Xuôi theo dòng chảy đại dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa hè sắp đến, giữa cái nóng oi bức, ánh mặt trời gay gắt còn gì tuyệt vời hơn khi được ngâm mình dưới dòng nước biển mát lạnh. Hiện nay, có rất nhiều bộ môn như lặn tự do (freedive), bơi open water (bơi ngoài trời), lặn bình khí (lặn scuba), chèo sub, kayak... đang được nhiều người yêu các môn thể thao dưới nước lựa chọn.
Khi bơi, lặn ở biển cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. (Ảnh: PV)
Khi bơi, lặn ở biển cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. (Ảnh: PV)

Tận hưởng vẻ đẹp của mẹ thiên nhiên

Trong con người chiếm đến hơn 70% cơ thể là nước, từ khi sinh ra, nước đã là một phần không thể thiếu để duy trì sự sống của con người. Dưới dòng nước bao la, bí ẩn, điệp trùng sóng vỗ luôn khơi gợi lên sự tò mò khám phá, chinh phục của mỗi người. Vì vậy, hiện nay, có không ít những bộ môn dưới nước được ưa chuộng. Như bơi open water (bơi nước mở) được những người có kỹ năng bơi lội tốt, đam mê bơi đường trường (cự li dài) lựa chọn. Hay một số bộ môn thể thao mạo hiểm như lặn tự do (freedive), lặn bình khí (lặn scuba) đang được giới trẻ liên tục đầu tư học lên đến cả chục triệu, thậm chí cả trăm triệu để thuần thục các kỹ năng. Một bộ môn khác dễ chơi hơn là chèo thuyền kayak, sub cũng thường đường các tour du lịch biển tổ chức ở các vịnh, đảo lặng gió, có dòng chảy êm, thiên nhiên hùng vĩ.

Nguyễn Thu Hằng (28 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) chia sẻ, lặn tự do (freedive) cũng giống như một phương pháp thiền định. Khi lặn, người học đòi hỏi phải thư giãn, thả lỏng toàn bộ cơ thể để đạt đến giới hạn nhịn thở lâu nhất, xuống sâu nhất. Cô cho biết, trước khi đi lặn ngoài biển, cô đã có cả một năm học tập, thực hành lặn ở các bể trong nhà. Hằng chia sẻ một số kỹ năng cơ bản người học phải biết là cân bằng tai (không bị đau tai khi xuống độ sâu từ 5 - 10m), kỹ năng sử dụng đồ lặn như đạp fins (một loại chân vịt dùng trong lặn), sử dụng ống thở, bơi lội, cứu hộ...

Thu Hằng cho biết, bên dưới đại dương là một thế giới hoàn toàn khác, khi người lặn chìm đắm vào khung cảnh thiên xanh ngắt, với đàn cá tung tăng bơi lội, cụm san hô đầy màu sắc: “Nếu như ở các bảo tàng chúng ta chỉ được nhìn thấy mẫu vật, trong thủy cung người xem nhìn sinh vật qua những tấm kính, thì khi lặn tự do tôi hòa mình vào biển cả, về với gia đình thứ hai. Tôi bơi theo đàn cá, khám phá những loài san hô đủ màu sắc, uốn lượn theo dòng chảy của nước”.

Lê Ngọc Anh (29 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) cho biết, mình có sở thích đặc biệt với các môn thể thao dưới nước. Cô có kỹ năng bơi tốt, bài bản, có thể bơi liên tục từ 2 - 5km không cần nghỉ ngơi sau nhiều năm luyện tập. Chính vì vậy, Ngọc Anh rất thích bơi biển, hè năm nào cô cũng tới những bãi biển đẹp như Nha Trang, Phú Quốc, Phú Yên, Cát Bà, Cô Tô để bơi. Cô chia sẻ: “Tôi được học bơi từ bé, tôi cũng rất thích bơi lội. Mùa hè, tôi đi biển ba đến bốn lần để bơi những cung đường gần gũi thiên nhiên, mặn mòi mùi muối biển. Còn vào mùa đông, tôi sẽ chờ đến những kỳ nghỉ lễ đặt vé máy bay đến những bãi biển ở trong nam, hoặc tại các nước nhiệt đới thuộc khu vực Đông Nam Á, kết hợp nghỉ dưỡng cùng gia đình và bơi lội”.

Ngọc Anh rất thích tham gia các giải bơi lội phong trào được tổ chức tại các tỉnh, địa phương. Cô chia sẻ: “Thông thường, vào các dịp đi nghỉ mát, tôi sẽ bơi đi bơi lại trong khu vực an toàn được các bãi tắm chăng dây, có người cứu hộ. Tuy nhiên, đường bơi khá ngắn, chỉ khoảng 1 - 2km. Ngược lại, bơi trong các giải phong trào, có đội cứu hộ, ban tổ chức, người hướng dẫn chuyên nghiệp, tôi được bơi dài hơn với các cự li từ 5 - 10km”.

Bơi lội có vai trò như một bài tập toàn thân giúp thư giãn các cơ bắp và giảm đau cơ thể. Bơi sẽ hỗ trợ thư giãn các cơ ở các vùng cổ hoặc lưng và đau cơ bắp khác. Bơi vừa giúp cho cô tập luyện sức mạnh cho lưng, đồng thời làm giảm các căng thẳng đang xuất hiện ở khu vực như tay, cổ, chân, lưng,...

Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy các bộ môn thể thao hoạt động ở dưới nước đem lại những lợi ích tích cực. Ví dụ, lặn biển giúp người tập tăng khả năng nhạy bén và linh hoạt của cơ thể trong nhiều tình huống khác nhau. Khi tham gia lặn biển, cường độ vận động liên tục dưới nước là yếu tố thúc đẩy cơ thể linh hoạt hơn, điều phối hơi thở ổn định để duy trì trạng thái cân bằng,… Do đó, nếu theo đuổi bộ môn này, người tập sẽ nhận thấy bản thân nhanh nhẹn, linh hoạt hơn không chỉ về hành động mà còn cả suy nghĩ, tư duy.

Nghiên cứu Tim mạch thành phố Copenhagen ở Đan Mạch đã liệt kê 8 bài tập thể dục giúp kéo dài tuổi thọ và chỉ ra bài tập giúp tăng gần 10 năm tuổi thọ. Kết quả của nghiên cứu cũng được công bố trên tạp chí y khoa Sciencedirect. Nghiên cứu được thực hiện trên 8.577 người ở Copenhagen, trong độ tuổi từ 20 - 93. Các nhà nghiên cứu đã phân tích loại hình, thói quen tập thể dục và theo dõi tình trạng sức khỏe của người tham gia nghiên cứu trong 25 năm. Kết quả cho thấy bộ môn bơi lội có thể giúp tăng thêm 3, 4 năm tuổi thọ.

Chơi thể thao an toàn và khoa học

Mặc dù các bộ môn thể thao dưới nước đem lại nhiều lợi ích cho người tham gia, tuy nhiên, người chơi cần phải cẩn thận để tự bảo đảm an toàn cho bản thân. Thực tế, đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra cho người chơi những bộ môn này như bị dòng biển cuốn, đuối nước, thiếu oxy...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã có Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trang thiết bị sử dụng tại cơ sở hoạt động môn Lặn biển thể thao. Quy chuẩn quy định, vùng hoạt động lặn biển được xác định là vùng biển được chính quyền hành chính quy định mà trong đó ít nhất phải xác định được các yếu tố dưới đây: 1) Độ sâu quanh vùng hoạt động; 2) Dòng chảy quanh vùng hoạt động; 3) Các chướng ngại vật quanh vùng hoạt động; 4) Các sai khác của vùng hoạt động; 5) Mật độ tàu thuyền lưu thông trên mặt nước; 6) Việc xả chất thải lên mặt nước; 7) Khoảng cách đến bờ.

Ngoài ra, khi chơi môn lặn tự do hoặc lặn bình khí scuba, người chơi cần phải tham gia các khóa đào tạo uy tín để có những kiến thức cơ bản. Như kiến thức cân bằng tai, sử dụng fins lặn biển, static (luyện nhịn thở). Hay khi tham gia hoạt động lặn bình khí (lặn scuba) người chơi phải học cách sử dụng các dụng cụ an toàn.

Tại một số nước trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã có các quy định người lặn phải có chứng chỉ lặn mới được tham gia bộ môn này, nhằm bảo đảm an toàn cho người chơi.

Còn đối với những môn như bơi ngoài trời cự li dài, người chơi bắt buộc phải mang theo phao open water (một loại phao chuyên dụng bảo đảm an toàn cho người bơi). Thông thường đi kèm với những đội bơi ngoài trời sẽ có những thuyền sub hỗ trợ, dây phao dẫn đường, theo dõi ở bên cạnh. Phần lớn các giải thi đấu phong trào ở Việt Nam như Aquaman, Oceanman,... hiện nay đang áp dụng những cách này giúp người bơi an toàn về đích trong môi trường biển, hồ rộng lớn, bao la.

Một bộ môn khác là chèo thuyền kayak được phổ biến hơn ở các khu du lịch biển tại Việt Nam. Đây là một môn tương đối dễ chơi, an toàn. Tuy nhiên, khi chèo thuyền người chơi cần phải lưu ý các điều kiện thời tiết cũng như nhiệt độ nước. Chèo kayak trong những vùng nước động hay mưa bão là một lựa chọn vô cùng sai lầm. Du khách cũng nên mặc quần áo phù hợp với thời tiết nhằm giữ ấm hay chống nắng, cẩn thận với những cơn gió ngoài khơi gây khó khăn cho việc quay trở lại bờ. Luôn luôn tuân theo các quy tắc chèo thuyền của khu vực quy định. Không sử dụng rượu hoặc thuốc có tác dụng phụ khi chèo thuyền. Không bao giờ vượt quá khả năng tải trọng của thuyền và luôn kiểm tra thiết bị của bạn xem có hao mòn trước khi chèo không. Quan trọng nhất, luôn có đầy đủ đồ bảo hộ. Các quy định của Cảnh sát biển yêu cầu tất cả các thuyền kayak đều có áo phao trên tàu. Mặc áo phao sẽ giúp giữ cho đầu của bạn ở trên mặt nước và lớp cách nhiệt sẽ giữ cho bạn ấm hơn trong nước lạnh.

Đọc thêm