Xương máu đồng đội, không dính dáng đến tiền

(PLO) - Suốt 30 năm qua, ông Phạm Ngọc Tuấn (71 tuổi, ngụ kiệt 41, đường Phạm Thị Liên, phường Kim Long,  TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) bỏ tiền túi của mình lặn lội khắp chiến trường xưa đi tìm hài cốt liệt sĩ. Với ông, xương máu đồng đội không thể dính dáng đến tiền.
Lễ truy điệu hài cốt liệt sĩ
Lễ truy điệu hài cốt liệt sĩ
“Cuộc chiến mới” trong thời bình
Sinh ra và lớn lên ở TP. Hải Phòng, cậu bé Tuấn mới 10 tuổi đã đảm nhận công tác liên lạc cho bộ đội. Năm 17 tuổi nhập ngũ, chàng trai trở thành lính trinh sát, đặc công tinh nhuệ. Năm 1963, ông tham gia chiến trường Trị Thiên, thuộc trung đoàn 6 Phú Xuân. 
Có mặt ở 50 cuộc chiếc đấu ác liệt, lập nhiều chiến công, từ một chiến sĩ trinh sát, ông trở thành Tiểu đoàn trưởng quân cảnh Thành nội Huế. Năm 1969, ông là một trong những Dũng sĩ diệt Mỹ được ra Thủ đô Hà Nội gặp Bác Hồ. 
Năm 1986, nghỉ hưu rồi sinh sống tại Huế cùng gia đình, ông cùng vợ lao vào cuộc mưu sinh cho đến một ngày gặp một người vác ba lô con cóc lang thang dò tìm thông tin mộ liệt sĩ, khởi đầu hành trình gian nan đi tìm mộ liệt sĩ suốt 30 năm qua. 
Ông Tuấn (ngoài cùng bên trái) trong một lần đi tìm mộ liệt sĩ
 Ông Tuấn (ngoài cùng bên trái) trong một lần đi tìm mộ liệt sĩ
Căn nhà nhỏ của ông nằm cuối hẻm đường Phạm Thị Liên nhiều năm nay là địa chỉ tìm đến của hàng nghìn thân nhân đi tìm mộ liệt sĩ. Những tấm huân chương đã nhuốm màu thời gian được ông Tuấn gìn giữ cẩn thận và treo trang trọng cạnh bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Người lính già có khuôn mặt trầm tư bắt đầu câu chuyện: “Tôi may mắn được đồng đội bảo vệ nên còn sống sót trở về sau chiến tranh. Còn họ đã mãi mãi ngã xuống ở tuổi đôi mươi”.
Năm 1986, ông Tuấn bắt đầu hành trình đi tìm mộ liệt sĩ tình cờ từ một câu chuyện: “Hôm đó tôi thấy hai người đeo ba lô con cóc dừng chân ven đường ngồi nghỉ. Trong lòng như có một điều gì đó rất lạ thúc giục tôi đến gần bên họ. Nói chuyện hồi lâu tôi biết được họ là những thân nhân của các liệt sĩ đang tìm về chiến trường xưa để tìm hài cốt. 
Cả đêm đó tôi trằn trọc mãi không thể ngủ được, bao kí ức ùa về. Tự nhiên tôi nhớ đến cặn kẽ từng trận đánh ác liệt, nhớ giây phút đồng đội anh dũng hi sinh… Bây giờ xương máu đồng đội vẫn nằm lạnh lẽo đâu đó trên chiến trường, chưa được về đoàn tụ với người thân. Ruột gan tôi cồn cào”. 
Ông bắt đầu một “cuộc chiến” mới với chính bản thân mình, hành trình đi tìm hài cốt đồng đội.
Tìm được mộ liệt sĩ không dễ bởi phải lội vào rừng thiêng nước độc, đối mặt với nhiều hiểm nguy. Trước khi bắt đầu một cuộc tìm kiếm, ông Tuấn đã chuẩn bị kĩ càng hồ sơ, ảnh, bản đồ, văn bản các loại… mà ông đã lưu giữ tìm kiếm cẩn thận. 
Ông Tuấn bên những giấy tờ sổ sách… lần tìm thông tin mộ liệt sĩ
 
Ông Tuấn bên những giấy tờ sổ sách… lần tìm thông tin mộ liệt sĩ
“Tôi nguyên là lính đặc công, vào sinh ra tử nhiều trận nên nắm khá rõ một số trường hợp hi sinh. Thời gian làm công tác chính sách ở trung đoàn, tôi được tiếp cận nhiều hồ sơ nên thông tin về liệt sĩ có được nhiều hơn”, ông lý giải. 
Khi đã có đầy đủ thông tin, ông Tuấn phải đi thẩm định nhiều lần để tìm ra chính xác vị trí mộ. Có những trường hợp mất công đi hỏi nhân chứng đến hơn chục lần nhưng vẫn tìm chưa ra. 
Hễ nghe được nơi nào có mộ liệt sĩ, ông lại xách ba lô đựng vài bộ quần áo và ít mì tôm, lương khô lên đường tìm kiếm. Những người làm nghề săn phế liệu chiến tranh ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị không ai là không biết ông. Chính ông Tuấn là người nhờ cậy họ nếu tìm được những đồ dùng của bộ đội thì báo liền cho ông.
Mỗi lần như thế ông lại trích một ít tiền xăng xe, điện thoại cho họ. Biết ông Tuấn có tâm đi tìm đồng đội, ai cũng nhiệt tình giúp đỡ báo tin và thường không nỡ lấy tiền người lính già.
Tâm niệm của người lính già
Ông Tuấn mang trong mình vết thương chiến tranh, những lúc trở trái gió trở trời vết thương lại sưng tấy, đau nhức nhối. Nhưng chưa bao giờ người lính già cho mình thời giờ nghỉ ngơi bởi còn rất nhiều mộ liệt sĩ chưa tìm ra, người thân họ khắc khoải chờ đợi từng ngày. 
Suốt 30 năm qua, ông dành dụm số tiền một triệu đồng từ lương thương binh để đi tìm mộ liệt sĩ. Những ngày ròng rã trong rừng sâu, ông chỉ bám trụ với mì tôm sống, uống nước suối qua bữa. 
Ở tuổi thất thập nhưng vẫn giữ một vóc dáng khỏe mạnh, hỏi có bí quyết gì không, ông cười trả lời: “Ngày nào cũng vào rừng trèo đèo cao, lội suối sâu ắt sẽ khỏe ra thôi”.  
Ba mươi năm qua, ông Tuấn đã tìm ra hàng ngàn bộ hài cốt. Nhiều trường hợp đáng nhớ, như trường hợp của một vị Thiếu tướng quân đội đi tìm em trai là liệt sĩ Nguyễn Tích, quê Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1968, đơn vị C7 K2 Thừa Thiên - Huế, hi sinh 1974, suốt 25 năm không tìm ra hài cốt. 
Gia đình đi tìm theo giấy báo tử, ghi liệt sĩ Tích hi sinh ở chiến trường miền Nam, nhưng thực tế liệt sĩ Tích đã hi sinh ở tỉnh Thừa Thiên – Huế. 
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Tuấn
 Cựu chiến binh Phạm Ngọc Tuấn
Được một người quen giới thiệu, người anh vội vàng lên đường vào Huế tìm gặp, lại không ngờ chính ông Tuấn là thủ trưởng của em trai mình. Cũng từ đây, hành trình vất vả suốt 25 năm của người anh trai đi tìm hài cốt em đã khép lại. 
Ông Tuấn nhớ lại: “Trước đêm đi đào hài cốt đồng chí Tích, tôi đinh ninh chiếc tiểu này đã mất nắp, bên trong rất nhiều xương”. Khi đến đồi Cò Vạc thuộc địa phận giáp ranh hai địa phương, nơi liệt sĩ Nguyễn Tích đã hi sinh, có ba ngôi mộ chôn cạnh nhau. Một số dấu vết còn lại sau đó, theo ông Tuấn, chính là chứng cứ chứng minh đó là mộ liệt sĩ Tích.  
Đã tròn 30 năm đi tìm mộ liệt sĩ nhưng ông Tuấn cho rằng chưa bao giờ nhận một đồng tiền nào của ai. Bởi những người tìm đến ông không chỉ là người thân, vì người thân của đồng đội cũng là người thân của mình, mà còn vì lý do họ cũng đều là người nghèo khổ. Có gia đình đi tìm mộ liệt sĩ mà phải vay mượn, bán cả gia sản. 
Dù không ít lần họ bỏ phong bì cảm ơn nhưng ông Tuấn quyết từ chối. Ngay đến vị Thiếu tướng đi tìm mộ em trong trường hợp nêu trên biếu ông 5 triệu nhưng ông nói “chỉ nhận tấm lòng, còn tiền xin phúng viếng cho vong linh liệt sĩ”. 
Nhiều bạn bè của ông hỏi “Ông nghèo như thế sao không nhận tiền? Đó cũng là công sức ông vất vả đi tìm, đào từng tấc đất mới tìm được hài cốt…?”. Ông Tuấn khảng khái: “Tâm niệm của tôi là với xương máu đồng đội, không khi nào dính dáng đến chữ tiền”./.

Đọc thêm