Ý kiến trái chiều về đề xuất chống bán phá giá với thép cán nóng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay sau khi xuất hiện thông tin đề xuất Cục Phòng vệ thương mại (PVTM - Bộ Công Thương) điều tra chống bán phá giá (CBPG) với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu, đến ngày 27/3 đã có 9 DN sản xuất tôn mạ, ống thép trong nước gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan quản lý.
Một số DN lo ngại nếu điều tra CBPG với HRC nhập khẩu sẽ ảnh hưởng xấu tới ngành thép.
Một số DN lo ngại nếu điều tra CBPG với HRC nhập khẩu sẽ ảnh hưởng xấu tới ngành thép.

Trước đó, tại một chương trình gặp gỡ nhà đầu tư, lãnh đạo Cty Hòa Phát chia sẻ, Hòa Phát và Formosa đã gửi hồ sơ đề xuất điều tra CBPG với thép HRC từ Trung Quốc nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Đại diện Cty Hòa Phát cho rằng Trung Quốc sản xuất chiếm 60% sản lượng thép của thế giới. Những năm trước, lượng thép sản xuất của Trung Quốc có khối lượng lớn hấp thụ trong nước, xuất khẩu với tỉ lệ ít hơn. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, tình hình kinh tế “chùng” xuống, bất động sản trì trệ nên lượng thép sản xuất dư thừa quá lớn, buộc đẩy mạnh xuất khẩu.

Đại diện Cty Hòa Phát cho biết Hòa Phát “tự tin cạnh tranh được với thép Trung Quốc khi xét về cơ cấu nguyên liệu, giá bán”. Tuy nhiên, hiện có tình trạng một số Cty thép Trung Quốc bán dưới giá thành, bán lỗ để đẩy mạnh lượng tiêu thụ. Nhận thấy có dấu hiệu bán phá giá thép HRC nhập từ Trung Quốc nên Hòa Phát kiến nghị cơ quan nhà nước điều tra CBPG với thép HRC nhập từ Trung Quốc, để ngành sản xuất trong nước phát triển.

Về kiến nghị điều tra CBPG với thép HRC, trả lời PLVN chiều 28/3, ông Trịnh Anh Tuấn (Cục trưởng Cục PVTM) cho biết hiện Cục chỉ mới tiếp nhận kiến nghị, đang trong giai đoạn thẩm định hồ sơ. Sau 15 ngày, nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì Cục sẽ thông báo cho DN. Sau đó 45 ngày, tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc: “Hiện sự việc chỉ mới ở bước ban đầu”, ông Tuấn nói.

Theo quy định, thời hạn điều tra để áp dụng biện pháp CBPG là 12 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra, và trường hợp cần thiết thời gian điều tra có thể gia hạn thêm 6 tháng.

Trước sự việc trên, Cty CP Tập đoàn Hoa Sen đã có đơn kiến nghị tới các cơ quan quản lý đề nghị xem xét kỹ lưỡng đề xuất này. Tính tới 27/3, có 9 DN sản xuất, kinh doanh tôn mạ, ống thép trong nước gửi đơn kiến nghị không đồng ý điều tra CBPG với HRC nhập khẩu; gồm: Cty CP Thép TVP; Cty CP Thép Nam Kim; Cty CP Tôn Đông Á; Cty Tôn Phương Nam; Cty CP Tôn Pomina; Cty CP Sản xuất thép Vina One; Cty CP Kim khí Nam Hưng; Cty CP Sản xuất kinh doanh thép Việt Nhật. Đơn được gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, một số cơ quan liên quan.

Theo các DN này, HRC là nguyên liệu chính để sản xuất tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác sử dụng trong ngành xây dựng, cơ khí, các ngành công nghiệp khác. Do đó, bất kỳ diễn biến bất lợi nào xảy ra với nguồn nguyên liệu HRC cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến toàn ngành thép.

Mặt khác, đến nay, tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam khoảng 8,2 triệu tấn/năm. Dù các DN sản xuất HRC trong nước vận hành tối đa công suất, chỉ bán nội địa, không xuất khẩu thì vẫn khó đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam. Từ đó có thể dẫn đến giá nguyên liệu bị đẩy lên quá cao khiến ngành tôn mạ và ống thép gặp khó khăn.

Ngoài ra, nếu ngành tôn mạ và ống thép gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều ngành nghề khác như xây dựng, bất động sản, công nghiệp sản xuất, dịch vụ và bán lẻ…

Đơn kiến nghị của các DN cho rằng, theo Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017 (QLNT), biện pháp CBPG được áp dụng với hàng nhập khẩu khi thỏa mãn 3 điều kiện sau:

Thứ nhất, hàng nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể. Thứ hai, ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành ngành sản xuất trong nước. Thứ ba, tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa điều kiện thứ nhất với điều kiện thứ hai.

Theo đơn, cả 3 điều kiện trên đều không thoả mãn để khởi xướng điều tra CBPG với HRC nhập khẩu. Về điều kiện thứ nhất, theo dữ liệu giai đoạn 1/1/2023 - 31/12/2023 từ Tổng cục Hải quan, S&P Global, độ phá giá chỉ khoảng 1,26% (dưới 2%) nên HRC nhập từ Trung Quốc không bán phá giá. Thứ hai, theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, từ 2019 - 2023 sản lượng của ngành sản xuất HRC Việt Nam tăng dần qua các năm, từ hơn 4,1 triệu đến 6,7 triệu tấn, nên không có thiệt hại.

Theo các DN, giá bán HRC từ các nhà sản xuất Việt Nam cao hơn so với giá nhập khẩu từ 10 - 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch 40 - 50 USD/tấn: “Như vậy không có chuyện các nhà sản xuất HRC Việt Nam phải giảm giá bán, giảm lợi nhuận để có thể cạnh tranh với HRC nhập từ Trung Quốc”, văn bản kiến nghị nêu, cho rằng không đủ các điều kiện đáp ứng để khởi xướng điều tra CBPG với HRC nhập từ Trung Quốc.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ HRC của toàn Việt Nam hiện khoảng 10 - 13 triệu tấn/năm, vừa phục vụ sản xuất thành phẩm, vừa dự trữ hàng tồn kho cần thiết cho sản xuất kinh doanh. Tại Việt Nam, HRC được sản xuất bởi 2 DN là Cty Hòa Phát (HPG) và Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).

Đọc thêm