Xuất khẩu thủy sản thu về 730 triệu USD tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước tính đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 (Ảnh minh họa).
Tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước tính đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 (Ảnh minh họa).

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023.

Sau khi về đích năm 2023 ở mức 9,2 tỷ USD, bằng 92% mục tiêu đề ra từ đầu năm, ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD, tăng 3% so với 2023.

Theo dự báo của VASEP, năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 – 15% so với năm 2023, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.

Trong khi ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu có diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, những căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng thủy sản nói riêng khi cước vận chuyển tăng cao. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.

Tại cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình tại Biển Đỏ diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, căng thẳng Biển Đỏ đang là vấn đề quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu do chi phí vận chuyển tăng rất mạnh. Trong một tháng qua, tổng cước phí phải trả cho 1 container hàng vận chuyển đi Bờ Tây đã tăng 70%. Hàng đông lạnh xuất khẩu đi châu Âu đã tăng gần 4 lần. Căng thẳng ở Biển Đỏ cũng khiến thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài tới 14 ngày, khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.

Bên cạnh căng thẳng trên Biển Đỏ đầu năm 2024 khiến giá cước vận tải biển đi Hoa Kỳ tăng, mới đây, Hiệp hội Chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA) - một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Hoa Kỳ - đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc này, VASEP đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ đối với ngành tôm Việt Nam để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.