Đó là vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh biến động thị trường: Thực trạng 2019 và dự báo 2020” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), các hiệp hội gỗ địa phương và Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức hôm nay - 28/2.
“Đứt” nguồn sơn, toàn bộ lô hàng “đắp chiếu”
Theo VIFOREST, bức tranh thương mại gỗ giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu hình thành do nhóm các mặt hàng gỗ nguyên liệu. Dịch viêm phổi cấp (Covid-19) bắt đầu bùng phát vào tháng 12/2019 đang và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến mối quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia và các luồng cung XK khác của Việt Nam đi các nước.
Nếu như dăm gỗ là mặt hàng quan trọng nhất được XK từ Việt Nam sang Trung Quốc (năm 2019 kim ngạch đạt 972,2 triệu USD, chiếm 79,2% tổng kim ngạch XK của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam XK vào Trung Quốc), thì các loại ván là nhóm mặt hàng quan trọng nhất được NK từ Trung Quốc vào Việt Nam (giá trị NK năm 2019 đạt 395,5 triệu USD, chiếm 60% trong tổng kim ngạch tất cả các mặt hàng gỗ NK từ Trung Quốc vào Việt Nam).
“Dịch Covid-19 làm cho các DN sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng, gây ra tình trạng chậm chễ trong việc XK dăm của Việt Nam sang thị trường này. Ở chiều ngược lại, dịch Covid-19 làm cho nguồn cung ván gỗ từ Trung Quốc đang bị dừng lại…”, ông Tô Xuân Phúc – Cố vấn cao cấp của Forest Trends - phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, lượng hàng đã nhập trước đó có thể giúp DN Việt đủ nguyên liệu trong vòng 1-2 tháng nữa. “Hết giai đoạn này, nếu dịch chưa dừng lại, các DN NK Việt Nam sẽ cần tìm kiếm nguồn hàng thay thế hoặc phải đình trệ sản xuất…”, chuyên gia Forest Trends cảnh báo.
Ngành gỗ bị ảnh hưởng không chỉ nguồn gỗ nguyên liệu, mà còn các nguyên phụ liệu khác. Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch VIFOREST, trong sản xuất chế biến gỗ, nguyên liệu gỗ chỉ chiếm khoảng 35% giá trị, còn lại là các nguyên phụ kiện khác như dây đai, phụ kiện, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất và một số mặt hàng kim loại… Nguồn phụ kiện này cũng chủ yếu được NK từ Trung Quốc, và dịch Covid-19 cũng làm cho các nguồn cung này bị chững lại.
|
Doanh nghiệp ngành gỗ chỉ đủ nguyên phụ kiện trong khoảng 2-3 tháng. Ảnh minh họa |
Ông Vũ Hải Bằng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland - chia sẻ, Woodsland có nhiều nguồn cung khác nhau, chỉ có một số phụ kiện như sơn phủ bề mặt NK từ Trung Quốc. “Tuy phụ kiện này chỉ chiếm 7% giá trị sản phẩm nhưng không có nó thì toàn bộ lô hàng bị ảnh hưởng”, ông Bằng cho hay và kỳ vọng tới đây có thể tìm nguồn thay thế khác.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng kiến trúc AA, DN chuyên XK không gian nội thất - chia sẻ, tuy không ảnh hưởng trực tiếp, song do thị trường du lịch, bất động sản bị ảnh hưởng nên DN đang cầm cự với các hợp đồng cũ. “Nếu trong vòng 2-3 tháng nữa, dịch Covid-19 không được ngăn chặn, khả năng DN sẽ gặp khăn vì không có dự án mới...”, ông Phương cho biết.
Doanh nghiệp FDI cũng bị ảnh hưởng
Không chỉ tác động đến các DN Việt Nam, dịch Covid-19 cũng đang tác động đến các DN FDI hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các DN Trung Quốc.
Báo cáo của VIFOREST cho biết, chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2014 đến nay, Trung Quốc có 184 DN đăng ký và hoạt động trong ngành. Năm 2019 có 93 DN Trung Quốc tham gia XK các mặt hàng gỗ từ Việt Nam. Dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp tới sự vận hành của các DN này, bao gồm cả những lao động Việt làm việc tại đây.
Với các các DN FDI từ các quốc gia khác đang hoạt động tại Việt Nam, tình hình cũng không sáng sủa hơn khi các DN này cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung gỗ nguyên liệu và các mặt hàng phụ trợ khác.
Theo Báo cáo của VIFOREST, năm 2019 các DN FDI NK một lượng lớn các mặt hàng gỗ vào Việt Nam, với kim ngạch gần 820 triệu USD, chiếm 32% trong tổng kim ngạch NK của cả 2 nhóm DN FDI và DN nội địa.
Năm 2019 các DN FDI trong ngành gỗ Việt Nam NK các mặt hàng gỗ từ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong danh sách với giá trị NK đạt trên 316,1 triệu USD, chiếm 39% trong tổng kim ngạch NK của các DN FDI từ tất cả các nguồn nhập…
Được biết, trong tổng kim ngạch XK của toàn ngành năm 2019 (10,3 tỷ USD), kim ngạch XK của nhóm DN FDI đạt 4,95 tỷ USD, tương đương với gần 48%.
“Rõ ràng dịch Covid-19 sẽ đe dọa mục tiêu XK 12,5 tỷ USD của Việt Nam trong năm 2020. Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra những cơ hội cho các DN Việt trong việc chiếm lĩnh thị trường, cả về nguồn cung cấp nguyên liệu thay thế lẫn tiêu thị sản phẩm…”, chuyên gia Tô Xuân Phúc lạc quan. Ông Phúc cũng cho rằng các cơ quan quản lý và các DN trong ngành đã và đang đưa ra nhiều cơ chế chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro do Covid-19 gây ra.
“Tuy nhiên, loại bỏ rủi ro đòi hỏi ngành cần có quyết tâm chính trị và nỗ lực nhiều hơn nữa, bao gồm cả xác định các ưu tiên trong quá trình phát triển của ngành. Điều quan trọng là các thông tin về ngành cần chính xác và minh bạch, phản ánh bức tranh thực tế của ngành. Các thông tin này cần được làm nền cho việc đưa ra các quyết sách, cân bằng các ưu tiên, nhằm giúp ngành pháp triển bền vững trong tương lai…”, chuyên gia Forest Trends khuyến cáo.