Xung quanh vụ “cố ý làm trái…” ở Sabeco: Phương pháp tính giá được hiểu khác nhau?

Cuối tháng 12/2011, Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng (C48) Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn vào năm 2005 – 2010. Hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau về phương pháp tính giá mà DN này thực hiện đối với các giao dịch mua malt bia trong giai đoạn nói trên.

Cuối tháng 12/2011, Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng (C48) Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn vào năm 2005 – 2010. Hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau về phương pháp tính giá mà DN này thực hiện đối với các giao dịch mua malt bia trong giai đoạn nói trên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cơ quan CSĐT : “Có dấu hiệu tội cố ý làm trái “

Trong Quyết định khởi tố vụ án số 01/C48 (P3) ngày 20/12/2011 do Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an ký, việc khởi tố vụ án căn cứ đơn thư tố giác tội phạm của một số cán bộ Tổng cty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đồng thời căn cứ các Kết luận thanh tra số 161/KT-TTr ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính, số 11153/KL-BCT ngày 6/11/2009 và 207/KL-BCT ngày 23/8/2010 của Bộ Công Thương, số 1305/KT-TTCP ngày 27/5/2011 của Thanh tra Chính phủ. 

Theo C48, tài liệu xác minh, thu thập của Cơ quan CSĐT Bộ Công an thể hiện, từ năm 2005 – 2010, một số cán bộ của Sabeco biết mua malt (nguyên liệu quan trọng để sản xuất bia) sản xuất trong nước không có các khoản chi phí khác như mua hàng của nhà cung cấp nước ngoài nhưng khi thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng vẫn chi các khoản chi phí khác trái quy định cho Cty cổ phần Đường Man và Cty cổ phần tập đoàn đầu tư và thương mại Thanh Tùng gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước. Vì thế, cơ quan CSĐT cho rằng có dấu hiệu tội phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.

Về các giao dịch này, cụ thể ngày 28/3/2005, Sabeco kí Hợp đồng số 18-2005/DM-BSG, mua của Cty Đường Man 5.870 tấn malt với giá 7.200.000 đồng/tấn (có VAT). Sau đó, hai bên kí Phụ kiện hợp đồng số 01/PK, giảm giá mua malt xuống còn 393,19 USD/tấn, tính theo công thức: Giá CIF + Thuế nhập khẩu 5% + Chi phí giao nhận, vận chuyển.

Các hợp đồng mua malt của Cty Đường Man: Số 05/DUONG/BSG 06 ngày 31/12/2005, số lượng mua 2.000 tấn malt, với giá 5.800.000 đồng/tấn; số 31/HĐ-MH ngày 15/1/2009, số lượng 25.000 tấn malt, với giá 731,599 USD/tấn; số 583/HĐ-MH ngày 25/12/2009, số lượng 25.000 tấn malt, với giá 529,056 USD/tấn. Hợp đồng mua malt của Cty Thanh Tùng số 03/2008-TTG/SGB ngày 6-5-2008, số lượng 10.000 tấn, giá 940 USD/tấn.  Như vậy, từ năm 2005 - 2010, Sabeco kí 5 hợp đồng mua malt trong nước, trong đó kí với Cty Đường Man 4 hợp đồng, với Cty Thanh Tùng 1 hợp đồng.

Và nhiều ý kiến khác nhau

Kết luận giám định tư pháp của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) theo trưng cầu của cơ quan điều tra, cho rằng, theo QĐ số 06/2005/QĐ-BTC và Thông tư số 154/2010/TT-BTC, việc đưa yếu tố 5% thuế nhập khẩu vào giá để thương thảo, là nằm trong công thức tính giá tham chiếu làm cơ sở để kí kết hợp đồng.

Các văn bản nói trên có hướng dẫn việc tính giá hàng hóa bằng phương pháp so sánh với giá của hàng hóa nhập khẩu cùng loại hoặc tương tự, theo đó giá bán hàng nhập khẩu được tính bằng: Giá mua tại cửa khẩu (Giá CIF) (+) các loại thuế (Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… nếu có) (+) chi phí bằng tiền khác theo quy định (+) thuế giá trị gia tăng (nếu có).

Giám định viên của Bộ Tài chính nhận thấy việc Sabeco và bên bán thực hiện thương thảo, xác định giá mua malt sản xuất trong nước bằng phương pháp so sánh với giá bán của malt nhập khẩu là tương tự như phương pháp so sánh được quy định tại Quyết định 06/2005/QĐ-BTC và Thông tư số 154/2010/TT-BTC.

Giám định viên nhận định, chưa có đủ căn cứ kết luận việc Sabeco thương thảo, ký 5 hợp đồng mua malt sản xuất trong nước với bên bán là Cty Đường Man, Cty Thanh Tùng và chấp nhận thanh toán cho bên bán theo giá được xác định trong hợp đồng bằng cách so sánh với giá malt nhập khẩu (giá so sánh), trong đó thuế nhập khẩu là 1 yếu tố cấu thành giá so sánh, là trái với quy định của Pháp lệnh giá, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), trong văn bản báo cáo Bộ trưởng xung quanh vấn đề này, cũng cho rằng giá mua malt của Cty Đường Man được xác định là giá mua hàng tại kho của Sabeco. Vì vậy, nguyên tắc xác định giá mua malt của Cty Đường Man mà hai bên thực hiện là hợp lý với chính sách về thuế nhập khẩu của Nhà nước nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và không có nghĩa là Sabeco chuyển thuế nhập khẩu cho Cty Đường Man và gây thất thoát thuế nhập khẩu cho Nhà nước.

Bách Nguyễn

Đọc thêm