Vi bằng được dùng làm gì?
Theo qui định của pháp luật, duy nhất chỉ có Văn phòng Thừa phát lại được giao quyền thực hiện lập vi bằng. Việc xác lập Vi bằng đối với các hành vi, sự kiện nên nó có phạm vi rất rộng và phong phú, diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi ( kèm theo hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình và các tài liệu chứng minh khác) được dùng làm chứng cứ để Toà án xét xử khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
Vi bằng chứng thực các sự kiện, hành vi xẩy ra do Thừa phát lại lập theo yêu cầu, thỏa thuận của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Lập vi bằng nhằm tạo lập, bổ sung nguồn chứng cứ bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi bị xâm phạm trong quan hệ dân sự.
Giải thích rõ hơn, đại diện Văn phòng Thừa phát lại Uông Bí (Quảng Ninh) cho hay, vi bằng giúp cho Toà án, các cơ quan hành chính Nhà nước giải quyết các việc liên quan đến người dân được khách quan, chính xác, kịp thời, phù hợp pháp luật; giúp các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình về dân sự, kinh tế, thương mại, hành chính, lao động; giúp cho người dân giải quyết các tranh chấp phát sinh trong cuộc sống.
Việc lập vi bằng ghi nhận lại tình trạng của sự vật, sự kiện, hành vi vào một thời điểm nhất định làm cơ sở đối chứng khi phát sinh tranh chấp, là căn cứ chính thống để cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ quyền lợi của mình trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ, Vi bằng dùng làm chứng cứ để yêu cầu Cơ quan Bảo hiểm bồi thường; làm căn cứ để giải quyết các tranh chấp; làm chứng cứ để Toà án hình sự, dân sự xem xét sử dụng trong xét xử…
“Vi bằng được Văn phòng Thừa phát lại lập thành 3 bản, giao cho cơ quan, tổ chức, người yêu cầu; đăng ký quản lý tại Sở Tư pháp; lưu tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về chế độ lưu trữ đối với văn bản công chứng” – Văn phòng Thừa phát lại Uông Bí (Quảng Ninh) giải thích – “Cơ quan, tổ chức, người có yêu cầu lập vi bằng, khi cần liên hệ tại các Trụ sở Văn phòng Thừa phát lại hoặc điện thoại cho Văn phòng, cho các nhân viên của Văn phòng Thừa phát lại để được hướng dẫn chi tiết về việc lập Vi bằng”.
Trường hợp nào có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng?
Theo Điều 25 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ thì Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
Một số trường hợp cụ thể có thể lập Vi bằng như: Xác nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình; Xác nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà; Xác nhận tình trạng nhà khi mua nhà; Xác nhận tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm; Xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật; Xác nhận tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế; Xác nhận hàng giả bày bán tại cơ sở kinh doanh, thương mại; Xác nhận việc giao hàng kém chất lượng; Xác nhận hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Xác nhận việc tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông...
Các trường hợp sau cũng có thể lập Vi bằng, ví dụ: Xác nhận mức độ ô nhiễm; Xác nhận sự chậm trễ trong thi công công trình; Xác nhận tình trạng công trình khi nghiệm thu; Xác nhận các hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực tin học, báo chí, phát thanh, truyền hình như: đưa các thông tin không đúng sự thực; đưa thông tin khi chưa được phép người có thẩm quyền; vu khống…
Xác nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng; những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp; Xác nhận tình trạng thiệt hại của cá nhân, tổ chức do người khác gây ra; Xác nhận việc từ chối thực hiện công việc của cá nhân, tổ chức mà theo quy định của pháp luật cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện; Xác nhận các sự kiện pháp lý khác theo quy định của pháp luật.