“Xuất khẩu” sản phẩm nghệ thuật ra nước ngoài, tại sao không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Mới đây, tin vui của làng nhạc Việt là 4 ca khúc hít của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã được các nghệ sĩ Trung Quốc mua tác quyền, chuyển ngữ qua tiếng Trung và phát hành tại thị trường của họ.
4 ca khúc hít của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã được các nghệ sĩ Trung Quốc mua tác quyền
4 ca khúc hít của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã được các nghệ sĩ Trung Quốc mua tác quyền

Đó là 4 bài hát nổi tiếng trong dòng nhạc trẻ trong nước như: Vầng trăng khóc, Chiếc khăn gió ấm, Bay giữa ngân hà và Đêm trăng tình yêu.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, phía mua tác quyền cho biết họ có lên kênh YouTube của anh, thấy nhiều ca khúc có giai điệu phù hợp, nên muốn mua tác quyền, chuyển ngữ để cho nghệ sĩ Trung Quốc biểu diễn, phát hành sản phẩm...

Những năm gần đây, đã có trưởng hợp các MV ca nhạc của Việt Nam xuất hiện trên các website, ứng dụng nghe nhạc của nước ngoài, thậm chí nằm trong top MV nước ngoài yêu thích. Một số ca sĩ trẻ của Việt Nam cũng có lượng fan nước ngoài đáng kể, như Sơn Tùng MTP, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi...

Tuy nhiên, trường hợp được nước ngoài liên hệ chính thức mua bản quyền bài hát thì không nhiều, có thể nói Nguyễn Văn Chung là một trong những nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có ca khúc được mua bản quyền và phát hành tại Trung Quốc.

Còn nhớ, trước đây, ở mảng điện ảnh, phim Em chưa 18 được Thái Lan, một nước có nền điện ảnh phát triển trong khu vực liên hệ mua kịch bản để remake khiến giới điện ảnh trong nước hồ hởi.

Phim Em chưa 18 được Thái Lanmua kịch bản để remake

Phim Em chưa 18 được Thái Lanmua kịch bản để remake

Mới đây, phim truyện điện ảnh “Bóng đè” của đạo diễn Lê Văn Kiệt chưa được công chiếu nhưng đã có hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ mua bản quyền phát hành phim ở thị trường sở tại. Trước đó, Hai Phượng, phim cũng của đạo diễn Lê Văn Kiệt là bộ phim thành công nhất ở thị trường nước ngoài của Việt Nam cho đến thời điểm ấy. Đây là phim Việt đầu tiên được Well Go USA Entertainment và Arclight Films mua bản quyền trình chiếu tại Mỹ, đồng thời được mua bản quyền phát sóng trên Netflix, các hệ thống VOD ở Mỹ: Itunes, Comcast, Amazone, Google Play... Ở mảng truyền hình, một số phim truyền hình Việt cũng đã được mua bản quyền chiếu ở một số nước khu vực châu Á.

Tại nhiều nước có nền giải trí phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, ngoài phục vụ khán giả nội địa, lượng sản phẩm giải trí “xuất khẩu” ra nước ngoài, được các nước khác săn đón, mua bản quyền từ phim, bài hát, chương trình truyền hình là rất nhiều.

Xuất khẩu sản phẩm giải trí ra nước ngoài không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế, mà hơn hết, đó là sự quảng bá về giải trí, nghệ thuật, đi cùng với văn hóa Việt ra nước ngoài.

Hàn Quốc, thông qua các bộ phim Hàn được công chiếu tại khắp các kênh trên thế giới, đã góp phần mạnh mẽ “tiếp thị” một đất nước Hàn Quốc với văn hóa phong phú, cảnh sắc xinh đẹp, giúp tăng trưởng cho nhiều nền công nghiệp “không khói” khác như du lịch, ẩm thực...

Có lẽ, đây là một hướng đi mang lại nhiều “cái lợi” mà những người làm nghệ thuật Việt Nam cần cân nhắc, sau những tín hiệu vui nói trên.

Đọc thêm