Yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế về vụ rơi máy bay MH17

(PLO) - Các nhà lãnh đạo thế giới ngày 18/7 đã bày tỏ sự giận dữ và yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế “không bị cản trở” về vụ việc chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở phía Đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 người có mặt trên máy bay thiệt mạng. 
Hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh: AFP
Hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh: AFP
Giới chức Malaysia xác nhận, chuyến bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã gặp nạn tối 17/7, khi đang trên đường từ Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur, Malaysia. Toàn bộ 298 người có mặt trên máy bay, trong đó có 283 hành khách và 15 thành viên trong phi hành đoàn, được cho là đều đã thiệt mạng. 
Theo AFP, chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines đã bị rơi tại một cánh đồng ngô nằm trong vùng chiến sự ác liệt giữa quân của Chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga. Ngày 18/7, hàng chục thi thể không còn nguyên vẹn của các nạn nhân vẫn còn rải rác xung quanh đống đổ nát của chiếc máy bay tại ngôi làng Grabove, gần biên giới với Nga.
Tại cuộc họp báo được tổ chức chiều 18/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai đã công bố những con số ban đầu về quốc tịch của các hành khách trên chuyến bay xấu số. Cụ thể, trong số các hành khách tử nạn có 173 người Hà Lan, 44 người Malaysia, 27 người Australia, 12 người Indonesia, 9 người Anh, 4 người Đức, 3 người Philippines, 1 người Kiwi và 1 người Canada. Theo ông Liow, tổng cộng 20 hành khách vẫn chưa thể xác định được danh tính do họ đã lên máy bay theo diện quá cảnh. 
Ông Liow cũng tái khẳng định đường bay mà chiếc MH17 đã thực hiện đã được phê chuẩn và không phận mà chiếc máy bay gặp nạn không hề bị hạn chế, với việc 15 tới 16 hãng hàng không khác tại châu Á – Thái Bình Dương vẫn sử dụng đường bay này. Theo ông Liow, các phi công trên chiếc MH17 đã không nhận được chỉ dẫn chuyển hướng bay nào trong những phút cuối trước khi máy bay gặp nạn. Ông này cũng bác bỏ thông tin cho rằng chiếc MH17 đã thực hiện đường bay này để tiết kiệm chi phí. 
Vụ việc xảy ra chỉ vài tháng sau khi chuyến bay mang số hiệu MH370 cũng của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất cùng với 239 người khi máy bay đang theo lộ trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Cho đến nay, số phận của chiếc máy bay này vẫn còn là một bí ẩn dù một chiến dịch tìm kiếm quốc tế đã được thực hiện cả trên không lẫn trên biển trong một thời gian dài. “Đây là một ngày bi thảm trong một năm bi thảm với Malaysia”- Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu tại một cuộc họp báo sáng 18/7, sau khi tuyên bố về một cuộc điều tra ngay lập tức về vụ việc. 
Ông Najib cho biết thêm, một nhóm các chuyên gia về thảm họa đã được điều tới Kiev và giới chức Ukraine cũng đã đồng ý lập một hành lang nhân đạo tại địa điểm máy bay bị rơi. Các hãng hàng không khác trong khi đó thông báo đang thiết lập các đường bay mới để tránh khu vực phía Đông Ukraine.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo thế giới cũng đã lên tiếng yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về vụ rơi máy bay. Nhà Trắng đã ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc chính quyền Ukraine trấn áp những phần tử ly khai nổi dậy làm bùng lên những căng thẳng và dẫn tới vụ rơi máy bay. “Dù chúng ta chưa biết được tất cả sự thật nhưng chúng ta biết rõ vụ tai nạn này xảy ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã có sự hỗ trợ của Nga cho các phần tử ly khai thổi bùng lên”- tuyên bố của Nhà Trắng cáo buộc. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong khi đó cho rằng các bằng chứng giữa đống đổ nát có thể bị làm hư hại và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra ngay lập tức. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, ông Obama thông báo Mỹ đã sẵn sàng hỗ trợ lập tức một cuộc điều tra quốc tế kịp thời, toàn diện, đáng tin cậy và không bị cản trở. Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc cũng tiến hành một phiên họp khẩn để thảo luận về thảm họa trên. Bộ Ngoại giao Singapore trong một tuyên bố đưa ra ngày 18/7 cũng yêu cầu một cuộc điều tra “toàn diện và minh bạch” về vụ việc. 
Trong một bài phát biểu với những lời lẽ mạnh mẽ được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói rằng, nếu chiếc máy bay đã bị bắn rơi bởi các loại vũ khí quân sự thì đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và thậm chí cả luật chiến tranh. Phát biểu này của ông Yudhoyono được cho là có liên quan đến thông tin một lãnh đạo của phe nổi dậy thân Nga úp mở về việc những phần tử thuộc phe này đã bắn nhầm chiếc MH17 vì cho rằng đây là một chiếc máy bay vận tải quân sự của Ukraine. 
Hai quan chức Mỹ cho biết, các nhà phân tích tình báo của nước này đang xem xét các dữ liệu để xác minh khả năng tên lửa đã được dùng để bắn hạ chiếc máy bay do các phần tử ly khai thân Nga, binh lính Nga dọc biên giới với Ukraine hay các lực lượng thuộc Chính phủ Ukraine phóng lên. “Chúng tôi đang phân tích tất cả các khả năng” – vị quan chức của Mỹ nói và cho biết thêm rằng giới tình báo Mỹ không còn nghi ngờ về việc máy bay MH17 đã bị tên lửa đất đối không bắn trúng. 
Đến chiều 18/7, các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy chiếc hộp đen thứ hai của chiếc máy bay MH17 tại hiện trường vụ tai nạn, sau khi hộp đen thứ nhất được tìm thấy trước đó một ngày. Việc phân tích dữ liệu trong những chiếc hộp đen được kỳ vọng sẽ giúp xác định nguyên nhân máy bay rơi, từ đó giúp làm rõ thủ phạm.

Đọc thêm