Ý chí người lãnh đạo

(PLO) -Không biết từ bao giờ trong cơ quan nhà nước, rộng ra trong dân gian có câu “Ý sếp là ý chúa”, nếu một sếp nào đó có khuyết điểm thì chỉ duy nhất là “sếp làm việc tận tụy quá, quên cả giữ gìn sức khỏe”.

Hai ngày xét xử vụ án ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cùng 21 thuộc cấp, với 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.

Điều khôi hài là, các bị cáo đang đứng trước Tòa, trước đó ai cũng đều nhận ra sai sót, thiếu cơ sở của Hợp đồng 33 nhưng vẫn thực hiện do nhận mệnh lệnh chỉ đạo, sức ép từ cấp trên. Cấp trên là ai thì ai cũng đã biết.

Theo ông Đinh La Thăng, việc chỉ định PVC là tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương trong chiến lược phát triển của PVN đến năm 2025 trở thành tập đoàn phát triển đa ngành. Ý chí “thơ ngây” của người lãnh đạo, không riêng gì ông Đinh La Thăng. Bài học đau xót về mất của, mất cán bộ, mất lòng tin của dân – ít nhất vào một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước được hy vọng là những “quả đấm thép”, rường cột của nền kinh tế đất nước qua vụ án này là rất lớn, có lẽ bắt đầu từ “hội chứng đa ngành”.

Hồi đó người ta “đua nhau” chạy “tập đoàn” – một trong các tiêu chí tham vọng để xác định là “đa ngành”. Thực ra, người viết bài này đã từng công tác từ Tập đoàn Kinh tế Vinashin nên rất hiểu “nỗi đau” từ các tập đoàn. Lên “tập đoàn” ư? Trước hết, từ các Ủy viên HĐTV trở lên đều do Thủ tướng bổ nhiệm, hệ số lương cao ngất ngưởng, lãnh đạo Tập đoàn được đi xe biển xanh 80 và được ký “bằng khen”, trao tặng “Cờ thi đua xuất sắc” cho thành viên như một cơ quan ngang bộ. Chưa nói đến chuyện đầu tư, ưu đãi nhiều thứ. Quyền lợi cá nhân của những lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty 91 là rất lớn vì thế mới có “hội chứng”.

Ta thơ ngây, “nhà nước hóa” tập đoàn kinh tế như vậy đấy. Ý chí của người lãnh đạo là “ý chúa”. Để rồi các tập đoàn, Tổng Công ty 91 thi nhau đổ bể.

Trở lại vụ án, về việc PVC khi làm tổng thầu Nhà máy Nhiệt điệt Thái Bình 2, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong sáng ngày làm việc thứ hai của phiên tòa cho biết bản thân biết PVC không đủ năng lực làm tổng thầu. Nhưng lúc đó, sếp của anh ta có đề xuất xin ý kiến của Chính phủ cho PVC làm tổng thầu là bởi mong muốn PVC sẽ nỗ lực trở thành một doanh nghiệp tốt của Tập đoàn PVN,  năng lực làm tổng thầu để không phải thuê tổng thầu nước ngoài. Và dù không đủ năng lực nhưng cái lợi họ “biện minh” là sẽ giải quyết được việc làm cho cán bộ công nhân viên. Mục đích làm sai trở nên rất “thánh thiện”.

Sếp thích là làm, “tư duy nhiệm kỳ”, “tân quan tân chính sách”... Khi “nhóm lợi ích”, “cánh hẩu”, “chủ nghĩa quyền lực”... chi phối, thiếu sự phản biện, “trung thần” thiếu đất tồn tại thì hậu quả như chúng ta đang chứng kiến là “quy luật tất yếu của cuộc sống”.

Đây là một nỗi đau.

Đọc thêm