Xuân về trên sóng Trường Sa

(PLO) - Để đất liền trọn niềm vui khi xuân về Tết đến, những người lính Trường Sa đang ngày đêm vững chắc tay súng canh chủ quyền Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, mặc dù có đầy đủ hương vị mùa xuân, nhưng thèm lắm dư vị đất liền. 

Nhớ lắm gương mặt hiền hậu của người vợ nơi quê nhà vất vả, yêu lắm đứa con thơ chập chững biết đi, thương lắm mẹ già đếm thời gian chờ đón con về. Song các anh nén lại tất cả nỗi niềm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ, tất cả vì bình yên biển đảo của Tổ quốc.

Quà đất liền ấm lòng biển đảo

Vùng 4 Hải quân vào những ngày cuối cùng của năm cũ, những con tàu chở đầy quà Tết vượt sóng ra khơi. Đứng trên mũi tàu, phía sau là đất liền thân thương, phía trước là Trường Sa thiêng liêng, có những người lính chân trần trên cát đang chờ đón những chuyến quà xuân từ đất liền gửi tới. Mùa xuân đã về với những người lính đảo.

Đối với Trường Sa, không khí  mùa xuân bao giờ cũng đến sớm hơn đất liền trước Tết cả tháng. Khi ở đất liền những nụ hoa mai, hoa đào chớm nở, cũng là lúc đoàn tàu của Vùng 4 Hải quân chở hàng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Lãnh đạo Vùng 4 Hải quân, cho biết, Tết Đinh Dậu 2017, Quân chủng Hải quân cử các chuyến tàu đem quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ ở 21 đảo/33 điểm đóng quân.

Ngoài quà Tết theo tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng, cán bộ chiến sĩ sẽ nhận được quà Tết của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc gửi tặng, đặc biệt quà của tỉnh Khánh Hòa. Bảo đảm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các đảo có đầy đủ hương vị mùa xuân như ở đất liền. Những phần quà của nhân dân gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa không chỉ tiếp nguồn sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ yên tâm giữ gìn biển đảo, mà còn góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Và đó cũng là sức mạnh thắm tình quân dân, là sự chia sẻ một phần gian khó nhọc nhằn đối với những người lính nơi tuyến đầu sóng gió

Thêm một lần nữa đón Tết xa chồng, chị Lưu Thị Ngọc Lan với bao nỗi niềm chung riêng khi thời gian chia xa đã cận kề, nỗi buồn vời vợi người đi, người ở lại. Từ Cam Lâm Khánh Hòa, chị xúc động chia sẻ trong điện thoại: “Tết năm ngoái anh nhà em đón xuân ngoài đảo, năm nay cũng vậy. Lấy nhau gần chục năm, nhưng vợ chồng chỉ ở bên nhau chừng hơn một năm. Vợ lính đảo thiệt thòi, nhưng bù lại các anh rất tình cảm và thương yêu vợ”. 

Chẳng khác đất liền

Mặc dù ở giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, nhưng Tết ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị như ở quê nhà. Ngoài những con lợn béo, gà, vịt, ngan, ngỗng, bánh, mứt, gạo nếp, miến, măng, và nhiều thứ khác được mang ra từ đất liền, không thể thiếu mai vàng của miền Nam, đào Nhật Tân từ miền Bắc. Đất liền có gì, Trường Sa có nấy. 

Ở Trường Sa, ngày tất niên tổ chức chiều 28 Tết. Ngay từ sáng sớm, cán bộ, chiến sĩ chỉnh tề trong quân phục mới nhất đi dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ. Tiếp đó là các phần việc: mổ lợn, gói giò, gói và nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc. Ngày Tết, ngoài bộ quân phục truyền thống của lính biển, các sĩ quan trẻ được phép “diện” một bộ quần áo dân sự đẹp nhất, còn lính trẻ  tự làm mới mình bằng việc cắt tóc cho nhau, là quần áo phẳng phiu, sơn sửa lại doanh trại, cổng ra vào, vọng gác; trang trí câu lạc bộ, treo dây xúc xích, chăng đèn kết hoa.

Ngoài nơi vui chơi công cộng ở câu lạc bộ, mỗi người lính nhất là sĩ quan trẻ và hạ sĩ quan chiến sĩ, ai cũng có “một góc riêng tư”. “Góc riêng tư” ấy chưng nơi đầu giường ngủ, hoặc cửa sổ. Trong đó là những bài thơ, lời hay ý đẹp, hoặc tấm ảnh người yêu, hoặc tấm ảnh bố mẹ ở quê nhà. Tất nhiên không thể thiếu hình ảnh cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, hoặc làm bằng tăm tre, hoặc tấm hình cột mốc chủ quyền.

“Tết của lính Trường Sa cũng rất phong phú. Ngoài vị trí bàn thờ Tổ quốc, trưng bày câu lạc bộ hái hoa dân chủ đêm giao thừa, chúng em cũng giành một góc để trưng bày. Trong đó nhiều thứ, nhưng không thể thiếu cột mốc chủ quyền. Vì đây là linh hồn Tổ quốc, và nó thiêng liêng trong lòng mỗi người lính Trường Sa”, chiến sĩ Trần Tuấn Anh ở đảo Trường Sa Lớn chia sẻ.

Nếu đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối, thì bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, mặc dù bây giờ việc vận chuyển lá dong ra Trường Sa không khó, song bánh chưng gói lá bàng vuông trở thành nét đẹp văn hóa và “bản sắc” của lính đảo, chỉ lính đảo nổi mới có.

Giải thích về “bí mật” này, chiến sĩ Tuấn Anh cho biết: “Bây giờ các đảo đều có lá dong đem từ đất liền để gói bánh chưng, nhưng gói bằng lá bàng vuông vẫn thấy thiêng liêng hơn. Bởi trong mỗi cái bánh chưng ấy, có tinh thần thép và mồ hôi mặn mòi của người lính đảo. Sau ba ngày Tết, bánh chưng Trường Sa bao giờ cũng để lại dăm chiếc để đãi đoàn khách từ đất liền thăm đảo đầu năm. Bánh chưng gói bằng lá bàng vuông ăn cũng đậm đà hơn, ý nghĩa thiêng liêng hơn”.

Sau bữa cơm cuối năm, cán bộ, chiến sĩ quây quần đón giờ khắc thiêng liêng. Trước bàn thờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảo trưởng nói: “Trong  giờ khắc giao thừa linh thiêng năm mới, chúng tôi, cán bộ chiến sĩ Trường Sa xin hứa với Tổ quốc và Bác Hồ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất mẹ nơi đầu sóng ngọn gió, dù gian khổ đến mấy, dù phải hi sinh đến tính mạng của mình”.

Trong phút giây giao thừa ấy, tim những người lính hướng về Tổ quốc, về các liệt sĩ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ cột mốc chủ quyền, vì một quần đảo Trường Sa thiêng liêng giữa ngàn khơi mà Tổ quốc của nó không thể tách rời.

Mùa xuân đã về trên sóng Trường Sa. Ở tận ngàn khơi xa xôi ấy, không có tính toán thiệt hơn, chỉ có niềm vui và sự cống hiến thầm lặng hi sinh của lính đảo hòa vào sóng nước mặn mòi. 

Đọc thêm