“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Thời gian vừa qua, nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành nhằm hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển; Hệ thống cơ quan xúc tiến du lịch từ trung ương đến địa phương cũng đã được thành lập với 58/63 địa phương có bộ phận chuyên trách về xúc tiến du lịch…
Tuy nhiên, theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường - Tổng cục Du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch vẫn còn rất nhiều bất cập. Trong đó đáng lo ngại nhất là việc nghiên cứu, định hướng thị trường vẫn chưa gắn với thực tế, không bám sát các phân khúc thị trường mục tiêu. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu thông tin không nhất quán, chưa cập nhật thường xuyên các dự báo, xu hướng thay đổi của thị trường để có những điều chỉnh phù hợp.
Tuy 3 tháng đầu năm du lịch Việt Nam đạt được mốc 4,2 triệu khách nhưng ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng phải thừa nhận công tác xúc tiến du lịch vẫn rất kém hiệu quả. “Chúng ta mới chỉ đi ở những bước đầu, việc tổ chức các gian hàng du lịch Việt Nam tại các hội chợ du lịch còn nhiều hạn chế. Hình ảnh hiện diện gian hàng quốc gia chưa ổn định, thông điệp chưa rõ ràng…” – ông Siêu nói.
Cũng theo ông Siêu, kinh phí cho xúc tiến du lịch hiện nay rất ít ỏi (mỗi năm 30-40 tỉ đồng ở trung ương, các địa phương hầu như rất thấp) đã không đủ để tạo ra những chương trình xúc tiến hiệu quả. Nguyên nhân được chỉ ra là thiếu tiền và thủ tục hành chính rườm rà. Ngành du lịch nói rằng, có một thực tế các địa phương, doanh nghiệp đều mong tổng cục có kế hoạch xúc tiến đầu tư sớm nhưng để có nguồn lực lại phải qua các thủ tục của Bộ Tài chính. “Chúng tôi muốn xây kế hoạch từ nay cho đến tháng 10 năm sau nhưng câu chuyện ở đây là kinh phí” - ông Đức phàn nàn.
Không chỉ trung ương, đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh cũng cho biết, việc xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế khi không có sự đồng bộ, nhất quán, không có sự xuyên xuốt cho xúc tiến du lịch quốc gia. Phần lớn tại các gian hàng du lịch Việt Nam tại các hội chợ du lịch nước ngoài, không có bóng dáng đầu tàu của Tổng cục Du lịch. “Tất nhiên mỗi địa phương đều phải có chiến lược phát triển riêng, nhưng không thể để địa phương riêng, Tổng cục Du lịch riêng mà phải có sự nhất quán, đồng nhất và xuyên suốt” – đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh nói.
Thay đổi theo hướng nào?
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, muốn xúc tiến hiệu quả như các nước thì cần biết đâu là thị trường trọng điểm và họ muốn gì. “Làm xúc tiến trước hết phải làm sản phẩm, ngoài ra trong vòng 5 năm phải có sản phẩm mới thì mới có thể giữ được khách cũ và có khách mới” - ông Thọ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thọ, trong thời đại công nghệ 4.0, nên tận dụng mạng xã hội để giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam tươi đẹp, điều đó sẽ tạo nên sự lan tỏa vô cùng lớn. Tripadvisor có 60 triệu thành viên, Alibaba có tới 6 triệu lượt truy cập - kênh cơ bản để hút khách du lịch - nhưng chúng ta gần như đang bỏ trống hoàn toàn.
Đồng ý quan điểm này, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, muốn du lịch tăng trưởng tốt thì việc quan trọng là phải cơ cấu lại định hướng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường còn dư địa và có khả năng tăng trưởng mạnh trong những năm tới.
“Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ đổi mới cả về nội dung và phương thức tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch. Điều chỉnh các phương thức, công cụ xúc tiến, quảng bá du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả; ưu tiên các công cụ tác động nhanh, trực tiếp, chi phi thấp. Nghiên cứu, tổ chức một số chương trình xúc tiến quảng bá du lịch tổng thể tại một số thị trường trọng điểm, tạo cú hích mạnh mẽ” - ông Siêu nói.
Nói về những loay hoay câu chuyện xúc tiến quảng bá du lịch, chuyên gia chiến lược marketing – TS.Lê Quốc Vinh chia sẻ câu chuyện rất thực tế của Vietnam Airlines (VNA). Theo ông Vinh, doanh nghiệp này đã thuê hẳn một công ty chuyên nghiên cứu thị trường để nghiên cứu từng thị trường mà VNA muốn hướng tới. Nghiên cứu đã đo được chỉ số nhận biết thương hiệu của VNA ở mỗi thị trường đó, từ đó thay đổi cách nhận thức để quảng bá thương hiệu. “Nhờ vậy mà họ lọt vào Top 10 thương hiệu doanh nghiệp mạnh nhất Việt Nam. Du lịch Việt Nam theo tôi có khi cũng nên làm như vậy” - ông Vinh khuyến nghị.