Ý tưởng "biến" sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh liệu có khả thi hay không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vừa trao giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" cho đề xuất "Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" do Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch. Ý tưởng này sau khi công bố đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận, một số chuyên gia rất hoan nghênh về ý tưởng nhưng cho rằng việc thực hiện sẽ hơi..."mơ hồ".
Một góc phối cảnh Đề án "Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" vừa đoạt giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội".
Một góc phối cảnh Đề án "Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" vừa đoạt giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội".

Dự kiến sẽ có đề xuất quy hoạch trước Tết Nguyên đán 2022?

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch JVE Group khẳng định: "Đề xuất biến sông Tô Lịch trở thành công viên và tái hiện lại các Triều đại ngay trên dòng sông không phải là ý tưởng viển vông, không phải vẽ ra để cho vui. Bởi đây là một dự án liên quan đến lịch sử, văn hóa, tâm linh nên từ khi bắt tay vào thực hiện, chúng tôi đã tham vấn các chuyên gia sử học của Việt Nam và tham khảo các tư liệu khác".

Trước đó, vào tháng 9/2020, ngay sau khi JVE Group có báo cáo đề xuất gửi Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, đơn vị đã ngay lập tức báo cáo đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc đề xuất tài trợ miễn phí lập Quy hoạch xây dựng "Hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch" và tài trợ miễn phí lập Quy hoạch "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản.

Phối ảnh tái hiện các triều đại bên bờ sông Tô Lịch đang được đơn vị thiết kế, hoàn thiện.

Phối ảnh tái hiện các triều đại bên bờ sông Tô Lịch đang được đơn vị thiết kế, hoàn thiện.

Cũng theo đại diện JVE Group, do quy mô của Đề án rất lớn, liên quan đến rất nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau từ xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng cảnh quan công viên, xây dựng hạ tầng hệ thống chống ngập khổng lồ, cao tốc ngầm cho đến các nội dung liên quan đến mỹ thuật - kiến trúc, di sản, lịch sử, văn hóa, tâm linh vv... nên các bước từ thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư, hiệp định liên quan nguồn vốn viện trợ ưu đãi… nên cần nhiều thời gian hơn.

Thời gian tới, sau khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam, phía Nhật Bản sẽ có báo cáo tới các cơ quan chức năng để xúc tiến các công việc tiếp theo nhằm mục tiêu cuối cùng là triển khai được Dự án để tạo nên Dấu ấn nghìn năm Thăng Long – Hà Nội và là một biểu tượng mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc, nhân dân hai nước trong bối cảnh hai nước đang có những hoạt động chào mừng Dấu mốc kỷ niệm quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản đã tròn 50 năm - một nửa thế kỷ (21/9/1973 – 21/9/2023).

"Dự kiến, trước Tết Nguyên đán, sẽ có báo cáo các cơ quan liên quan về Đề xuất Quy hoạch chi tiết Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch cùng toàn bộ tài liệu, báo cáo liên quan đề xuất như nguồn vốn viện trợ ưu đãi, các nội hàm chi tiết về các yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh đề xuất xây dựng tại từng triều đại suốt dọc sông Tô Lịch", ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.

Khôi phục du lịch tâm linh sông Tô Lịch liệu có "mơ hồ"?

Liên quan tới đề xuất cải tạo sông Tô Lịch của JVE Group trong thời gian qua đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận và giới chuyên gia dù các ý kiến đều hoan nghênh thiện chí của JVE Group.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa học, trường ĐH Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đã từng chia sẻ trên báo chí cho biết, liên quan đến việc cải tạo sông Tô Lịch, trước đây TP. Hà Nội từng đưa ra dự án thành nơi đi dạo cho người dân. JVE Group có thêm đề xuất Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch. Tuy nhiên, theo ông Côn, những hạng mục JVE Group đề xuất tốn kém tiền mà Hà Nội chưa nghĩ đến lấy kinh phí ở đâu để làm.

Nếu JVE Group thực hiện bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản mà làm được thì là rất tốt và hoàn toàn có thể khả thi. Giữa JVE Group và TP. Hà Nội cần kết hợp với nhau. Những gì thành phố đã làm rồi và đã làm được thì tiếp tục làm nhưng những gì thành phố chưa làm được thì nên để JVE Group họ thực hiện, nếu kết hợp chặt chẽ với nhau vừa chống lãng phí, vừa có tính khả thi rất cao.

Phối cảnh lan can có hình biểu trưng logo Hà Nội tại Triều đại Nhà Lý.

Phối cảnh lan can có hình biểu trưng logo Hà Nội tại Triều đại Nhà Lý.

Còn theo GS.TSKH Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam thì đánh giá, ý tưởng của JVE Group hay nhưng ông cảm thấy "mơ hồ" khi doanh nghiệp này muốn khôi phục sông Tô Lịch theo hướng du lịch tâm linh.

"Tôi nghĩ mục tiêu lớn nhất là xử lý ô nhiễm, cải tạo con sông Tô Lịch, rồi sau mới tính đến những việc khác. Cần có một hội đồng khoa học tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học bàn bạc kỹ, cho ý kiến về việc cải tạo này cũng như các giải pháp cụ thể để khôi phục dòng sông", GS Uyển nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, việc doanh nghiệp gắn chữ "tâm linh" vào đề xuất của mình là không phù hợp. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần đưa ra các giải pháp công nghệ chặt chẽ, chắc chắn để các nhà khoa học và người dân cho ý kiến.

"Ở Việt Nam vẫn có tình trạng công trình gì cũng gắn chữ "tâm linh" mà không cần biết nó có phù hợp hay không.

Sông Tô Lịch có nhiều truyền thuyết nhưng đã làm khoa học thì không cần viện đến chữ "tâm linh", mục đích quan trọng nhất phải là làm sạch, làm đẹp con sông, sau đó cải tạo thành công viên thì cũng tốt, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Theo tôi, tâm linh chính là cái tâm của người làm công trình làm sao cho phục vụ đồng bộ cho người dân, nâng cao đời sống người dân, không cần phải viện đến thần thánh.

Cho nên, hãy hoàn thiện các phương án khoa học, trình thành phố, nếu được đồng ý thì xin ý kiến nhân dân rồi hẵng làm.

Tôi nghĩ nếu làm một cách nghiêm túc, tôn trọng các nhà khoa học, tôn trọng các giải pháp công nghệ thật sự tốt, được người dân ủng hộ thì đã đủ đảm bảo cho dự án thành công, không cần đưa "tâm linh" vào làm gì", ông Trần Quang Hưng bày tỏ quan điểm.

Cũng theo nguyên Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, xử lý ô nhiễm, hồi sinh những con sông “chết” vẫn luôn là nỗi trăn trở lớn của Hà Nội cũng như các cấp bộ, ngành liên quan. Nhiều giải pháp nhằm xử lý ô nhiễm cho các con sông đã được đưa ra, thế nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện. Nguyên nhân, một phần do hạn chế về kinh phí, nhưng phần nhiều là do quy hoạch không chú trọng đến môi trường.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, đối với sông Tô Lịch cũng như các con sông khác, làm gì thì làm nhưng cần có một quy hoạch tổng thể giữa xây dựng với đảm bảo môi trường, kết hợp với việc nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt đã là khoa học thì đừng bao giờ gắn chữ "tâm linh" vào bất cứ công trình nào, từ một khu nhà đến một cây cầu, một con đường...

"Các nước tách được nước mưa với nước thải, nước mưa đẩy ra các con sông, nước thải thì đưa vào các khu xử lý trước khi trả lại cho sông, nhưng Hà Nội chưa làm được.

Giờ có doanh nghiệp đề xuất giải pháp tổng thể để cải tạo sông Tô Lịch là rất tốt, song giải pháp của họ phải được đưa ra để các nhà khoa học tham gia ý kiến, nếu chấp nhận được thì làm thử. Trên thế giới, nhiều nước đã thành công trong việc làm sạch các con sông, như Đức làm sạch sông Elbe, Nhật làm sạch một con sông quanh Tokyo...

Chúng ta có thể làm được nếu có giải pháp tốt, quan trọng nhất là quy hoạch phải phù hợp, đồng bộ.

Chẳng hạn, một trong những công việc khi làm sạch sông Tô Lịch là phải tách được nước thải đổ vào sông, xử lý nó trước khi trả lại cho sông. Người ta phải tính lượng nước thải đổ vào sông trong 1 ngày, thế nhưng nếu cứ xây một loạt nhà cao tầng, nước thải chảy vào sông lại tăng lên thì không hệ thống nào đồng bộ được, không thể nào xử lý ô nhiễm được", ông Hưng chỉ rõ.

Phối cảnh ý tưởng dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa - tâm linh.

Phối cảnh ý tưởng dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa - tâm linh.

Cho ý kiến về đề xuất của JVE, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam khẳng định, về mặt khoa học phải xem xét cho thật kỹ càng.

Trước hết, Hà Nội có 6 con sông chết, ngoài Tô Lịch có sông Nhuệ, sông Đáy, sông Kim Ngưu, Lừ, Sét. Các con sông này đều đang ở trong tình trạng ô nhiễm tồi tệ, tại sao doanh nghiệp chỉ chọn sông Tô Lịch để đề xuất cải tạo, từ đó xây dựng Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh mà không có các con sông khác?

Thứ hai, các nhà khoa học và nhà quản lý đều đã xác định giải pháp cơ bản để cứu sông Tô Lịch gồm 2 bước: Một là, sông Tô Lịch hiện nay chỉ có nguồn nước duy nhất là nước thải, phải xử lý càng triệt để càng tốt nguồn nước thải sinh hoạt trước khi đưa nó trở lại sông Tô Lịch.

Hai là, phải bổ cập nước cho sông Tô Lịch để vừa hỗ trợ làm sạch thêm, vừa đảm bảo sông có dòng chảy tương đối.

Trước đề xuất này, JVE Group đã có dự án ồn ào sử dụng thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor để làm sạch một đoạn sông Tô Lịch. Ở thời điểm họ bắt đầu, dù vui mừng có dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, song ông Tứ đã nhận định đó là giải pháp không thành công, bởi làm sạch sông khác với làm sạch hồ, sông phải có dòng chảy. JVE Group sử dụng công nghệ Nano-Bioreactor để làm sạch sông Tô Lịch, nhưng nước thải sinh hoạt vẫn cứ đổ vào sông thì ô nhiễm vẫn cứ hoàn ô nhiễm.

"Sau khi phải dừng dự án đó lại, giờ JVE Group lại muốn cứu sông Tô Lịch theo hướng du lịch tâm linh. Tại sao trước đây họ không đề cập chuyện đó? Hoặc đây có thể là từng bước đi của họ, chúng ta chỉ có thể chờ đợi và hy vọng", PGS.TS Đào Trọng Tứ nói và bày tỏ mong muốn được gặp gỡ lãnh đạo JVE Group để trao đổi về ý tưởng của họ.

Đọc thêm