Xuất khẩu đứng Top 3 thế giới
Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) trong những năm qua luôn trong nhóm 10 mặt hàng XK lớn nhất của Việt Nam và đứng trong vị trí top 3 thế giới. TCMN có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn. Đây cũng là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia làm hàng XK.
Kim ngạch XK mặt hàng này giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến 2,23 tỷ USD (2019). Thị trường Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các sản phẩm TCMN Việt Nam (với doanh số chiếm 35% kim ngạch XK hàng năm).
Bên cạnh đó là các thị trường như Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Úc, Hàn Quốc… Hàng TCMN XK chủ yếu bao gồm 5 nhóm: túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ mỹ nghệ.
Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng đã được XK tại chỗ thông qua việc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách nước ngoài đến Việt Nam (hiện chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu - khoảng 15 USD/khách).
Tuy nhiên, thị trường XK tại chỗ của Việt Nam thời gian qua chưa được chú trọng một cách chiến lược để có thể đa dạng mặt hàng và thu hút sự mua sắm của du khách. Bên cạnh đó, dù đứng Top 3 thế giới về XK mặt hàng này nhưng Việt Nam cũng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu nhỏ của thế giới.
Theo đại diện Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) (Bộ Công Thương), tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang mở ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp TCMN của Việt Nam. Do đó, để ngành hàng TCMN Việt Nam có thể mạnh mẽ vươn ra thế giới, ngành TCMN cần xác định định hướng chiến lược XK hàng TCMN giai đoạn 2021-2025 là nâng cao năng lực XK chuỗi giá trị hàng TCMN Việt Nam trên cơ sở tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp. Tăng cường tính gắn kết ngành và xây dựng thương hiệu ngành gắn với XTTM, phát triển bền vững nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên bình diện khu vực, phấn đấu đạt kim ngạch XK 5 tỷ USD vào năm 2025.
Sẽ là ngành mũi nhọn xuất khẩu
Nhóm hàng TCMN được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng XK lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao. Ngoài ra, kim ngạch XN của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển XK trong các năm tới. Theo thống kê của Hiệp hội XK hàng TCMN Việt Nam (Viet Craft), cứ 1 triệu USD XK của ngành TCMN mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác.
Ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Viet Craft đánh giá, ngành TCMN là một ngành thể hiện tính nội lực cao do việc sản xuất, XK hàng thủ công phần lớn khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ và hầu như không phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Ước tính, nguyên liệu nhập khẩu chỉ chiếm từ 3-3,5% giá trị XK.
Đây cũng đồng thời là ngành có điều kiện phát triển ở nhiều khu vực, vùng miền, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của các địa phương; Giải quyết việc làm từ 3.000-5.000 lao động. Điều quan trọng, ngành nghề này mang tính chất truyền trao những tinh hoa của các nghệ nhân lại cho các thế hệ, gìn giữ bản sắc Việt Nam và thể hiện được rõ nhất nội lực của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Theo đại diện Bộ Công Thương, chính vì những nguyên nhân trên mà phát triển XK các sản phẩm TCMN của Việt Nam là một trong những lĩnh vực được Chính phủ hết sức quan tâm và coi việc phát triển ngành nghề thủ công là một biện pháp chính sách hữu hiệu giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế nông nghiệp…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, năm 2021, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các địa phương trên cả nước, đặc biệt quan tâm hỗ trợ ngành hàng TCMN thông qua các chương trình khuyến công, XTTM quốc gia và các chương trình khác của Bộ Công Thương; Đồng thời sẽ có các giải pháp hỗ trợ, hình thành liên kết sản xuất sản phẩm TCMN theo chuỗi giá trị bền vững gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các sản phẩm TCMN đặc trưng tại các vùng, miền, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước và hội nhập quốc tế.