Theo nhiều doanh nghiệp (DN), từ tháng 1/2018 việc xuất khẩu (XK) thủy sản gặp nhiều khó khăn do Cơ quan Hải quan tại sân bay Tân Sơn Nhất yêu cầu các lô hàng thủy sản phải có giấy Chứng nhận kiểm dịch (CNKD) mới được thông quan.
Theo VASEP, trước đây, theo Quyết định 3408 ngày 20/12/2010 của Bộ NN&PTNT thì Giấy CNKD này sẽ do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cấp. Theo khoản 2, Điều 53, Luật Thú y 2015, động vật, sản phẩm động vật thủy sản có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch trước khi XK theo yêu cầu của nước nhập khẩu, của chủ hàng và trước khi nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải được kiểm dịch.
VASEP cho rằng, với quy định này, các lô hàng thủy sản XK cần có Giấy CNKD kèm theo nếu nước nhập khẩu hoặc chủ hàng có yêu cầu bắt buộc; còn với các nước không có yêu cầu bắt buộc và chủ hàng không yêu cầu thì các lô hàng thủy sản XK không nhất thiết phải có giấy này mới được phép thông quan.
Vì vậy, VASEP cho rằng chiếu theo quy định hiện hành thì chỉ có hai trường hợp lô hàng thủy sản XK phải có Giấy CNKD kèm theo; đó là trường hợp chủ hàng có yêu cầu và trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu Giấy CNKD. Theo VASEP, ở trường hợp đầu tiên, Cơ quan Hải quan có thể căn cứ trên yêu cầu được thể hiện trong các chứng từ kèm theo lô hàng (đơn đặt hàng, hợp đồng,…) để xác nhận chủ hàng có yêu cầu Giấy CNKD hay không ?
Với trường hợp còn lại thì cần căn cứ hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp để thực hiện. Theo VASEP, trước đây, dựa trên Pháp lệnh Thú y 2003 và Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/02/2010 của Bộ NN&PTNT quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản, NAFIQAD đã ban hành Công văn số 442 ngày 20/3/2014 thông báo 7 thị trường có yêu cầu phải cấp giấy CNKD. Nhưng hiện nay, hai văn bản trên đều hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Thú y 2015 và Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN&PTNT; đồng thời từ năm 2014 đến nay, các yêu cầu của các thị trường nhập khẩu cũng đã có nhiều thay đổi. Do đó, Công văn 442 hiện nay không còn hiệu lực.
VASEP cho biết, hiện Bộ NN&PTNT cũng chưa có quy định thị trường nào yêu cầu bắt buộc các lô hàng thủy sản XK phải có Giấy CNKD kèm theo. “Do đó, Cơ quan Hải quan (như Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất) không có căn cứ để xác định đối với thị trường XK nào thì lô hàng bắt buộc phải có Giấy CNKD kèm theo mới được XK. Điều này không chỉ chưa đúng với quy định hiện hành mà còn gây lãng phí về thời gian, chi phí, nhân lực… cho cả cơ quan hải quan và các DN do phải thực hiện thêm một thủ tục hành chính phát sinh”, Đại diện của DN chế biến và xuất khẩu thủy sản nêu quan điểm.
Để thực hiện đúng các quy định hiện hành, giúp DN giảm bớt chi phí và các thủ tục hành chính không đáng có, tạo thuận lợi cho các bên, VASEP đề nghị Cục Thú y sớm xem xét giải quyết giúp ngay các bất cập trên và tham mưu lãnh đạo Bộ NN&PTNT ban hành văn bản quy định thị trường nào có yêu cầu bắt buộc các lô hàng thủy sản XK phải có Giấy CNKD kèm theo.
Đáng lưu ý, XK thủy sản là mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp trong vài năm nay và kim ngạch ngành hàng này được kỳ vọng trong năm 2018 tiếp tục đạt mức trên 8,5 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị kim ngạch XK thủy sản mới đạt ở mức 2.088,9 triệu USD bằng 20,9% kế hoạch năm.
Bị áp thêm thuế
Không chỉ khó khăn về thủ tục xuất khẩu, một số DN thủy sản cho biết còn gặp vướng mắc khi bị áp thuế GTGT với hàng loạt loại phí. Theo đó, các loại phí cân bằng container (CIC), phí lệnh giao hàng (DO), phí vệ sinh container… lẽ ra không thuộc diện chịu thuế GTGT như cước tàu nhưng nhiều DN xuất khẩu thủy sản cho biết đang phải đóng loại thuế này ở mức 10%. Trước thực tế này, VASEP đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan kiến nghị sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các loại phí CIC, DO, vệ sinh container nhằm tạo thuận lợi và hỗ trợ DN trong hoạt động xuất nhập khẩu.