Xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng thế nào tới PVN?

(PLVN) - Tại Tọa đàm "Xung đột Nga - Ukraine: Dự báo biến động và giải pháp quản trị của PVN", Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đánh giá, với PVN, Nga là đối tác truyền thống về khai thác dầu khí. Xung đột Nga - Ukraine có những ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Ảnh minh họa

PVN “họp thông” ba ngày

“Xung đột kéo dài dẫn đến nhiều rủi ro cho hoạt động đầu tư của PVN”, ông Lê Mạnh Hùng đánh giá và cho biết, Ban Tổng Giám đốc PVN đã “họp thông” 3 ngày liền bàn về nhiều vấn đề mà đơn vị này đang phải đối mặt.

Theo quan sát của PLVN, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, lãnh đạo PVN luôn quan tâm, theo dõi, cập nhật sát sao mọi diễn biến thông qua việc tổ chức nhiều cuộc họp, các buổi tọa đàm cùng các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhằm nhận định những ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN, qua đó tăng cường công tác dự báo, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với khủng hoảng chính trị và giá dầu.

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, hiện nay PVN đang khai thác dầu khí tại Nga 1,8 triệu tấn dầu/năm. Tại Việt Nam, cùng với Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), Liên danh Việt - Nga Vietsovpetro là đơn vị khai thác dầu khí chủ lực của PVN.

Tại buổi tọa đàm nói trên, ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Nga có nguồn năng lượng lớn nhất thế giới, chiếm tới 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và 34% trữ lượng khí đốt thế giới đã được phát hiện. Nước Nga sản xuất 10% lượng dầu toàn cầu, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dầu mỏ, đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt, cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu.

“Một trong các hệ lụy rõ nhất là giá năng lượng và lạm phát cao, làm giảm hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia” - ông Vinh đánh giá.

Nguy cơ lạm phát do giá dầu cao

Cũng theo ông Phạm Quang Vinh, trước tình hình hiện nay, có xu hướng nhiều tập đoàn, công ty lớn rút khỏi nước Nga. Đồng thời, các nước châu Âu bị tác động mạnh mẽ về lĩnh vực kinh tế và kéo theo nhiều quốc gia đối tác. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, tham gia sâu rộng vào thị trường thương mại tự do trong thời gian qua, Việt Nam nên hài hòa lợi ích giữa các bên và bảo vệ lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.

Theo TS Võ Trí Thành, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, kinh tế - xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu. Giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.

Ông Thành cho rằng xung đột trên có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, song trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước có thể chịu tác động của lạm phát khi giá dầu lên quá cao từ cuộc chiến kéo dài.

Nói về sự tác động trực tiếp đến PVN, theo ông Thành, mặc dù giá dầu tăng hỗ trợ cho hoạt động dầu khí nhưng cũng đem lại rủi ro do thị trường biến động nhanh, khó dự báo; chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến tiêu thụ, tác động đan xen đến nhiều lĩnh vực của PVN. Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, PVN cần tiếp tục tăng cường giải pháp quản trị biến động, quản trị rủi ro, cập nhật đánh giá tình hình khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine để điều hành kịp thời với thực tiễn; cập nhật, dự báo tình hình thị trường: giá cả, cung - cầu, tồn kho với từng sản phẩm, lĩnh vực hoạt động…

Gợi ý một số giải pháp để PVN thích ứng trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khuyến nghị, PVN cần tiếp tục xây dựng các kịch bản với giá xăng dầu khác nhau, giải pháp đối với các dự án dầu khí hợp tác, triển khai với Nga. Tìm nguồn thay thế, đa dạng hóa nguồn cung, ngoại tệ thanh toán. Chuyên gia cũng lưu ý Tập đoàn đẩy mạnh công tác Chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới, thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro (tỷ giá, giá dầu khí, lãi suất...).

Đọc thêm