Cơ hội cho ngành nông nghiệp
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng nhanh, trong 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 6 mặt hàng (trái cây, hạt điều, cà phê, gạo, tôm, đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Phát biểu tại hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các FTA” mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, xu hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại hàng nông sản thông qua việc ký kết và thực thi các FTA, nhất là FTA thế hệ mới (FTAs) sẽ giúp Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan, đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài thị trường như trước đây.
Cụ thể, đối với Hiệp định CPTPP với 11 quốc gia, chiếm 11,5% tổng kim ngạch toàn cầu, CPTPP với nhiều cam kết trong cắt giảm thuế quan, cam kết nguồn gốc xuất xứ, cam kết SPS và TBT, cam kết đầu tư, cam kết sở hữu trí tuệ và các cam kết khác.
Đối với Hiệp định EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm.
Với vị thế là nước đứng đầu trong các sản phẩm nông sản sản xuất và xuất khẩu như: cà phê đứng thứ 2 thế giới, gạo đứng thứ 3 thế giới, thủy sản đứng thứ 4 thế giới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không có giới hạn cho năng lực sản xuất nếu Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội về thị trường và có được điều kiện để tái cơ cấu, đưa công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hữu cơ và gắn với việc hình thành phát triển các chuỗi giá trị: “Các FTA chính là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là ngành nông nghiệp Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Không ít thách thức phải vượt qua
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, thách thức khi Việt Nam gia nhập các hiệp định FTA không ít. Đó là gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn; Áp lực cạnh tranh sẽ làm một số ngành có thể bị thu hẹp sản xuất như chăn nuôi lợn, mía đường; nguy cơ nông sản bị trả lại, mất quyền xuất khẩu hoặc gia tăng tần suất kiểm tra do chưa đáp ứng các quy định SPS/TBT tại các thị trường khó tính như Nhật và các nước EU khi sản xuất trong nước chưa được quản lý chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, tổng GDP của thị trường CPTPP và EVFTA là hơn 30% GDP toàn cầu, tổng giao dịch thương mại khoảng 35% thương mại toàn cầu, hết sức lớn: “Đây là cơ hội nhưng ngược lại cũng rất nhiều thách thức và rủi ro mà không nỗ lực thì chúng ta sẽ đánh mất cơ hội và mất ngay thị trường sân nhà Việt Nam”, ông Cường nói.
Minh chứng cho điều này, ông Cường chia sẻ, con cá ngừ đại dương, điển hình của đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam với trọng lượng 337 kg cuối cùng bán được 37 triệu. Trong khi đó, một con cá ngừ đại dương của Nhật Bản 270kg quy về tiền Việt Nam bán được 70 tỷ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: “Đó là đẳng cấp trình độ kinh tế, nó là tiêu chuẩn, quy chuẩn, cách thức, kỹ năng hội nhập. Chúng ta phải nhận dạng thật rõ, chứ còn đối với khối lượng nông sản Việt Nam sản xuất hiện nay là quá nhiều nhưng tiền quá ít. Chuỗi bây giờ phải kết cấu lại và phải đồng bộ. Cả của Nhà nước, cả khu vực doanh nghiệp, doanh nhân và toàn dân thì mới làm nên câu chuyện “.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã đổi mới cơ cấu cây trồng, mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất cũ, hình thành nên những vùng chuyên canh về cây ăn quả và nuôi trồng thủy hải sản mà An Giang là một điển hình.
Địa phương này vốn có thế mạnh về lúa gạo, cũng là vựa lúa chính của ĐBSCL, đã hình thành những vùng chuyên canh các giống lúa năng suất cao, có giá trị và chuyên phục vụ xuất khẩu, song cũng là địa phương có sản lượng trái cây xuất khẩu lớn; sản lượng cá tra xuất khẩu đứng thứ nhất cả nước...
Mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa DN và người nông dân đã được hình thành từ khá lâu. Chính vì vậy, khi tham gia các hiệp định FTA, An Giang là địa phương có nhiều lợi thế khi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là lúa gạo tại hai thị trường lớn và mới là Mexico, Canada...
Bộ trưởng Cường khẳng định, Việt Nam phải tận dụng được các lợi thế, cơ hội và khắc phục những khó khăn nêu trên, ngành nông nghiệp và các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP và EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa…