Yên ả sông nước miệt vườn Nam Bộ

(PLO) - Từ Sài Gòn, mất hơn tiếng đồng hồ là đã tới Tiền Giang. Từ thành phố Mỹ Tho, xuống thuyền chạy dọc sông Tiền rồi chuyển sang ghe nhỏ đi vào những kênh rạch chằng chịt.
Yên ả sông nước miệt vườn Nam Bộ

Phàm là sông thì ở đâu chẳng giống nhau, cũng là nước đục lờ, mênh mông trải dài đôi bờ cây cối, nhưng kênh rạch thì chỉ nơi này mới vậy. Xem phim hoài trên ti vi, đâm ra mơ mộng, thấy có ngày mình ngồi trên chiếc xuồng trôi giữa hai bờ dừa nước nơi miền Tây Nam Bộ. Khắp miền sông nước Nam Bộ kênh rạch chằng chịt, nên ngó đâu cũng chẳng thể vắng bóng cây cầu.

Cầu tre vắt vẻo như làm xiếc, cầu ván gỗ ọp ẹp gai người. Người mẹ mới ru con: “Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi”. Người con trai Cần Thơ thì hò “Cầu tre lắt lẻo anh thắt thẻo ruột gan”. 

Xuồng trôi qua những cù lao đầy hoa trái. Miệt vườn là đây. Từ thuở đi khai hoang mở đất, người miền Tây đã nhận ra lợi ích của vườn cao hơn nhiều lợi ích từ ruộng, và chỉ những vùng ven sông Tiền, sông Hậu như Cần Thơ, Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long mới đích thị miệt vườn. Trai trưởng thành, có vườn có tược ấy cầm chắc là người sung túc, trung lưu. Gái miệt vườn ắt vô cùng có giá, tấp nập trai phương xa đến tán tỉnh, đưa rước: “Ghe ai đỏ mũi xanh lườn/ Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?”.

Người về già, sống giữa điền viên cũng là mang mệnh số sung sướng, nhàn tản. Làm ruộng cực nhọc hơn làm vườn. Làm vườn tất sang trọng hơn cày ruộng. Thời xưa thế, còn kỷ nguyên công nghệ, vườn cũng chẳng bớt giá đi chút nào. Vườn, ngoài lợi tức sinh cây trái bán lấy lãi thì còn là nơi làm du lịch.

Ghe thả chúng tôi vào một vườn cây ăn trái khổng lồ ở Vĩnh Long, lối đi ngoắt ngoẻo xen giữa những xanh um chồi lá. Các cư dân trên cù lao ẩn hiện sau những khu vườn sai trĩu quả. Mục đích của chuyến du lịch sinh thái này cũng chỉ có vậy, chiêm ngưỡng nền văn minh sông nước và miệt vườn đã tồn tại gần 4 thế kỷ nay. Chúng tôi được dẫn vào một sảnh lớn lợp lá. Chủ vườn đã bày sẵn những đĩa trái cây ngon lành trên bàn: mít vườn ngào ngạt, bưởi tép nhỏ ngọt lịm, thanh long thơm mát. 

Trước mắt chúng tôi có một “sân khấu nhỏ”, là hai ghế đẩu đặt trên sàn lát gạch đỏ, đằng sau có chiếc phản gỗ láng bóng, võng treo ở trên, có lẽ là nơi nghỉ ngơi, hóng mát của chủ nhà những lúc vắng khách. Đó là sân khấu nhạc thính phòng dành cho những show diễn đờn ca tài tử phục vụ khách đến thăm vườn.

Hai nhạc công ngồi ghế đệm đàn kìm (nguyệt cầm) và đàn ghi ta, thêm hai nữ tài tử mặc áo bà ba và một nam tài tử chít khăn rằn, quần xắn gối ca bản “Dạ cổ hoài lang” và “Tình anh bán chiếu”. Tây đến xứ Việt, đi đâu cũng được nghe nhạc. Ra Bắc, guide bắt nghe quan họ, vô Nam ép nghe đờn ca tài tử, lửng lơ khúc giữa miền Trung nghe nhã nhạc cung đình, mà lên mạn Tây Nguyên lại ầm ì tiếng cồng chiêng. Chưa kể đến địa phương nào có ngay chiếu nhạc nơi ấy. Chỉ vài ba chiếc ghế đã thành sân khấu và bảo tàng trưng bày di sản phi vật thể. 

Ngồi giữa vườn cây um tùm lá, ngoài kia là bờ kênh, nhưng không thấy mát mẻ hơn chút nào, trái lại vẫn nóng bức đến phát điên. Nghe nhạc giữa trưa vã mồ hôi thế này thực kỳ khôi. Vọng cổ thì ủ ê, não nề. Nhưng ấy mới đúng là không khí Nam Bộ. Người sinh ra ở đất Phương Nam ít khi nào cảm thấy nóng, chắc thế.

Tôi đoán vậy vì đi khắp từ Sài Gòn qua các tỉnh đồng bằng Nam Bộ đều bắt gặp những chiếc quạt treo tường lờ đờ quay bên nọ bên kia. Lắm lúc ngồi tiệm ăn nực nội, bực bội quá mới gắt với chủ quán rằng sao không kiếm cái quạt nào công suất lớn hơn, quạt như này chỉ đủ để… hút gió nóng từ ngoài vào.

Tôi tư vấn cho họ rằng quạt ở hàng quán miền Bắc to hơn cái mâm, công suất lớn đến mức Marilyn Monroe mà mặc áo ba đờ xuy thì cũng bị quạt thổi cho bay thốc lên1. Những cô hàng chỉ cười cười ngạc nhiên như muốn bảo “Trời thanh thế này, quạt mát làm vậy sao lại kêu nóng”.

Hai nữ tài tử miệt vườn trang điểm rất đậm, khiến càng tăng độ nực về mặt thị giác, họ say sưa ca những giai điệu có tuổi đời gần thế kỷ. Lần đầu tiên được nghe vọng cổ ở cự li gần và đơn sơ đến vậy, bỗng dưng dấy lên một cảm giác gần gũi và thân thiết vô cùng với miệt vườn. Nhưng cũng như những bận ngồi xem các ca sĩ Philipin lưu lạc sang xứ Việt để biểu diễn vài bài nhạc sôi động trong những nhà hàng, resort, giữa lúc thực khách đang hối hả ăn uống, lại không khỏi chạnh lòng.

Ca sỹ miệt vườn
Ca sỹ miệt vườn

Âm nhạc và nghệ thuật cứ ra khỏi sân khấu lớn là thương da diết những người nghệ sĩ. Bảy ngày trong tuần, từ sáng đến tối, họ đã cười, đã diễn, đã ca hết show nọ đến show kia trong khắp các nhà vườn Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang…

Còn gì khác ngoài mưu sinh? Mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đầy phấn trắng của nữ tài tử mặc áo bà ba màu thiên thanh khi nàng nức nở, đau thương với khúc “Dạ cổ hoài lang”, trong khi nữ tài tử áo hồng đang ngồi trên phản gỗ đằng sau chờ đợi. Dẫu sao cũng khó mà quên được cảm xúc ngồi ăn trái cây giữa vườn trĩu quả và chiêm ngưỡng đờn ca tài tử cây nhà lá vườn.

Đi cùng tour với tôi hôm ấy toàn khách châu Âu nên điều gì cũng làm họ ngạc nhiên. Song có một thứ họ chẳng mấy thích thú là vào lò làm kẹo dừa, vì chẳng hiểu đó là loại thực phẩm gì. Để vào tận xưởng kẹo cũng phải đi bộ khá xa từ bờ kênh qua nhiều ngõ hẹp. Xưởng chỉ có một chàng thanh niên im lặng ngồi cắt kẹo. Kẹo dừa được nấu chảy trong lò và hễ cứ thấy khách vào, chàng lại lấy một thẻo đặt lên mâm trắng bột cho khách nếm thử. Tôi thì kinh ngạc thực sự. Kẹo dừa vừa nấu sao mà ngon thế, nóng hổi, dẻo dính, thơm ngậy hương dừa và vị mạch nha. Kẹo để một lát ngoài hơi gió sẽ tự động đông cứng, người làm kẹo cắt và đóng gói rồi bán buôn cho các siêu thị khắp từ Nam ra Bắc. 

Trước năm 1975, ở Bến Tre nổi tiếng có ông Đạo Dừa (1909-1990), người khai sinh ra một tôn giáo chỉ ăn cùi dừa và uống nước dừa, năm tắm đúng một lần vào lễ Phật đản. Đủ biết quả dừa là nguồn cảm hứng thế nào đối với… tôn giáo và nghệ thuật.

Giống như cây chuối ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cây dừa cũng không phải vứt đi thứ gì. Ngoài cùi và nước trở thành thực phẩm duy nhất nuôi dưỡng các tín đồ đạo Dừa thì xơ dừa không chỉ để bó chổi hay làm chất đốt mà còn thành lẵng hoa hoặc giỏ đựng quà. Phần vỏ cứng bên trong thì “lành làm gáo, vỡ làm muôi” hoặc được các nghệ nhân chế tạo thành vô số vật dụng hữu ích như thìa, đũa, bình trà, lọ hoa, đèn lồng, túi xách, gương lược, kẹp tóc, dây chuyền,… và các tác phẩm nghệ thuật như xe máy, xích lô, xe đạp vỏ dừa.

Gỗ dừa láng bóng làm phù điêu. Lá dừa làm cổng chào đám cưới. Các lò rượu, lò bánh tráng, lò kẹo dừa… cũng là một khu du lịch, nên ngoài cửa cũng bày bán vô số các sản phẩm làm từ dừa.

Những việc nên làm:

- Đi miền Tây nên vào mùa nước nổi, khoảng từ tháng 9 đến 11 hàng năm, thời điểm này hầu hết vùng miền Tây chìm trong nước. Du khách có thể ngồi trên xuồng ba lá để ngắm cảnh. Nếu các bạn muốn tham gia lễ hội thì có thể đi miền Tây từ tháng Chạp đến tháng 2 năm sau, còn muốn thưởng thức cây trái thì nên đi vào mùa hè.

- Nên thưởng thức những món ăn ngon nhất miền Tây là lẩu cá kèo, cá tai tượng chiên giòn, và lẩu cá linh bông điên điển.

- Chợ nổi ở miền Tây cũng là đặc sản nên đến tham quan ở xứ này.