Yêu cầu chưa tăng giá điện đến hết quý II

(PLVN) - Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất như giá điện.
Bộ Công Thương yêu cầu chưa tăng giá điện đến hết quý II/2020 để ứng phó dịch Covid-19.
Bộ Công Thương yêu cầu chưa tăng giá điện đến hết quý II/2020 để ứng phó dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mới ban hành Chỉ thị số 06 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công thương trước những diễn biến mới của dịch Covid-19.

Cụ thể, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, nhất các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong phạm vi và lĩnh vực quản lý.

Đặc biệt, chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá như giá điện. Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Bộ Công thương cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp và các địa phương triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; đề nghị các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là tại địa phương có dịch bệnh.

Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ: "Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ" và 3 sẵn sàng: "Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương".

Bộ Công Thương giao Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, đặc biệt là đối với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch và các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân.

Cục Xuất nhập khẩu được giao đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tiếp tục bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; chủ trì, phối hợp, tham gia cùng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải để đề xuất các biện pháp giảm chi phí logisitcs cho doanh nghiệp…

Song song với đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Các dự án được nhắc đến là Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú I, Nhiệt điện Sông Hậu I; các dự án điện, khí, năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện; không được để thiếu điện giai đoạn 2021 – 2025.

Các đơn vị cũng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư. Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3 năm 2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020 (bao gồm vốn ODA)...

Đọc thêm