Trâu chết... người cũng vong mạng
Sằm Văn Chung (SN 1976, trú tại thôn Khuổi Khiếu, xã Hữu Thác, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) là người dân tộc Dao, sống ở địa bàn miền núi vùng sâu vùng xa, trình độ học vấn cũng như sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Trong hồ sơ ghi trình độ văn hóa của Chung là 1/12 nhưng thực tế Chung đọc còn phải đánh vần, nói tiếng Kinh chưa sõi.
Miền sơn cước nơi Sằm Văn Chung sinh ra còn quá nghèo. Người dân quanh năm bám lấy nương rẫy, cày cuốc. Bản thân Chung cũng là một nông dân hiền lành, cần mẫn, chịu khó lao động để cải thiện kinh tế gia đình. Nào ngờ, con người chân chất ấy lại vướng phải vòng lao lý vì gây ra tội “Giết người”.
Năm 1994, Chung lập gia đình. Hai vợ chồng có 2 người con. Một người con riêng của vợ sinh năm 1990 và 1 con chung sinh năm 1995. Là trụ cột, Chung cũng mong muốn thoát khỏi đói nghèo, vợ chồng Chung vay được 1,6 triệu từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của ngân hàng lại phải bán thêm 1 tạ thóc nếp mới đủ tiền mua 1 con bò cái. Chăm bẵm con bò đến khi nó đẻ được 5 con bò con, Chung bàn với vợ bán bò mua trâu.
Câu nói “con trâu là đầu cơ nghiệp” quả đúng với gia đình Chung. Sau một thời gian, gia đình Chung đã có tổng cộng 5 con trâu. Sắp đến lúc làm được cái nhà tử tế, lát được cái sân gạch khang trang thì tai họa xảy đến. Ngày 22/6/2007, 5 con trâu đang béo tốt đột nhiên lăn quay ra chết. “Trong số 5 con trâu có 1 con trâu kéo. 3 con trâu sắp đẻ. 2 con trâu còn nhỏ. 3 con chết ngay trong ngày 22/6, còn 2 con, gia đình cố gắng tìm cách cứu chữa nhưng 2 tuần sau cũng chết nốt...”, Sằm Văn Chung kể lại.
Đàn trâu đang béo khỏe tự dưng lăn đùng ra chết khiến gia đình Chung vô cùng buồn phiền. Xót xa hơn, Chung khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng đến lúc gần thoát được nghèo mà phút chúc lại quay về trắng tay. Buồn quá, Chung tìm đến chén rượu để giải khuây. Trong men say, Chung ấm ức và nảy sinh nghi ngờ người hàng xóm là anh Sằm Văn Lập (SN 1964, trú ở thôn Cung Năm, xã Hữu Thác) là thủ phạm đầu độc làm trâu của gia đình mình chết.
“Nó suốt ngày lảng vảng gần chuồng trâu. Cách cái hôm trâu chết mấy ngày, ta đi uống rượu về còn bắt quả tang nó đang lúi húi trong chuồng trâu mà”, Sằm Văn Chung kể. Cho rằng hàng xóm “ghen ăn tức ở”, trong lúc tức giận, Chung đã nảy sinh ý định sát hại anh Lập. Rất may, khẩu súng tự chế của Chung lại cất ở trên nương không có sẵn ở nhà. Cứ chiều về nhìn vào chuồng trâu trống vắng, lòng Chung lại dấy lên nỗi ấm ức, căm giận.
Khoảng 16h ngày 15/7/2007 (khoảng 3 tuần sau), Chung đi từ nhà của mình vào nương ngô của gia đình ở Kéo Hin thuộc thôn Khuổi Khiếu để thăm nương ngô. Trên đường đi, Chung đến hang đá cách nhà khoảng 100m là nơi Chung cất giấu khẩu súng săn tự chế của mình. Chung lấy khẩu súng và 1 viên đạn tự chế loại 12 ly lắp sẵn vào súng mang theo người. Ý định của Chung là rình bắn con thú ăn bắp nhà mình.
Thật không may khi Chung đi đến nương ngô của gia đình thì nhìn thấy anh Lập đang điều khiển xe môtô chở ngô từ phía bên trong khe núi theo đường mòn đi ra phía Quốc lộ 3B ngang qua chỗ nương ngô nơi Chung đang đứng. Do có ý định giết chết anh Lập từ trước nên Chung giơ súng lên nhằm thẳng vào anh Lập. Chung bóp cò súng. Anh Lập kêu lên mấy tiếng rồi ngã vật xuống rìa đường mòn, chết tại chỗ. Bắn anh Lập xong, Chung đem cất khẩu súng rồi đi về nhà, mặc quần và rồi nhờ một người cùng xã đưa đến Công an huyện Na Rì đầu thú.
Thương 2 đứa con không ai dạy bảo
Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Lập. Phòng pháp y Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn kết luận: Nạn nhân Sằm Văn Lập chết do đa vết thương đạn chọc xuyên tim, phổi dẫn đến mất máu cấp.
Về việc 5 con trâu chết, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Na Rì cũng đã tiến hành điều tra, xác minh, thu mẫu vật gửi Viện khoa học hình sự Bộ công an giám định. Tại báo cáo kết thúc điều tra của cơ quan công an có kết luận không tìm thấy độc tố trong các mẫu vật của 5 con trâu đã gửi giám định, từ đó kết luận không có dấu hiệu 5 con trâu này bị người khác đầu độc. Công an huyện Na Rì đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên.
Sau khi sự việc xảy ra, Chung bị bắt giữ, người hàng xóm thì mất mạng oan uổng, gia đình Chung nhận thức được hành vi phạm tội nên đã tự nguyện mang một số tài sản theo phong tục tập quán ở địa phương gồm lợn, gà, rượu, gạo nếp, thuốc lá và một mâm cỗ trị giá 100.000 đồng sang nhà bị hại để lo mai táng phí.
Nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật sâu rộng cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người, phiên tòa xét xử bị cáo Sằm Văn Chung đã được mở công khai lưu động tại Hội trường Trung tâm xã Hảo Nghĩa (huyện Na Rì). Đông đảo bà con nhân dân đã đến dự khán. Tại phiên tòa, bị cáo Sằm Văn Chung đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Hội đồng xét xử nhận định: Hành động của Sằm Văn Chung dùng súng nhằm thẳng vào người anh Sằm Văn Lập để bóp cò buộc Chung phải nhận thức rằng bắn như vậy tính mạng người khác sẽ bị tước đoạn. Do đó, việc làm này hoàn toàn trái pháp luật, xâm phạm tới quyền được sống của con người. Mặc dù không có căn cứ xác định anh Lập có hại gia đình mình hay không xong do tính ích kỷ Chung đã thực hiện một hành vi hết sức manh động, côn đồ. Khi bắn xong, Chung đã bỏ mặc anh Lập mà không hề tìm cách cứu chữa.
Xét tính chất vụ án và hành vi bị cáo thực hiện là đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo đã tước đoạt tính mạng người khác một cách trái pháp luật, coi thường tính mạng người khác làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Sau khi xem xét những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo: xét bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, sau khi phạm tội đã đến cơ quan công an tự thú về hành vi phạm tội của mình, đồng thời gia đình bị cáo đã tự nguyện mang một số tài sản sang nhà bị hại lo mang táng phí, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo tù chung thân về tội “Giết người”, buộc bồi thường cho gia đình bị hại hơn 37 triệu đồng.
Nhắc lại chuyện cũ, phạm nhân Sằm Văn Chung buồn bã chia sẻ: “Mình đi lên từ 2 bàn tay trắng. Lúc đó đã gần thoát được cái nghèo rồi mà trong có mấy ngày mất 5 con trâu. Mình xúc động quá nên không kiềm chế được. Lúc đó mình chỉ định bắn nó tan 1 cánh tay thôi nhưng chẳng may nó chết. Sau việc đó, gia đình mình cũng đã mang hết cả lợn, gà, rượu sang nhà nó làm ma rồi mà”.
Những ngày thụ án ở Trại giam Vĩnh Quang, được các cán bộ quản giáo phân tích thêm về cái đúng, cái sai, Chung ân hận về việc làm của mình lắm. Cũng chỉ vì một lúc nóng giận mà Chung thì lãnh án tù, vợ con cũng vì thế mà thêm nheo nhóc. Năm 2008, người vợ có lên thăm Chung được 1 lần nhưng từ đó đến này, đường xá xa xôi, gia đình không có điều kiện lên thăm được.
Vào trại, ngoài việc lao động sản xuất, Chung còn được các cán bộ tạo điều kiện cho chơi đá cầu, đá bóng, cầu lông để rèn luyện sức khỏe. Sằm Văn Chung đang cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được về đoàn tụ với gia đình. Chia tay chúng tôi, điều Chung buồn nhất là vì Chung đi tù nên hai đứa con không có người chăm sóc, học hành. “Thằng lớn phải vào Lâm Đồng ở với bác. Cả 2 đứa đều chỉ học được đến lớp 3, lớp 4 thì nghỉ. Chẳng có ai dạy bảo...”, Chung ngậm ngùi./