Xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc trước giờ G: Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng quy định trong nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam vẫn đang rất lúng túng với các quy định mới này.
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang lúng túng với các quy định mới. (Ảnh minh họa nguồn Internet)
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang lúng túng với các quy định mới. (Ảnh minh họa nguồn Internet)

Nhiều tiêu chuẩn khắt khe

Tại Diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu (XK) nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 và 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc) do Diễn đàn Kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tổ chức cuối tuần qua, bà Nguyễn Lan Hương – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoa Việt (Công ty Hoa Việt) chia sẻ rằng: “Nếu trong cơ sở có nuôi chó sẽ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) của Trung Quốc. Vì vậy, tới đây chúng tôi phải chú ý vấn đề này…”.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Lệnh 248 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu”, và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý ATTP xuất nhập khẩu” có hiệu lực từ 1/1/2022 với nhiều quy định mà các doanh nghiệp (DN) chế biến XK thực phẩm sang Trung Quốc phải hết sức lưu ý.

Cũng theo ông Hòa, các DN XK nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc phải tuân thủ Luật ATTP và Luật An toàn sinh học. Trước đây, sau khi nhận được hồ sơ đăng ký XK nông sản của các DN thông qua đầu mối là Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan (TCHQ) Trung Quốc sang Việt Nam để kiểm tra thực địa tại DN. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan này có thể xem xét, đánh giá hồ sơ trước, sau đó kiểm tra online. Đây là vấn đề mà các DN đang vướng hiện nay…

Cơ hội để doanh nghiệp thể hiện mình

Theo đại diện Công ty Hoa Việt, Lệnh 248, 249 và các yêu cầu mới mà TCHQ Trung Quốc đưa ra là hoàn toàn xác đáng… DN đã XK chuối sang thị trường Trung Quốc từ năm 2013 nhưng chỉ làm trung gian XK cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Nhưng lệnh mới này tạo điều kiện để các DN Việt Nam được thể hiện mình trên bao bì đóng gói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), ông Thân Văn Hùng cho rằng, đến nay cơ bản DN đã thay đổi được nhận thức về sản xuất, chế biến và chuẩn bị tinh thần để đáp ứng các điều kiện cho thị trường Trung Quốc. Xu hướng sử dụng các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường ngày càng cao, trong đó có thị trường Trung Quốc. Do đó, các tiêu chí, tiêu chuẩn ngày càng được Trung Quốc áp dụng nên các DN cần xác định đây là xu hướng tất yếu…

Khẳng định những quy định mới của thị trường Trung Quốc là tín hiệu khiến tư duy sản xuất nông sản của Việt Nam thay đổi nhưng bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu vẫn tỏ ra băn khoăn khi các DN XK sang Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. DN này đề xuất các cơ quan quản lý nên điều phối, thông báo cho Sở NN&PTNT các tỉnh để khảo sát các DN, các cơ sở đã có mã số trước khi phía Trung Quốc thực hiện kiểm tra online.

Ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy (Long An) cho rằng thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính hơn nhưng đây cũng là xu thế chung của thế giới. Trung Quốc – Việt Nam có giao thương phát triển. Vấn đề là làm thế nào để chúng ta hài hòa các quy định giữa hai bên, để hướng đến một nền sản xuất hàng hóa. Vì vậy, cần thiết thành lập một trung tâm chuyên trách thông tin những thị trường lớn và cần “làm sớm” để hỗ trợ DN.

Đại diện Công ty Hoa Việt cũng cho rằng cần có chiến lược cụ thể để làm thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Muốn vậy, cần phải bắt đầu từ quản lý chất lượng nông sản, từ quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói và vận chuyển. “Các cơ quan nhà nước cần thành lập Trung tâm, Tổ công tác để hướng dẫn các DN, hợp tác xã, cơ quan chuyên trách của địa phương thực hiện các thủ tục theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc. DN sẵn sàng trả tiền để được hướng dẫn cụ thể vấn đề này…

Giải đáp vướng mắc của DN, Giám đốc SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa cho biết, tới đây SPS Việt Nam sẽ là kết hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai các mô hình nông nghiệp tốt. Trên cơ sở tiêu chuẩn AseanGAP, các DN sẽ phát triển và xây dựng vùng trồng, vùng nuôi, đáp ứng những tiêu chuẩn mới. SPS Việt Nam cũng sẽ liên kết với Cục Bảo vệ thực vật trong việc triển khai tập huấn về các tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng hồ sơ để DN đáp ứng với Lệnh 248, 249.

Đại diện SPS Việt Nam cũng cam kết sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn, diễn đàn từ giờ đến cuối năm 2021, để các DN chế biến, XK thực phẩm lớn nắm rõ mọi quy cách từ sản xuất, thu hoạch, đóng gói, cho tới vận chuyển, lưu thông.

“Phụ trách kỹ thuật của DN cần phải nắm chắc quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc giám sát chất lượng. Phía Trung Quốc có thể kiểm tra trực tuyến bất cứ lúc nào, theo tinh thần Lệnh 248, 249” - ông Hòa lưu ý.

Đọc thêm