Chiều 28/2, khi những tấm thép mặt cầu cuối cùng được hàn gắn lại cũng là lúc cầu nối giữa hai bản Chu Va 6 và Chu Va 8 được khai thông sau nhiều ngày người dân mong mỏi. Hàng trăm bà con đồng bào Mông ở hai bản đau thương nhất vỡ òa trong niềm vui, sự xúc động khi cây cầu hoàn thành.
“Không khí tang tóc còn chưa vơi nhưng sự tận tâm, giúp đỡ của các các chiến sĩ tình nguyện và cán bộ địa phương làm chúng tôi cảm thấy phấn khởi. Họ làm việc miệt mài, không ngừng nghỉ cũng là niềm an ủi, động viên chúng tôi rất nhiều. Chưa bao giờ bà con hào hứng như lúc này”, ông Trang A Hạ, một người trực tiếp chứng kiến thời khắc cây cầu được hoàn thành chia sẻ.
Theo những người dân nơi đây, cuộc sống của họ hoàn toàn bị bị đảo lộn khi con đường độc đạo duy nhất bắc qua suối là cầu treo bị cắt đứt, cả bản bị cô lập. Nhà thì lo tang gia, nhà thì thay nhau chăm sóc người bệnh. Bà con cũng chỉ biết quanh quẩn ở trong làng, muốn đi xa cũng không thể mang xe máy ra khỏi làng được.
Ông Bùi Quang Vinh - Phó chủ tịch UBND huyện Tam Đường, người trực tiếp có mặt tại hiện trường cho biết, dự kiến cây cầu tạm dưới lòng suối cạnh sát cây cầu giây bị lật sẽ được thi công trong 5 ngày, nhưng để bà con không rơi vào tình trạng cô lập do "đứt mạch" giao thông, cầu đã được hoàn thành sớm hơn dự kiến.
Những học sinh “lánh nạn” được về nhà
Cũng là một trong những người đặt chân đầu tiên qua cầu, Hàng A Tòng vẫn còn nhớ như in những giây phút trong ngày 24/2 định mệnh ấy. May mắn thay anh chỉ bị một vết rách nhỏ khi rơi trúng một vũng nước nên phải khâu ở trán 7 mũi.
|
“Bà con nơi đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp và thảo quả. Vừa rồi, băng tuyết xảy ra liên tục khiến nhiều diện tích bị hỏng nên mất mùa. Hơn nữa lại xảy ra sự cố sập cầu khiến cho bà con càng thêm túng quẫn. Việc di chuyển chỉ bằng chân, đến hôm nay, có cầu mới vững chắc và an toàn cho bà con là chúng tôi yên tâm rồi”, ông Phong Vĩnh Cường - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bình cho biết.
Khi cây cầu hoàn thành cũng là lúc tốp học sinh đầu tiên trong bản Chu Va 6 từ trường Tiểu học Sơn Bình về nhà. Hôm nay là ngày cuối tuần, nhưng quan trọng hơn là các em đã được trở về sau vài ngày đi “lánh nạn”.
Ông Vương Ngọc Thương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Bình cho biết: “Số học sinh ở bản Chu Va 6 đang theo học tại Trường tiểu học xã Sơn Bình là khoảng 40 em, vì trong bản đã có điểm trường nhưng chỉ có từ lớp 1 đến lớp 3, còn lớp 4,5 thì theo học tại trường Tiểu học Sơn Bình. Trung bình mỗi khối có khoảng 20 học sinh của Chu Va 6 đang theo học”.
Vì địa hình miền núi phức tạp nên cây cầu tạm này không đảm bảo an toàn khi có những hiện tượng thời tiết bất thường như lũ ống, lũ quét. Về lâu dài vẫn cần phải có một cây cầu bắc trên cao kiên cố hơn.