Cuộc phỏng vấn trên giấy với người cựu chiến binh già

(PLO) - Một buổi sáng, tôi đang thu dọn đồ đạc trước cửa nhà thì một người đàn ông trạc tuổi 60 xách 2 chiếc túi đến trước cửa vẫy tôi lại và ra hiệu. Chưa kịp hỏi “Xin lỗi, ông cần gì ạ”, ông đã lấy mảnh giấy nhỏ và cây bút viết: “Bác là bộ đội cựu chiến binh, bị câm không nói được. Bác đến mua vé xe về Bắc (nhà tôi mở dịch vụ xe Bắc - Nam), mong cháu giúp”. 
Vì không thể nói chuyện với ông được, tôi viết: Ông về đâu? – Về Thanh Hóa. Không hiểu sao tôi trào dâng xúc động. Suy nghĩ giây lát, tôi “quyết định phỏng vấn” ông để biết thêm chi tiết về cuộc đời cựu chiến binh này. 
Ông Trần Bá Nên đang trả lời bằng cách viết ra giấy
Ông Trần Bá Nên đang trả lời bằng cách viết ra giấy 
Ký ức chiến tranh không thể nào quên
“Cháu ơi, bác chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ từ năm 1967 đến 1975. Sau ngày giải phóng, bác xuất ngũ về quê, chưa kịp lấy vợ thì đến năm 1976 tái ngũ, chiến đấu ở chiến trường Tây Nam thuộc tỉnh Tây Ninh và chiến trường Căm-pu-chia. 
Năm 1983 được xuất ngũ lần hai, có ngờ đâu chất độc đi-ô-xin đã ngấm vào thân thể bác. Phát bệnh, bác bị câm. Đến nay vẫn không có vợ con, sống độc thân”. 
Đó là ông Trần Bá Nên, quê ở Quảng Lưu, Quảng Xương, Thanh Hóa, nguyên là chiến sĩ chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Tây Nam, Căm -pu-chia thuộc D100, E546, F470 (Tiểu đoàn 100, Trung đoàn 546, Sư đoàn 470).
Năm 1967, chàng trai Trần Bá Nên tròn 18 tuổi, cùng bao thanh niên xã Quảng Lưu, Quảng Xương, Thanh Hoá lên đường tòng quân nhập ngũ. Hành trang anh mang theo là tình yêu quê hương làng xóm và lòng căm thù giặc sâu sắc. 
Tuổi 18 phơi phới sức trai, chưa kịp yêu một người con gái, tạm biệt xóm làng, Nên xung phong vào chiến trường miền Nam chiến đấu.
Thời điểm ấy, cuộc chiến tranh ở miền Đông Nam bộ diễn ra ác liệt. Anh được phân về Tiểu đoàn 100, Trung  đoàn 546, Sư đoàn 470. Từ năm 1967-1975 anh chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và chiến trường Khe Sanh Quảng Trị. 
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nên xuất ngũ về quê. Chưa kịp lấy vợ thì anh lại tái ngũ lần 2 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. 
Đơn vị anh ở là Tiểu đoàn 2 thuộc Sư đoàn 338, chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam (tỉnh Tây Ninh) và chiến trường Căm-pu-chia”. Những đêm hành quân trong rừng già, đơn vị dừng chân bên suối ăn cơm vắt và uống nước suối rừng. Có ngờ đâu, dòng nước suối trong vắt ngon ngọt ấy đã nhiễm chất độc đi ô xin rất nặng mà cả đơn vị không hề biết. 
Chẳng ai suy nghĩ điều gì, xốc ba lô tiếp tục hành quân.
Kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Nên xuất ngũ về quê với ý định lấy vợ, sinh con làm ăn như bao trai làng khác. Nhưng có ngờ đâu tai ương ập tới. Một trận ốm thập tử nhất sinh, anh phát đủ thứ bệnh. 
Như nhớ lại ký ức chiến tranh, ông nhìn tôi rồi cặm cụi viết: “Những người chiến đấu trong rừng Trường Sơn năm ấy, nhiều người nhiễm chất độc đi-ô-xin. Nhiều người lấy vợ, sinh con bị dị tật. Còn bác, sau khi xác định bị nhiễm, câm và ….”  (ông không muốn nói bị vô sinh nên mới viết 4 dấu chấm. Mãi sau, ông mới viết thật là ông bị vô sinh nên không lấy vợ).  
“Bác không lấy vợ cháu ạ. Bác đã xin sống ở Trại mồ côi tỉnh Thanh Hóa 20 năm, sau đó bác về quê được một năm thì địa phương làm cho một căn nhà tình nghĩa và bác sống độc thân”
Nỗi đau hậu chiến
Trở về từ chiến trường Căm-pu-chia năm 1983, biết bệnh của mình, Nên không lấy vợ vì anh không muốn đặt lên vai người thương yêu anh thêm gánh nặng và sự thất vọng của họ. Thời gian lặng lẽ trôi đi làm thay đổi cuộc sống của bao người, song đối với anh Nên thì vẫn thế. 
Có chăng, chiến sĩ Trần Bá Nên đẹp trai, trẻ, khỏe ngày nào giờ đã lên tuổi ông, có điều ông quạnh hiu một mình và tóc thêm nhiều sợi bạc. Sau 20 năm ở trại mồ côi, ông Nên về quê. Tuy không nói được nhưng tinh thần ông vẫn minh mẫn lắm. 
Trong ngôi nhà đơn chiếc, lúc trái gió trở trời vết thương tái phát, ông đã có các cháu trong họ hàng chăm  sóc, bà con lối xóm và đồng đội bên cạnh cho đỡ phần hưu quạnh. 
Trong giấy “phỏng vấn” ông viết: “Bác được Đảng, Nhà nước quan tâm như thế là tốt lắm rồi, hàng tháng cũng đủ tiền tiêu” khi tôi hỏi: “Bác có điều gì trăn trở, thiếu thốn?”.
Vẹn tình đồng đội
Ông Nên lục từ chiếc túi du lịch cũ đưa cho tôi xem giấy tờ. Ông từ Thanh Hóa lặn lội ra tận Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm mộ của đồng đội là Nguyễn Văn Việt, bạn chiến đấu, song không tìm thấy. 
Trong giấy xác nhận  tại Côn Đảo của Ban Quản lý Di tích Lịch sử Cách mạng Côn Đảo do ông Đoàn Hữu Hoài Minh ký, có ghi: “… Ông Trần Bá Nên, quê ở Quảng Lưu, Quảng Xương, Thanh Hóa có đến Ban Quản lý Di tích Lịch sử Cách mạng Côn Đảo để tìm mộ liệt sĩ là Nguyễn Văn Việt, bạn chiến đấu, song không tìm thấy mộ”.
Vì nhớ đồng đội cũ thời chiến tranh, đã cất công từ Thanh Hóa đến tìm đồng đội ở Sư đoàn 470, trong lá đơn “Xin hỗ trợ” gửi Sư đoàn 470 có đoạn viết: “Cả đời tôi chiến đấu và phục vụ Tổ quốc. Chiến tranh đã lấy đi của tôi giọng nói, thân thể. Tôi bị chất độc đi-ô-xin tàn phá. 
Chất độc quái ác đó đã ngấm vào máu, ăn sâu vào thân thể tôi. Tôi không lấy vợ là vì không muốn đặt lên vai người tôi thương yêu thêm gánh nặng và niềm vô vọng làm mẹ của họ. 
Những ngày cuối của cuộc đời, tôi phải tìm những người đồng đội cũ - những người đã cùng tôi chiến đấu trên những cánh rừng già, những cung đường Trường Sơn dày đặc bom rơi, đạn nổ. Tôi cất công đi tìm đồng đội chỉ để ôn lại ký ức của chiến tranh, đó là nghĩa tình đồng đội của tôi - một cựu chiến binh già”.  
Không chỉ  nghĩa tử, nghĩa tận đối với những người đồng đội đã ngã xuống hy sinh trong chiến tranh, ông Nên còn ân sâu nghĩa nặng đối với những đồng đội còn sống. Trong mảnh giấy nhỏ ông viết: “Bác cũng có nhiều bạn bè còn sống từ chiến trường về ở Nga Sơn (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, khi tôi nói với ông, tôi quê huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Năm ngoái, bác ra đám tang một anh thương binh ở xã Nga Phú”.
Có lẽ ông Nên đã đi nhiều nơi để tìm đồng đội, và ở đâu ông cũng phải viết ra giấy cho mọi người hiểu. Vì thế mà giấy và bút là hai thứ luôn theo bước chân hành trình cùng ông, để sẵn sàng viết và hỏi ai chuyện gì đó khi cần. 
Với một cựu chiến binh đã từng chịu nhiều hy sinh, mất mát như ông, vào sinh ra tử cùng với bao đồng đội thì hạnh phúc nào hơn là được gặp lại những người đồng đội cũ. Đó không chỉ là máu thịt, là cuộc đời, là ký ức chiến tranh mà còn là trăn trở, là mong mỏi của ông những ngày cuối của cuộc đời.
Tôi viết bài này với tất cả sự kính trọng người đồng đội thế hệ đi trước, như thay lời động viên tinh thần ông Nên vượt qua khó khăn của cuộc sống đời thường, đạt được ước mơ giản dị. 
Đúng như ông viết: “Cháu ơi, cứ tin rằng bác tàn nhưng không phế, vẫn cố gắng sống xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Đọc thêm