Yêu cầu bất thường của Mỹ đối với Nhật Bản, Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính quyền Tổng thống Biden đã yêu cầu một số quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản - xem xét giải phóng kho dự trữ dầu thô trong một nỗ lực phối hợp nhằm giảm giá năng lượng toàn cầu.
Hệ thống các ống và van dầu thô tại Khu Dự trữ Dầu khí Chiến lược ở Freeport, Texas, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters (chụp ngày 9/6/2016)
Hệ thống các ống và van dầu thô tại Khu Dự trữ Dầu khí Chiến lược ở Freeport, Texas, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters (chụp ngày 9/6/2016)

Yêu cầu bất thường được đưa ra khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chống chọi với áp lực chính trị về giá dầu và các chi phí tiêu dùng tăng bởi sự phục hồi hoạt động kinh tế từ mức thấp trong đại dịch COVID-19.

Nó cũng phản ánh sự thất vọng của Hoa Kỳ đối với các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của tổ chức này, những người đã từ chối các yêu cầu lặp đi lặp lại từ Washington nhằm đẩy nhanh việc tăng sản lượng của họ.

"Chúng tôi đang nói thông điệp của những người tiêu dùng lớn nhất trên thế giới gửi tới OPEC rằng 'phải thay đổi hành vi của mình'", một trong những nguồn tin cho biết.

Các nhà phân tích cho biết, một động thái như vậy có thể không có tác động lâu dài đến việc giảm giá dầu của Mỹ, vốn đã đạt mức cao nhất trong 7 năm với giá trên 85 USD / thùng vào cuối tháng 10.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra yêu cầu bất thường nhằm "hạ nhiệt" giá dầu thô.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra yêu cầu bất thường nhằm "hạ nhiệt" giá dầu thô.

Ông Biden và các trợ lý hàng đầu đã thảo luận về khả năng phối hợp giải phóng dầu dự trữ với các đồng minh thân cận bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, cũng như với Trung Quốc, trong vài tuần qua, các nguồn tin cho biết.

Tokyo đã phản ứng tích cực với hoạt động tiếp cận ban đầu, theo một trong những nguồn tin.

Theo một nguồn tin Hoa Kỳ tham gia vào các cuộc thảo luận, thị phần của Hoa Kỳ trong bất kỳ đợt giải phóng dự trữ tiềm năng nào sẽ cần hơn 20 triệu đến 30 triệu thùng để tác động đến các thị trường. Việc phát hành như vậy có thể dưới hình thức bán hoặc cho vay từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) Hoa Kỳ - hoặc cả hai. SPR được thành lập vào những năm 1970 sau Cuộc cấm vận dầu mỏ của Ả Rập để đảm bảo Hoa Kỳ có đủ nguồn cung ứng trong trường hợp khẩn cấp.

Một số người quen thuộc với vấn đề này cảnh báo rằng các cuộc đàm phán về việc giải phóng nguồn cung phối hợp vẫn chưa được hoàn tất, cũng như chưa có bất kỳ quyết định cuối cùng nào về các hành động để "hạ nhiệt" giá dầu theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ.

Nhà Trắng từ chối bình luận về nội dung chi tiết của các cuộc điện đàm với các quốc gia khác. Nhưng Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết: “Không có quyết định nào được đưa ra".

Trong nhiều tuần, Nhà Trắng cho biết họ đang "nói chuyện với những người tiêu dùng năng lượng khác để đảm bảo cung cấp năng lượng toàn cầu và giá cả không ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu", người phát ngôn nói thêm.

Sau khi Reuters đưa tin về các cuộc thảo luận của Nhà Trắng, giá dầu thô giao sau của Mỹ được giao dịch ở mức 78,18 USD, giảm so với mức đóng cửa 78,36 USD / thùng, trong khi dầu Brent giảm xuống 80,21 USD sau khi kết thúc ở mức 80,28 USD / thùng.

Trước thông tin trên, cả dầu thô Mỹ và dầu Brent chuẩn toàn cầu đều ghi nhận mức giá thanh toán thấp nhất kể từ đầu tháng 10, với dầu Brent giảm 1,7% và dầu thô Mỹ giảm 3% trong ngày.

Khu Dự trữ Dầu khí Chiến lược ở Freeport, Texas, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters (chụp ngày 9/6/2016)

Khu Dự trữ Dầu khí Chiến lược ở Freeport, Texas, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters (chụp ngày 9/6/2016)

OPEC, dẫn đầu bởi Ả Rập Xê-út và các đồng minh của họ do Nga dẫn đầu, đã bổ sung khoảng 400.000 thùng mỗi ngày vào thị trường hàng tháng, nhưng đã từ chối lời kêu gọi tăng nhanh hơn của Tổng thống Biden, cho rằng nhu cầu phục hồi có thể rất mong manh.

Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo hôm thứ Ba cho biết ông dự kiến ​​thặng dư nguồn cung toàn cầu sẽ xuất hiện ngay sau tháng 12. “Đây là những tín hiệu cho thấy chúng tôi phải rất, rất cẩn thận", ông nói với các phóng viên.

Giá dầu tăng đã ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Tổng thống Biden, vốn sẽ quyết định liệu đảng Dân chủ của ông có duy trì đa số mỏng trong Quốc hội Mỹ hay không.

Giá xăng Mỹ hiện nay trung bình 3,41 USD / gallon, cao hơn 60% so với một năm trước do nền kinh tế đã phục hồi sau đại dịch COVID-19. Một số trợ lý của Tổng thống Biden cho rằng, tình trạng lạm phát từ năng lượng đến thực phẩm và các lĩnh vực khác ở Mỹ đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,2% trong 12 tháng qua, với các thành phần năng lượng tăng 30%.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris, một cơ quan giám sát năng lượng bao gồm một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu, đã không đưa ra bình luận về yêu cầu của Tổng thống Biden mà chỉ cho biết: "IEA theo dõi thị trường dầu mỏ chặt chẽ và sẵn sàng hành động khi cần thiết".

Đọc thêm