Ý thức vì dân

(PLVN) - Có những chính sách vì dân nhưng thực chất lại không phải vì dân. Đó không chỉ là vi phạm pháp luật đơn thuần mà còn là sự xâm hại nền tảng đạo lý truyền thống dân tộc, gây nên sự phẫn nộ của dư luận xã hội.
Ảnh minh họa.

Điện tăng giá đúng lúc thời tiết nóng nực. Đã thế, lại bị mất điện thường xuyên hoặc đột xuất, vừa do kế hoạch cải tạo lưới điện, vừa do sự cố mưa gió, sấm sét hay quá tải. Thêm một mối lo khi ngành điện thông báo khả năng thiếu điện sẽ xảy ra. Tình trạng này khiến người dân và doanh nghiệp vừa phải trả tiền điện với giá cao mà không được sử dụng thứ mình mua với chất lượng tốt, thậm chí, còn không được dùng thứ sản phẩm mình mua. Điều này gây bức xúc trong cộng đồng và ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành điện độc quyền.

Tại một diễn biến khác, Chính phủ chấp nhận đề nghị của Bộ Tài chính giảm thuế giá trị gia tăng của một số hàng hóa 2% trước tình hình khó khăn kinh tế trong giai đoạn hiện nay, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp “dễ thở” hơn. Ước tính sự giảm thuế này khiến ngân sách thất thu khoảng 35.000 tỷ đồng. Hy vọng rằng chủ trương tốt đẹp và vì dân này được hiện thực hóa.

Trên thực tế, có những chủ trương hay chính sách tốt đẹp, nhân văn và vì dân nhưng khi thực hiện thì đối tượng được thụ hưởng lại khó tiếp cận được. Dẫn chứng mới nhất là gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng dành cho công nhân mua nhà ở xã hội đã thực sự gặp khó.

Trong các buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, vấn đề này đã được phản ảnh và yêu cầu có những biện pháp tích cực để gói hỗ trợ được giải ngân đúng đối tượng. Khó, bởi lãi suất các ngân hàng đặt ra là không hề thấp: 8,2%/năm và phải trả trước 50% và thời hạn chỉ có 5 năm. Với thu nhập của người lao động hiện tại thì ít ai dám vay và giấc mơ mua được nhà ở xã hội với những công nhân thực sự vẫn rất xa vời!

Trước nay đã có nhiều trường hợp chính sách bị cán bộ thừa hành lợi dụng để hưởng lợi bất chính, làm giàu cá nhân. Nhỏ như việc “ăn chặn” những gói hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, như bò, dê, gà “đi lạc” vào nhà “quan”, lớn như những vụ đại án chuyến bay giải cứu hay Việt Á.

Dù nhỏ hay lớn thì các hành vi ứng xử đó thể hiện sự coi thường pháp luật, không tôn trọng đạo lý, đặc biệt, không có chút nào vì dân, vì cộng đồng. Đó không chỉ là vi phạm pháp luật đơn thuần mà còn là sự xâm hại nền tảng đạo lý truyền thống dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi, thương lấy bí cùng”, gây nên sự phẫn nộ của dư luận xã hội.

Cách ứng xử này sẽ không tồn tại nếu đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước luôn tâm niệm ý thức vì dân và bảo vệ chế độ mình phụng sự.

Đọc thêm