Xung quanh việc thanh tra gói thầu HW217-11-1: Tường trình từ quốc lộ 217

(PLO) - Nghe chuyện bà con mà nhói lòng. Cầm tờ báo còn thơm mùi mực trên tay mà không dám biếu. Trong lúc người ta cám cảnh như thế, chẳng nhẽ lại cho biết chuyện rằng đang  có “lùm xùm” quanh việc đấu thầu nâng cấp tuyến đường này, rằng tiền nong “sấp ngửa” lên đến cả triệu đô – la.
“Lái xe trên tuyến đường này không khéo là lao xuống vực như chơi. Đường thì chỉ đủ cho một xe đi, nếu gặp xe đối diện thì tránh nhau rất khó, tránh không chọn đúng chỗ thì coi như bị sa lầy, ách tắc cả vài ngày trời chờ xe khác lên sang hàng. Tiếng là quốc lộ nối với cửa khẩu quốc tế nhưng hỏng hết rồi” – tài xế tên Hiểu ngán ngẩm.
Tránh một chiếc xe ngược chiều, xe anh Hiểu sa xuống bùn lầy và suýt bị lật nếu không tựa lưng được vào vách núi. Tên đầy đủ là Dương Văn Hiểu, tài xế này  tự nhận chạy hàng nông sản tuyến TP.Thanh Hóa – Cửa khẩu Nà Meo cũng “xếp vào hạng dày dạn”, nhưng “sự cố trên tuyến này thì khó ai mà tránh khỏi”.
Tránh xe ngược chiều, xe anh Hiểu suýt lật nghiêng 
Nhói lòng nghe chuyện bà con
Chúng tôi ngược quốc lộ 217 giữa những ngày giá rét. Quốc lộ 217 là tuyến đường huyết mạch để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện miền núi phía tây Thanh Hóa. Không những vậy, đây còn là cửa ngõ thông thương đối với nước bạn Lào, tạo động lực phát triển kinh tế của cả tiểu vùng Mê Kông. Kể từ khi tuyến đường này được mở ra, đời sống người dân nơi đây đã bớt phần lam lũ. Thế nhưng, đường đang xuống cấp trầm trọng và giao thông hết sức khó khăn.
“Các chú thấy đó, đường sá hư hỏng như thế này thì xe cộ đi sao được. Xe cộ không đi được, giao thương bị ách tắc, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ nên cuộc sống người dân chúng tôi vẫn còn gặp vô vàn khó khăn. Muốn dân ra bám mặt đường để làm ăn thì đường sá phải tốt chứ, đường như thế này thì chẳng có ai ra kinh doanh buôn bán là phải rồi. Từ nhiều năm nay, cuộc sống của chúng tôi tuy có khá hơn một chút nhưng để làm giàu thì chẳng biết đến bao giờ. Con cái phải đi làm ăn xa, trong khi ở quê hương có rất nhiều việc làm, nhưng rồi nghèo vẫn hoàn nghèo” -  ông Lương Văn Hải, người dân xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước ngậm ngùi chia sẻ với phóng viên.
Còn  anh Lương Văn Được, ở xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn cho biết, nhà  nằm ngay bên đường quốc lộ, nhưng do là một xã miền núi nên gia đình cũng chẳng làm ăn, buôn bán được gì ngoài làm nông, đến mùa luồng thì đi làm luồng thuê, làm nứa nan, ngày kiếm khoảng trăm ngàn đồng. 
“Buôn bán ế ẩm, bán được hàng thì họ nợ đến cả năm chú à. Dân không có tiền, họ đến mua hàng của mình, mình không bán sao được. Để họ nợ cả năm trời, có khi đi hỏi nhẵn cổng vẫn chưa lấy được. Đến mùa đi làm luồng, nan nứa, nan vầu thì họ đi, được vài triệu đồng, chi tiêu trong gia đình còn chưa đủ, lấy đâu ra mà để dành được. Dọc tuyến quốc lộ này chú thấy những nhà buôn bán như tôi đó, chỉ xây được cái nhà cấp 4 hoặc nhà sàn từ ngày xưa để lại chứ lấy tiền đâu mà làm nhà mới cao to” - anh Lương Văn Đào, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn tâm sự. 
Nghe chuyện của bà con mà nhói lòng, cầm tờ báo còn thơm mùi mực trên tay nhưng không dám biếu. Trong lúc người ta cám cảnh như thế, chẳng nhẽ lại cho biết chuyện rằng đang  có “lùm xùm” quanh việc đấu thầu nâng cấp tuyến đường này, rằng tiền nong “sấp ngửa” lên đến cả triệu đô – la.
Đủ thứ “sống trâu”, “ổ gà” trên mặt quốc lộ 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Đình Múi – Bí thư Huyện ủy huyện Quan Sơn bộc bạch: “Quan Sơn là huyện được thụ hưởng nhiều nhất từ quốc lộ 217, với gần 100km đường chạy qua. Quốc lộ chạy qua sẽ có tác động rất tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và điều đó thì cũng đã thấy rõ. Người dân Quan Sơn chủ yếu phát triển về rừng, mỗi năm thu hoạch hàng trăm nghìn tấn luồng, sắn, ngô…, đó là chưa kể đến lượng khoáng sản rất đáng kể. Tuy nhiên, quốc lộ  217 đã xuống cấp, việc đi lại tuy có thuận lợi hơn trước đây nhưng về mặt giao thương hàng hóa giữa Việt Nam - Lào và các nước thứ ba thì còn nhiều trở ngại. Đường xấu, thời gian đi lại kéo dài, rủi ro lớn buộc giá thành phải đội lên cao sẽ không có lợi cho cả doanh nghiệp và nhân dân”.
Hành trình của chúng tôi dừng lại tại Cửa khẩu Na Mèo. Tiếp phóng viên, ông Lê Xuân Sinh – Chi cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu Na Mèo cho biết, số thu ngân sách hàng năm chỉ được hơn 4 tỷ đồng. Lý do là cửa khẩu mới được xây dựng, lượng phương tiện qua lại giữa hai nước Việt Nam và Lào đang còn hạn chế. “Mỗi ngày chỉ khoảng 20 xe, hàng hóa chủ yếu là nông sản, vật liệu xây dựng, khoáng sản…, những mặt hàng này chủ yếu là hàng không phải đánh thuế” – ông Sinh trình bày.
Chiều đã muộn. Ngoảnh nhìn con đường vừa đi qua như sợi chỉ giữa trùng điệp núi rừng, câu chuyện chợt ngắt quãng, không ai nói một lời. Thấy thương anh tài xế xe tải, không biết lúc nào lại có thể lên đường, gọi điện thoại hỏi thăm mà chỉ thấy tò tí te. Không chỉ anh Hiểu, anh Hải, anh Được, anh Đào hay Bí thư Múi, nguyện vọng nâng cấp, mở rộng con đường 217 có lẽ là nguyện vọng chung của cả quê hương miền Tây Thanh Hóa còn nhiều khó khăn này. 
Ông bạn đồng hành rũ bụi đường bạc trắng trên vạt áo, nói xanh rờn: “Giá tui mà là Bộ trưởng Giao thông, sẽ cho mấy cha PMU này, PMU nọ luân chuyển hết về địa phương, mắc võng nằm với dân Quan Sơn mấy đêm giữa rừng, hẳn về nhà sẽ biết tiếc tiền dân”.
Thủ tướng yêu cầu ngành Giao thông thực hiện tốt công tác thanh tra, kịp thời chấn chỉnh sai phạm
Sáng ngày 9/1, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014. 
Đến dự và phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành GTVT cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, trước hết là hoàn thiện thể chế; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó kịp thời chấn chỉnh sai phạm; đề ra hoặc bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn; xây dựng, bổ sung cơ chế chính sách đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông; các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút mạnh hơn nữa nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Năm 2013, ngành GTVT đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là làm tốt và hoàn thành chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án; tập trung triển khai các dự án xây dựng hạ tầng giao thông; tăng cường kiểm tra vận tải hành khách, hàng hóa; giảm tai nạn giao thông... Tuy vậy, trong năm ngành cũng để xẩy ra không ít sự cố, sai phạm, làm ảnh hưởng đến bức tranh chung.
V.Hưng

Đọc thêm