Sau khi thị sát tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ tại tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Ninh Bình tổ chức tốt việc sớm đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao tinh thần chủ động của toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Ninh Bình trong việc hạn chế thiệt hại, chỉ đạo di dân, chủ động xây dựng phương án phân lũ, theo dõi sát tình hình, có căn cứ khoa học để quyết định chưa phá đê xả lũ khi mực nước đã dâng trên 5,50 m. Đến nay, phương án này được xem là sáng suốt, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, nguy cơ mưa lớn vẫn còn kèm theo ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần biển Đông có khả năng thành bão và gió mùa Đông Bắc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung chỉ đạo, theo dõi sát tình hình thời tiết, trực ban 24/24, thành lập Ban chỉ huy ngay tại đập tràn; tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều, nhất là tại những vị trí có nguy cơ thẩm thấu, triển khai hộ đê toàn tuyến.
Tỉnh cần tiếp tục theo dõi, rà soát chủ động triển khai công tác di dời dân, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và các lực lượng khác; cương quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, nếu cần thiết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế vì an toàn tính mạng của nhân dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết; bảo đảm trước khi xả tràn phải đưa được toàn bộ nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ đến nơi an toàn. Tổ chức tốt việc sớm đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn.
Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tăng cường lực lượng khẩn trương hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất; chủ động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả sau mưa, lũ… Lực lượng công an chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, không để tình hình phức tạp xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng để hỗ trợ sơ tán nhân dân, khắc phục hậu quả mưa, bão.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết để dự báo, cảnh báo, chủ động chỉ đạo kịp thời hỗ trợ tỉnh triển khai ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ.
Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án xử lý hỗ trợ khắc phục thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xử lý hoặc đề xuất xử lý việc hỗ trợ giống lúa, giống rau cho tỉnh Ninh Bình để hỗ trợ người dân, bảo đảm mùa vụ và nhanh chóng ổn định đời sống.
Một số hình ảnh ghi nhận tại huyện Gia Viễn, sáng nay, 14/10:
|
Nơi này vốn là đường bộ, giờ biến thành sông. |
|
Nhà và cây trồng lút trong nước. |
|
Trên mặt đê Hoàng Long, các lực lượng Quân đội, Công an túc trực suốt ngày đêm |
|
Vật nuôi phải sơ tán lên mặt đường vì chuồng trại ngập úng |
|
Ở trong đê Hoàng Long, người dân các xã Gia Phong, Gia Minh, Gia Sinh, Gia Lạc xác định tràn Lạc Khoái có thể bị xả bất cứ lúc nào để cứu đê nên nhà nhà, người người phải đổ hết ra đồng để thu hoạch lúa |
|
Điều mà người dân lo nhất bây giờ là bão số 11 có thể tiếp tục gây mưa lớn, ảnh hưởng tới các tỉnh phía Bắc |
|
Nhiều người muốn đi thăm người thân ở một số xã thuộc huyện Nho Quan đành bất lực đứng trên đê nhìn sang vì lực lượng chức năng cấm đò, không cho người dân qua sông trên những con thuyền không đảm bảo an toàn giữa mùa lũ lớn |
|
Nước lên ngang núi, người dân Ninh Bình chưa bao giờ chứng kiến một trận lụt dữ dội như thế này |
|
Cánh đồng ngầu nước. Người dân địa phương cho biết: "Trận lụt này cao hơn năm 1985 nhiều". |