- Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về 1 năm qua của ngành nông nghiệp?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Có thể nói, năm 2023 là năm rất khó khăn đối với toàn thế giới, nền kinh tế đất nước và ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, toàn ngành còn phải hứng chịu những thách thức riêng như hạ tầng còn yếu kém, chế biến chưa sâu, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nông nghiệp.
Tuy vậy nhưng toàn ngành vẫn đạt được những con số tăng trưởng tích cực 3,83%, 10 năm trở lại đây mới có con số tăng trưởng cao như vậy. Lúa gạo mặc dù giảm về diện tích nhưng tăng về sản lượng và năng suất, vẫn về đích 43,5 triệu tấn.
Ngành chăn nuôi năm nay cũng ghi nhận mức tăng trưởng 5,72% với nhiều con số tích cực từ thịt, trứng, sữa. Ngành thủy sản, trồng trọt cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ.
Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ, thu về 1.200 tỷ đồng, tiềm năng lợi thế rất lớn.
Xuất khẩu tuy chưa đạt đạt mục tiêu đề ra (hơn 53 tỷ USD) nhưng thặng dư thương mại đạt 12 tỷ USD, lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng 69,2% và gạo tăng 38,4%; Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.
Tới đây, Bộ NN&PTNT đánh giá lại những kết quả trên, từ nguyên nhân đến những tồn tại hạn chế để đưa ra các giải pháp phù hợp để năm 2024 tăng trưởng, năm 2025 về đích, đạt đúng mục tiêu của Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XII về nông nghiệp nông dân nông thôn.
Năm 2023, xuất khẩu rau quả tăng gần 70%. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng của ngành hàng này?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Năm 2023. xuất đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%. Có thể nói, tiềm năng lợi thế về rau quả rất lớn, trong đó có sầu riêng. Diện tích sầu riêng 112 nghìn ha với khoảng 400 nghìn tấn nhưng mới chỉ thu hoạch ở diện tích hơn 60 nghìn ha, phần còn lại đang thiết kế cơ bản năm tới sẽ được thu hoạch.
Bên cạnh đó, nếu thời gian tới ký kết được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc được hoàn tất, giá trị sầu riêng sẽ tăng lên. Năm 2023 xuất khẩu sầu riêng đạt trên 2,2 tỷ USD, giá trị rất lớn.
Ngoài ra, nếu các giải pháp về hạ tầng được giải quyết, đó là cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối cũng như thống nhất kiểm dịch, khắc phục thủ tục hành chính và mã đóng gói thì sản lượng rau quả còn nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng trong năm 2024.
Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD. Đây là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh năm 2024 được nhận định vẫn còn nhiều khó khăn. Ngành sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước hết chúng ta phải có căn cứ thực tiễn, đánh giá khoa học và định hướng thị trường. Sau nhiều năm cơ cấu, quy mô ngành hàng nông nghiệp đã rất rõ, liên kết thì ngày càng chặt chẽ, rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa. Kết hợp chuỗi như vậy mới có sự phát triển bền vững và nhanh.
Về thị trường, đối với thị trường Trung Quốc, các nghị định đã từng bước được ký kết, chúng ta sẽ có lợi thế. Lợi thế về hạ tầng, có trao đổi hai chiều thuận lợi hơn, cắt giảm thủ tục hành chính để kiểm dịch thực vật được nhanh hơn và tốt hơn, chính xác hơn. Ngoài ra, các mặt hàng khác cũng đang rất tiềm năng là dừa và yến tươi. Cơ cấu thị trường với Trung Quốc rất lớn.
Căn cứ vào thị trường và cơ cấu sản xuất để thúc đẩy đối tượng, phát huy tiềm năng lợi thế của các thị trường sẽ giúp toàn ngành đạt được mục tiêu đã đề ra.
Thời gian tới, chăn nuôi phải tăng đà tăng tốc, lâm nghiệp và các sản phẩm khác cũng đều phải phát huy đồng bộ. Tất cả các “dòng sông” cùng chảy thì chúng ta sẽ “hợp long” được mục tiêu xuất khẩu năm 2024 đề ra với sản lượng với giá trị lớn hơn năm 2023.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong 5 năm gần đây (Năm 2019 tăng 2,67%; năm 2020 tăng 3,04%; năm 2021 tăng 3,71%; năm 2022 tăng 3,36%). Trong đó: trồng trọt tăng 3%; chăn nuôi tăng 5,72%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%).
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (Sản lượng lúa gần 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2022 (trong đó năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha), sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng).