Khi tình trạng thực phẩm bẩn, mất an toàn đang là nỗi lo của các bà nội trợ, nhiều người có kinh tế đã lựa chọn một cách an toàn hơn cho mâm cơm nhà mình là vào mua thực phẩm trong hệ thống các siêu thị, các cửa hàng rau sạch để mong muốn sẽ có nguồn thực phẩm chất lượng tốt hơn ở các chợ cóc, chợ tạm.
Thói quen đi siêu thị mua hàng của các bà nội trợ bắt đầu từ mong muốn tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình. Các siêu thị với đủ chiêu thức khuyến mại, giảm giá, tặng quà đã thu hút được một lượng khách hàng cực lớn vào hầu hết các ngày trong tuần. Mặt khác, các siêu thị lại mọc lên tại các khu chung cư cao cấp, nên ít ra đã phục vụ được hàng nghìn hộ gia đình tiêu thụ hàng hóa cho mình.
Ghi nhận của phóng viên tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long, và Hồ Gươm, cho thấy, tại quầy bán cá lăng sống của siêu thị rất đông người mua. Mỗi con cá có trọng lượng từ 2-4 kg liên tục được nhân viên siêu thị làm cho khách vẫn không kịp.
Hầu hết khách hàng mua cả con cá để sử dụng trong nhiều ngày. Một số khách hàng cho biết, mấy ngày nay nghe thông tin về thực phẩm “bẩn” ở ngoài chợ cũng sợ nên vào Big C mua cá lăng sống, thịt các loại, vì ở đây có ghi nguồn gốc xuất xứ và được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y trên thực phẩm. Hơn nữa, Big C đang chuyển từ chỗ chỉ cung ứng thịt và cá biển là chủ yếu sang cung cấp một số loại cá đảm bảo chất lượng.
Một khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long cho biết, hoa quả, thực phẩm được bày bán trong siêu thị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. "Bây giờ ăn gì cũng sợ! Có lần, mua rau ngoài chợ Dịch Vọng, luộc lên nước xanh rì, lại có mùi hôi, tôi sợ quá đem đổ bỏ chứ không dám ăn", khách hàng này cho hay.
Được biết để cung cấp số lượng rau được gọi là an toàn cho cả địa bàn Hà Nội, thì người nông dân không thể nào chờ đợi cho đủ ngày tháng an toàn theo quy định để thu hoạch. Chính vì thế, người tiêu dùng chỉ còn biết tin vào thực phẩm trong siêu thị khi đã qua kiểm định.
Có thể thấy, tren thực tế không phải lúc nào cũng có thể đi kiểm tra xem có đúng loại rau mình đặt hàng không, có phải đúng xuất xứ ở nơi vùng rau an toàn không, và việc người tiêu dùng bị đánh lừa cũng là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vậy tờ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ, cái đủ là tùy thuộc vào lương tâm của người trồng rau, bán rau.
Bên cạnh chuộng thực phẩm siêu thị, nhiều người tiêu dùng còn không ngần ngại chi tiền để mua hàng ngoại. Đáng chú ý là trong 5 năm qua, giá hoa quả ngoại chỉ ngang bằng, thậm chí ngày càng rẻ hơn. Một số mặt hàng như táo, nho Mỹ có thể nhập về theo đường biển (trước đó là đường bay) nên giá rẻ hơn khoảng 20.000-30.000 đồng/kg. Những loại còn lại như việt quất, mận, cam vàng Mỹ, cherry... giữ nguyên giá.
Chủ một cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập ngoại trên phố Cầu Giấy cho hay quy trình, mô hình trồng và cách sản xuất của nước ngoài tân tiến hơn Việt Nam. Hoa quả nhập từ nước ngoài về có các giấy chứng nhận, cấp phép, nơi cung cấp và kiểm dịch rõ ràng.
Những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đã và đang diễn ra hằng ngày khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Trên thực tế, các hậu quả mà thực phẩm bẩn mang lại cho người tiêu dùng không phải sẽ ngay tức khắc phát bệnh mà nó đang ngấm ngầm hình thành trong cơ thể con người, hủy hoại con người.