Xuất khẩu thủy sản bứt phá đạt gần 8,9 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Không phải 8,7 tỷ USD như dự báo trước đó, thông tin mới nhất từ Tổng cục Thủy sản (TCTS) cho hay kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021, XK tôm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ các FTA, EVFTA
Năm 2021, XK tôm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ các FTA, EVFTA

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng TCTS cho biết, mặc dù trong điều kiện chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng Tổng cục thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các địa phương, chủ động, kịp thời báo cáo Bộ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương các giải pháp linh hoạt, phù hợp trong sản xuất, duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản và tổng sản lượng thủy sản năm 2021 tăng so với 2020.

Theo đó, XK thủy sản đã có sự tăng trưởng ngoạn mục khi kim ngạch XK thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 104,6% so kế hoạch. Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị XK thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD.

Cũng theo lãnh đạo TCTS, năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch COVID-19, XK tôm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ các FTA, EVFTA, đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến thủy sản.

Nửa đầu năm 2021, XK thuỷ sản khá thuận lợi nhờ thị trường hồi phục, sản xuất trong nước ổn định. Tuy nhiên, trong quý III/2021, sản xuất và XK thuỷ sản gần như rơi vào bế tắc vì giãn cách xã hội và quy định sản xuất “3 tại chỗ” để phòng chống dịch COVID-19. Phải đến thời điểm đầu tháng 10, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ với quyết sách chống dịch thích ứng, linh hoạt, đã mang đến luồng sinh khí mới, giúp sản xuất và XK thuỷ sản nhanh chóng hồi phục.

Các doanh nghiệp XK thuỷ sản có điều kiện sản xuất thuận lợi, tận dụng cơ hội thị trường, đã hồi phục và bứt phá trong quý cuối năm. XK thuỷ sản trong tháng 10 hồi phục gần tương đương cùng kỳ và tháng 11 tăng mạnh 23%, tăng với tất cả các sản phẩm chính và sang các thị trường chính.

Theo Lãnh đạo TCTS, năm 2022, ngành này đặt mục tiêu cơ bản giữ ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng thủy sản như so với ước thực hiện năm 2021. Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,73 triệu tấn, kim ngạch XK thủy sản đạt khoảng 8,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành thủy sản hiện cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngay tại thời điểm này, chúng ta đang khó khăn khi XK vào thị trường Trung Quốc khi nước này thực hiện chính sách "ZERO COVID".

Dẫn chứng về thách thức của ngành Thủy sản trong năm 2022, Phó Tổng thư ký VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, trong năm 2021, Ecuador đang có sự chuyển dịch rất lớn khi tăng thị phần ở EU, Mỹ và giảm ở Trung Quốc. "Đây là vấn đề hơi quan ngại ở góc độ của chúng ta. Bởi chúng ta đang có thế mạnh với khâu đó. Còn bây giờ Ecuador đã giảm tỷ lệ từ 53% xuống 45% tại Trung Quốc và tăng ở tổng 2 thị trường EU và Mỹ 46%. Rõ ràng chuyển dịch của họ trong năm COVID-19 sẽ tạo ra một cạnh tranh mới, giá thành sẽ liên quan đến vấn đề giống", ông Nam nói.

Đọc thêm