Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho rằng, cơ hội để chúng ta thực hiện thành công Chiến lược xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030 – dù đã được thiết kế tương đối tốt, cũng sẽ bị giảm đi rất đáng kể nếu chương trình tái cấu trúc nền kinh tế không được thúc đẩy cấp bách hơn nữa.
Bà Phạm Chi Lan. |
Bà đánh giá như thế nào về hoạt động XNK hàng hóa của nước ta thời gian qua?
Thời gian qua, xuất khẩu nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là các các mặt hàng nông sản. Các DN Việt Nam nhìn chung đã học được rất nhiều điều khi tham gia cạnh tranh với môi trường bên ngoài. Có thể, trong những năm đầu khi Việt Nam mới gia nhập WTO, các DN của chúng ta chưa cảm nhận rõ và chưa gặt hái được nhiều thành công, nhưng chính trong giai đoạn này, những bài học họ rút ra lại trở thành những kinh nghiệm quý báu để chuẩn bị cho tương lai.
Trong khi đó, mức tăng nhập khẩu cũng đã vượt cao hơn so với hầu hết các dự báo từ trước, điều này xuất phát từ chỗ, hội nhập nhưng chúng ta lại thiếu sự chuẩn bị cho khả năng cạnh tranh của mình. Chính vấn đề đó đã dẫn đến hệ quả khi mở cửa thị trường trong nước, hàng hóa nước ngoài tràn vào, làm cho hàng hóa nội địa càng khó cạnh tranh hơn, trong khi đó, nước ngoài lại tận dụng rất tốt mảnh đất màu mỡ của Việt Nam.
Theo Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định số 2471/QĐ-TTg, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 11-12%/năm trong thời kỳ 2011- 2020. Trong đó, giai đoạn 2011- 2015 tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm. Từ năm 2016- 2020 tăng bình quân 11%/năm. Duy trì tốc độ 10% trong giai đoạn 2021- 2030. Còn về nhập khẩu hàng hóa, sẽ tăng bình quân từ 10-11%/năm trong giai đoạn 2011- 2020. Hướng đến giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020. |
Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, theo bà có đưa ra được các giải pháp đột phá?
Theo tôi, có sự đổi mới trong tư duy xây dựng chiến lược, đó là chiến lược xuất nhập khẩu nhưng lại dựa trên cơ sở thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển và tính tới khả năng cạnh tranh của nền kinh tế để tăng cường xuất khẩu cũng như điều chỉnh nhập khẩu hợp lý hơn, phục vụ cho nhu cầu phát triển, tránh tình trạng nhập siêu, làm bất ổn nền kinh tế.
Chiến lược cũng đặt rất cao yêu cầu về hội nhập quốc tế, không chỉ với WTO mà còn một loạt các FTA chúng ta đã có hoặc sắp có. Trên tinh thần đó, nối ghép được giữa yêu cầu phát triển với khả năng của thị trường bên ngoài tạo ra cho chúng ta để có thể hoạch định được những lĩnh vực nào chúng ta nên tập trung và khai thác phát triển.
Vậy ngành hàng nào khiến bà chú ý nhất?
Tôi thích thú nhất đối với chiến lược xuất khẩu nông sản. Xuất khẩu nông sản thời gian qua là một trong những thành công của nước ta tuy vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng, về giá trị gia tăng và do đó, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng còn hạn chế. Chúng ta cạnh tranh được thời gian vừa qua chủ yếu là nhờ giá rẻ, khả năng cung cấp dồi dào.
Chiến lược lần này, đặt rất cao vai trò của nông sản và với ý tưởng là tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng nông sản và thúc đẩy xuất khẩu nông sản trên cơ sở mới. Điều đó không những có lợi cho xuất khẩu nông sản, cho kinh tế nước ta về mặt xuất khẩu mà còn có lợi cho đông đảo người nông dân. Điều đó phù hợp với mục tiêu cuối cùng của hội nhập và phát triển đó là mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Hiện tại, vấn đề nổi cộm nhất đối với nền kinh tế nước ta là bất ổn về kinh tế vĩ mô. Trong bất ổn kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị nhỏ và vừa lại đang chịu tác hại nặng nề nhất; kéo theo những người nghèo, người nông dân phải chịu tác động tiêu cực.
Chính vì thế, từ nay đến năm 2015, chúng ta phải làm sao thực hiện tốt chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, cần phải làm cấp bách hơn nữa, không cho phép “lần chần” thêm. Nếu chúng ta không làm được, không đạt được các kết quả nhất định trong năm 2013 và 2014, thì đến năm 2015, cơ hội để chúng ta thực hiện thành công Chiến lược XNK, dù đã được thiết kế tương đối tốt, cũng sẽ bị giảm đi rất đáng kể.
Xin cảm ơn bà!
Minh Hằng (thực hiện)