liên hệ, gắn bó giữa cộng đồng kiều bào và đất nước, đồng thời, thể hiện rõ sự quan tâm, tình cảm và trách nhiệm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, phát huy tinh thần yêu nước, hướng về nguồn cội, khích lệ kiều bào gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc.
Trong cuộc chào Tổng Bí thư Tô Lâm (khi đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) và tại Hội nghị có sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các ý kiến rất tâm huyết của các kiều bào đã được các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ lắng nghe, ghi nhận. Trong các cuộc tiếp xúc, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều khẳng định và trân trọng ý kiến của kiều bào.
Gần đây nhất, chúng ta có một số hội nghị do Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì như Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chúng ta rất vinh dự có trên 10 đại diện kiều bào, gồm cả những người lớn tuổi và người trẻ tuổi, đều là các chuyên gia, tri thức đang hoạt động trong các công ty hàng đầu về công nghệ của thế giới được mời tham dự.
Các kiều bào đánh giá rất tích cực, thể hiện sự trân trọng đối với sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, đặc biệt là những kiều bào đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Bà con cảm thấy tự hào vì được coi trọng, tự hào được góp phần của mình vào việc hiện thực hóa kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông vừa đề cập đến Chương trình Xuân Quê hương - sự kiện được đông đảo bà con kiều bào đón chờ mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ông có thể nói rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình?
- Đối với người Việt Nam chúng ta, dịp Tết đến, Xuân về có ý nghĩa rất quan trọng; tất cả mọi người, dù đi làm ăn ở xa hay ở gần đều muốn hướng về gia đình, hướng về những người thân của mình, hướng về quê hương. Chính vì lẽ đó, từ năm 2008, Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN đã kiến nghị các cấp tổ chức Chương trình Xuân Quê hương. Từ đó đến nay, chương trình đã trở thành một sự kiện văn hóa - chính trị không thể thiếu đối với không chỉ cộng đồng NVNƠNN mà còn với cả bà con trong nước.
Ý nghĩa của Chương trình Xuân Quê hương ở chỗ đây là dịp để người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới được hội tụ, được gặp nhau tại chính mảnh đất quê hương của mình. Đây cũng là dịp để tất cả những người bà con xa xứ được trở về quê hương trong vòng tay của gia đình, hưởng một cái Tết đoàn viên sum họp. Đây còn là dịp để các lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe thêm tâm tư, nguyện vọng của bà con; là dịp để các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam biểu dương những đóng góp, những cống hiến, những nỗ lực của bà con, động viên bà con trong dịp năm mới.
Trong dịp này, bà con cũng vinh dự được tham dự một số hoạt động cho đích thân Chủ tịch nước chủ trì, một số hoạt động nghi lễ truyền thống của dân tộc, mang tính tâm linh nhưng cũng thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng NVNƠNN.
Dấu ấn về sự tự hào dân tộc
Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm hoặc cảm xúc về Chương trình?
- Tôi phụ trách lĩnh vực NVNƠNN chưa lâu nhưng mỗi lần được tham dự Chương trình Xuân Quê hương đều có cảm xúc rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ chúng ta được gặp các bà con đồng bào của mình ở khắp mọi miền trên thế giới; ở chỗ bà con luôn đem những tình cảm rất thân thương từ những miền đất, từ ngôi nhà thứ hai của mình hướng về trong nước; và đặc biệt ở chỗ bà con rất trân trọng tình cảm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đánh giá rất cao hoạt động tổ chức Chương trình Xuân Quê hương của Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN, Bộ Ngoại giao.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chúc Tết kiều bào tại Chương trình giao lưu nghệ thuật Xuân Quê hương 2025, diễn ra tối 19/1, ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Đồng thời, mỗi năm, chương trình sẽ có các dấu ấn khác nhau nhưng qua cảm nhận của chúng tôi, Chương trình Xuân Quê hương qua các năm qua luôn đọng lại những dấu ấn rất mạnh mẽ trong mỗi người tham dự về sự tự hào về đất nước đổi mới, tự hào về vị thế của đất nước, tự hào về sự phát triển của đất nước. Đó là những hành trang rất quan trọng, là nguồn cổ vũ, an ủi động viên rất lớn đối với bà con để bà con sau ngày Tết, trở lại cuộc sống thường nhật ở bên ngoài.
Chương trình Xuân Quê hương năm 2025 có chủ đề “Việt Nam - vươn lên trong kỷ nguyên mới”, xin ông cho biết những trọng tâm trong công tác về NVNƠNN trong năm nay nhằm thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng cũng như đóng góp cho quê hương, đất nước?
- Trong năm 2025, trong thời khắc chúng ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác về NVNƠNN sẽ tập trung tiếp tục chăm lo, hỗ trợ để bà con tiếp tục ổn định, phát triển tại nơi bà con đang sinh sống, học tập và làm việc. Có phát triển được, có đóng góp được vào sở tại và có vị thế ở sở tại thì bà con mới có điều kiện tốt hơn để đóng góp cho đất nước.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đề xuất, kiến nghị việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để bà con ngày càng gắn bó hơn với quê hương, đất nước, ngày càng thuận lợi hơn trong việc đóng góp hiện thực hóa khát vọng về kỷ nguyên mới, để bà con, đặc biệt là các thế hệ thứ ba, thứ tư NVNƠNN luôn nhìn về quê hương, đất nước, luôn gắn kết với quê hương, đất nước.
Đặc biệt, trong năm nay, chúng ta sẽ có rất nhiều ngày lễ lớn. Do đó, chúng tôi cũng rất mong muốn bà con sẽ về nước nhiều hơn, tham gia các hoạt động nhiều hơn và bà con tiếp tục đóng góp nhiều hơn trí tuệ, tiềm lực kinh tế, sức mạnh kết nối của mình cho công cuộc xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới.
Chương trình Xuân Quê hương năm 2025 có chủ đề “Việt Nam vươn lên trong kỷ nguyên mới, gửi gắm khát vọng phát triển mạnh mẽ của dân tộc. Thông qua sự kiện, Ban Tổ chức mong muốn truyền tải thông điệp về một Việt Nam năng động, không ngừng tiến bước, đồng thời tri ân cộng đồng kiều bào đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng quê hương.
Chương trình đón khoảng 1.000 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới tham gia, trở thành điểm nhấn cho chuỗi hoạt động hướng về cội nguồn của bà con mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong chuỗi sự kiện của Xuân Quê hương 2025, đáng chú ý là lễ dâng hương tại điện Kính Thiên và nghi thức thả cá chép vào dịp Tết ông Công, ông Táo do Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân chủ trì. Đây được xem như biểu tượng tốt đẹp về gốc rễ dân tộc, đồng thời khơi dậy lòng tự hào, hướng về cội nguồn.
Chương trình giao lưu nghệ thuật Xuân Quê hương 2025 dự kiến được tổ chức vào tối 19/1/2025, tức ngày 20 tháng Chạp âm lịch năm Giáp Thìn, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân, cùng khách mời trong nước.
Trong khuôn khổ Chương trình còn có nhiều hoạt động khác, không chỉ góp phần gắn kết kiều bào với quê hương, mà còn thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam về việc luôn trân trọng các giá trị truyền thống, ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc dân tộc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!